Hậu quả nếu xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

05:30' - 04/09/2017
BNEWS Kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, quan hệ Trung - Mỹ luôn ở vào trạng thái rất khó đoán định, có lúc căng thẳng, có lúc hòa dịu.
Hậu quả nếu xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ảnh: Foreign Policy Blogs

Tuy nhiên, mối lo ngại về cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ vẫn luôn thường trực với câu hỏi liệu có xảy ra cuộc chiến này hay không?

Tờ “Thương báo” (Hong Kong) mới đây có bài viết nhận định rằng, mặc dù Mỹ đã tiến hành cuộc điều tra về các hành vi thương mại của Trung Quốc, song nhiều nhà phân tích cho rằng không thể dựa vào điều này để đưa ra đánh giá về việc Trung - Mỹ có phát động cuộc chiến thương mại hay không.

Một mặt, Mỹ chọn thời điểm này để “ra tay” với Trung Quốc rất có thể nhằm chuyển dịch sức ép chính trị trong nước, bởi vì chính quyền Trump gặp rất nhiều trở ngại trong việc điều hành chính sách và dẫn đến rất nhiều mâu thuẫn trong nội bộ, đành phải tìm “đột phá khẩu” trong vấn đề ngoại thương để phân tán, chuyển dịch tiêu điểm chính trị trong nước.

Mặt khác, thời gian tiến hành cuộc điều tra theo điều khoản 301 tương đối dài, kết quả cuối cùng sẽ có nhiều biến số, hơn nữa điều khoản này đã nhiều năm không được áp dụng, rất khó đem lại kết quả thực tế.

Nghiên cứu viên cao cấp Chu Thế Kiệm của Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Trung - Mỹ thuộc Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) cũng nhận định: “Một số người nói rằng hiện nay cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ đã bắt đầu, nhưng trên thực tế không nghiêm trọng như vậy, bởi vì cuộc điều tra theo điều khoản 301 lần này chủ yếu tập trung vào vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, cơ bản là thông qua cuộc điều tra kéo dài khoảng một năm để tìm ra bằng chứng xác thực”.

Theo ông Chu Thế Kiệm, ngay cả trong trường hợp Mỹ cuối cùng tìm ra được chứng cớ, cũng không thể ngay lập tức áp đặt lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc, hai bên còn phải bước vào giai đoạn tham vấn, tức là hai nước Trung - Mỹ phải tiến hành đàm phán, công đoạn này tối thiểu phải mất 6 tháng. Vì vậy, ngay cả khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc, ít nhất cũng phải sau 2 năm.

Lâm Giang, Giáo sư khoa Kinh tế, Học viện Lĩnh Nam thuộc Đại học Trung Sơn cũng cho rằng cuộc điều tra thương mại theo điều khoản 301 đòi hỏi phải có trình tự, thời gian cần thiết mặc dù chưa thể xác định, nhưng theo tính toán phải cần ít nhất 1 năm.

Ông chỉ rõ, trong thời gian đó Mỹ không thể tùy tiện phát động một cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc; trước khi có được kết quả cuộc điều tra, khả năng Mỹ khăng khăng áp đặt mức thuế phạt đối với hàng hóa Trung Quốc và nhân đó tiến hành cuộc chiến thương mại là rất thấp.

Cuộc điều tra thương mại nói trên sẽ có kết quả và Mỹ phải thực hiện theo trình tự thủ tục, cần có chứng cứ để đưa ra cáo buộc, việc rà soát đánh giá cũng cần thời gian nhất định, vì vậy Mỹ cũng không thể ngay lập tức áp đặt lệnh trừng phạt (nếu có).

Ngoài ra, trong một năm tiếp theo có thể phát sinh nhiều vấn đề. Do vậy, cuộc điều tra thương mại nói trên cũng có thể sẽ chẳng mang lại điều gì, cuối cùng chỉ có thể “giơ cao đánh khẽ”. 

Tuy nhiên, cũng có một số chuyên gia cảnh báo rằng Trung Quốc cần sẵn sàng đối phó với nguy cơ về cuộc chiến thương mại do Washington phát động. Tiến sĩ Lỗ Chính Ủy, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Hưng Nghiệp cho rằng sự chắc chắn trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump cao hơn nhiều so với chính sách đối nội, khuynh hướng bảo hộ thương mại của Mỹ vẫn sẽ còn tiếp tục.

Có thể dự đoán rằng một khi nổ ra cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, kết quả cuối cùng chắc chắn là hai bên cùng thiệt hại, thậm chí sẽ gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu.

Một số nhân sĩ trong giới chính trị, giới kinh doanh Mỹ cũng cho rằng nếu chính quyền Mỹ bất chấp các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đơn phương hành động để giải quyết tranh chấp với đối tác thương mại, không chỉ không giải quyết được vấn đề, mà còn có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Chuyên gia Trương Học Cương của Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc cho rằng một khi nổ ra cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ nó sẽ gây tác động nặng nề cho các nước Đông Nam Á. Các sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ hầu hết được hoàn thiện ở Đông Nam Á, cuộc điều tra mang tính trả đũa của Mỹ nhằm vào các sản phẩm của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Đông Nam Á.

Một chiến lược gia về thị trường toàn cầu của tập đoàn dịch vụ tài chính JP Morgan Chase có chi nhánh ở Mỹ cũng cho rằng thương mại toàn cầu là huyết mạch kinh tế của các nước Đông Nam Á, trong một cuộc chiến thương mại quy mô lớn, nếu tổng lượng hàng hóa thương mại toàn cầu sụt giảm, Đông Nam Á chắc chắn sẽ là khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Theo bài viết trên trang Project-Syndicate, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Jackson về các vấn đề toàn cầu của Đại học Yale đồng thời là cựu Chủ tịch Tập đoàn tài chính và đầu tư Morgan Stanley Asia, ông Stenphen S. Roach nhận định dường như trái với dự đoán của thế giới, Tổng thống Trump một lần nữa làm dấy lên khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Khó có thể nói rằng động thái này không gây ra hậu quả nhất định.

Mặc dù những cáo buộc này đáng được đưa ra điều tra, như đã được đề cập trong báo cáo mới nhất của Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ trình lên Quốc hội nước này về việc Trung Quốc tuân thủ các quy định của WTO, nhưng việc trừng phạt Bắc Kinh sẽ gây ra những tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.

Dù muốn hay không, tranh chấp thương mại Mỹ - Trung có thể sẽ là điều không thể tránh khỏi giữa 2 nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ hai thế giới vốn có mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau sâu sắc.

Nếu Mỹ áp đặt các mức thuế lên các mặt hàng Trung Quốc, Bắc Kinh chắc chắn sẽ có hành động đáp trả. Bộ Thương mại Trung Quốc từng tuyên bố sẽ “có biện pháp thích đáng để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình”. Ảnh hưởng của việc Mỹ áp đặt các biện pháp thuế quan chống Trung Quốc là không nhỏ.

Thứ nhất, việc áp đặt thuế lên các mặt hàng nhập khẩu và dịch vụ từ Trung Quốc đồng nghĩa với việc đánh thuế cao vào người tiêu dùng Mỹ. Nếu thay đổi theo hướng giảm lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì chi phí hàng nhập khẩu nói chung của Mỹ chắc chắn sẽ tăng mạnh vì giá hàng hóa của các nước khác cao hơn.

Khi giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao kéo theo tác động lan truyền của nguy cơ lạm phát thì điều này sẽ tác động mạnh mẽ đến tầng lớp trung lưu Mỹ, những người vốn đang phải đối mặt với mức lương trì trệ trong hơn 3 thập kỷ qua.

Thứ hai, các hành động thương mại chống Trung Quốc có thể làm cho tỉ lệ lãi suất tại Mỹ tăng cao. Nước ngoài hiện nắm giữ khoảng 30% trái phiếu kho bạc Mỹ, trong đó Trung Quốc nắm giữ một lượng trái phiếu trị giá khoảng 1,15 nghìn tỉ USD (tính tới tháng 6/2017), cao hơn so với mức nắm giữ của Nhật Bản vào khoảng 1,09 nghìn tỉ USD.

Nếu Mỹ áp đặt các mức thuế mới đối với các mặt hàng từ Trung Quốc, Bắc Kinh có thể giảm mua trái phiếu Mỹ, thúc đẩy đa dạng hóa việc nắm giữ các loại tài sản khác ngoài đồng bạc xanh, vốn là chiến lược mà Bắc Kinh thực hiện trong vòng 3 năm qua.

Trong khi ngân sách Mỹ vẫn đang bị thâm hụt lớn, thậm chí có thể thâm hụt hơn nữa dưới thời chính quyền Trump do cắt giảm thuế và tăng chi tiêu công, việc Trung Quốc giảm mua loại trái phiếu này có thể gây áp lực lên các chi phí đi vay của Mỹ. 

Thứ ba, do nhu cầu trong nước có mức tăng trưởng thấp, các công ty Mỹ dựa nhiều hơn vào nhu cầu ở nước ngoài. Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ.

Việc Mỹ đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Bắc Kinh còn làm ảnh hưởng tới các đối tác trong Khu vực Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là Canada và Mexico, lần lượt là những thị trường xuất khẩu lớn thứ nhất và thứ hai của Mỹ.

Trong bối cảnh đó, rất có thể các thị trường lớn này sẽ phản ứng, gây ra hạn chế cho Mỹ trong việc tiếp cận các thị trường này, từ đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới lời hứa về sự phục hồi sản xuất nhằm “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Tổng thống Trump.

Có lẽ việc chính quyền Mỹ tạo áp lực lên Trung Quốc là điều khó tránh khỏi, ở mức độ nào đó, Washington có thể có lý do để làm như vậy. Tuy nhiên, việc "ra đòn thương mại" với Bắc Kinh mà không tính toán đến những hậu quả có thể là một sai lầm. Điều này có thể ảnh hưởng tới lợi ích không chỉ của Mỹ mà của cả các nền kinh tế khác trên thế giới./.

Xem thêm:

>> Thương mại toàn cầu trước làn sóng bảo hộ

>> Hội nhập quốc tế - Bài 1: Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch

>> Hội nhập quốc tế - Bài 2: Nội lực tốt để tăng khả năng cạnh tranh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục