Khai mạc Triển lãm quốc tế Denims & Jeans lần thứ 3

15:20' - 27/06/2018
BNEWS Ngày 27/6, tại Tp. Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ khai mạc Triển lãm quốc tế Denims & Jeans lần thứ 3, do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) phối hợp với Công ty Balaji Enterprises (Ấn Độ) tổ chức.
Các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng Denims và Jeans đang tìm kiếm cơ hội hợp tác tại triển lãm. Ảnh: Hứa Chung - TTXVN

Đây cũng là một sự kiện quan trọng đánh dấu sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp dệt may Việt Nam và Ấn Độ nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững hơn nữa của ngành dệt may Việt Nam.

Với chủ đề Rock and Roll, triển lãm lần này thu hút sự tham gia của hơn 40 công ty đến từ 11 quốc gia, vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Thụy Sỹ, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… Đó là những doanh nghiệp vải denim, sản xuất phụ kiện cũng như các nhà sản xuất hàng may mặc uy tín trong nước và quốc tế.

Cũng trong khuôn khổ triển lãm sẽ có 6 hội thảo chuyên ngành được tổ chức, do các chuyên gia quốc tế về denim thuyết trình và trao đổi; trong đó, tập trung vào một số chủ đề như: tương lai của nguồn cung cấp denim; Phương thức liên kết chuỗi cung ứng denim để phát triển bền vững; chuyển đổi kỹ thuật số từ Analog đến Digital…

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, mặc dù Việt Nam hiện là nước xuất khẩu dệt may lớn thứ 3 thế giới, có ảnh hưởng lớn đến ngành dệt may thế giới, tuy nhiên phần cung về vải denim và jean thì còn thiếu hụt.

Do vậy, sự kiện triển lãm lần này có nghĩa rất quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với công nghệ, thiết bị, thiết kế vải denim và jean theo các xu hướng mới nhất hiện nay.

Sự kiện cũng là cơ hội tạo ra kênh kết nối giữa các doanh nghiệp dệt may Ấn Độ và Việt Nam; trong đó, tập trung vào giải pháp phát triển về công nghệ, phần mềm quản lý, thiết kế 3D, dòng nhãn hàng… để phục vụ mục tiêu phát triển bền vững ở các thị trường xuất khẩu nhằm lấy được lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Theo ông Giang, Việt Nam hiện đã và đang ký kết nhiều FTA, một số FTA quan trọng như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) dự kiến sẽ có hiệu lực trong năm 2018-2019.

Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Ấn Độ cũng như các nước đầu tư vào Việt Nam để tận dụng các FTA. Trong thời gian qua, ngành dệt may Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác với ngành dệt may Ấn Độ, nhất là trong lĩnh vực thiết bị kéo sợi.

Vitas hy vọng cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ sẽ tiếp tục tham gia vào chuỗi cung ứng phần cung thiếu hụt của ngành dệt may Việt Nam; đồng thời sớm triển khai các dự án đầu tư vào vải denim và jean chất lượng cao giúp ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững hơn nữa trong thời gian tới.

Ông Sandeep Agarwal, đại diện Công ty Balaji Enterprises (Ấn Độ) cho biết, trong thời gian qua, ngành dệt may đã có sự tăng trưởng và phát triển khá mạnh.

Đáng chú ý, chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu dệt may sang Hoa Kỳ với giá trị kim ngạch lên đến 4 tỷ USD.

Sự phát triển ngoạn mục này cho thấy ngành dệt may Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng mạnh mà không cần sự hỗ trợ nào về việc miễn thuế ở các thị trường truyền thống.

Do vậy, với việc ký kết Hiệp định CPTPP và EVFTA sắp có hiệu lực thì xuất khẩu dệt may Việt Nam chắc chắn sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Triển lãm sẽ diễn ra từ nay đến ngày 28/7/2018./.

Xem thêm:

>>>Áp dụng công cụ tự đánh giá trực tuyến trong xây dựng thương hiệu ngành dệt may

>>>Dệt may Việt Nam duy trì mức tăng trưởng tại các thị trường truyền thống

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục