Mỹ tổn thất không kém Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại

05:30' - 12/04/2018
BNEWS Theo báo Văn hối (Hong Kong), một khi Trung Quốc và Mỹ “sứt mẻ” về vấn đề thương mại, những tổn thất mà Mỹ phải gánh chịu có thể sẽ không nhỏ hơn Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THX/TTXVN

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một bản ghi nhớ, áp thuế nhập khẩu đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá tới 60 tỷ USD, với cáo buộc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, các chuyên gia về thương mại chỉ ra rằng động thái này thể hiện Mỹ vẫn đang quán triệt thực hiện theo chính sách "Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump, mục đích là nhằm duy trì quyền chủ đạo của Mỹ trong phân công lao động quốc tế.

Báo Văn hối (Hong Kong) nhận định rằng xét trên sự hoàn chỉnh của hệ thống công nghiệp Trung Quốc - quốc gia duy nhất trên thế giới có tất cả các danh mục công nghiệp trong Bảng phân loại công nghiệp của Liên hợp quốc (LHQ) - một khi hai bên sứt mẻ về vấn đề thương mại, những tổn thất mà Mỹ phải gánh chịu có thể sẽ không nhỏ hơn Trung Quốc.

Bạch Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thị trường quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Bộ Thương mại Trung Quốc - cho rằng lần này ông Trump muốn khuấy động cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ. Thực tế, đó là nâng cấp thực sự của chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ.

Một mặt, quán triệt thực hiện chính sách "Nước Mỹ trước tiên” để làm hài lòng cử tri của ông Trump, mặt khác, lấy mất cân bằng thương mại làm thời cơ, có ý đồ tạo sức ép lên không gian phát triển công nghiệp của Trung Quốc nhằm duy trì quyền chủ đạo của Mỹ trong phân công quốc tế.

Bạch Minh nêu rõ: “Khách quan mà nói, trong những năm gần đây, ngành công nghiệp chế tạo của Mỹ phát triển chậm lại. Do đó, Mỹ muốn thông qua việc kiềm chế sự phát triển của ngành công nghiệp chế tạo của Trung Quốc, từ đó nhằm duy trì quyền chủ đạo quốc tế của mình”. Theo Bạch Minh, phạm vi sản phẩm cần áp thuế lần này do Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tiết lộ, chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp trong chương trình “Made in China 2025”, thể hiện sự thô bạo, bất chấp đạo lý của Mỹ.

Trương Trí Uy - chuyên gia Kinh tế trưởng của Deutsche Bank chi nhánh Trung Quốc - cho rằng hiệu quả thực tế của cuộc chiến thương mại do Mỹ triển khai thực sự sẽ giảm đi đáng kể. Nếu Mỹ mở ra cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, điều đó sẽ chủ yếu tác động đến các ngành công nghiệp như: sản phẩm điện tử (bao gồm máy tính và điện thoại di động), thiết bị điện, dệt may, đồ gia dụng và xe hơi.

Tuy nhiên, sau khi suy xét chi tiết sẽ thấy việc tăng thuế đối với đồ gia dụng, các sản phẩm dệt may và quần áo có thể kéo theo thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước đang phát triển khác; quy mô xuất khẩu xe hơi của Trung Quốc có hạn; các sản phẩm điện, điện tử hầu hết do các công ty xuyên quốc gia sử dụng linh kiện nhập khẩu để chế tạo.

Chu Dân - cựu phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tài chính Quốc gia thuộc Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) - cũng chỉ ra rằng ngay cả khi Trung-Mỹ nổ ra cuộc chiến thương mại, quyền chủ đạo trong đàm phán cũng thuộc về Trung Quốc.

Năm sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của Mỹ vào Trung Quốc như máy bay, nguyên vật liệu, các sản phẩm nông nghiệp... đều bị tác động chính sách rất lớn. Trong khi đó, 5 sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc vào Mỹ như thiết bị ngành công nghiệp chế tạo, thiết bị máy, sản phẩm hóa học đều theo định hướng thị trường. Vì vậy, xét về chính sách, Trung Quốc dễ trả đũa hơn so với Mỹ.

Đối với các biện pháp trả đũa của Trung Quốc, chuyên gia Bạch Minh nhấn mạnh danh sách các sản phẩm áp thuế mà Bộ Thương mại Trung Quốc công bố lần này chủ yếu nhằm đáp trả việc Mỹ áp thuế đối với các sản phẩm nhôm, thép của Trung Quốc, vì vậy chỉ liên quan đến số hàng hóa trị giá 30 tỷ USD.

Tiếp sau “cuộc điều tra theo Điều 301” của Mỹ, các biện pháp sẽ mạnh mẽ hơn. Bạch Minh nói: “Chúng ta có thể dựa trên các tiền đề phù hợp với quy tắc liên quan của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) để đáp trả các ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục