Ý nghĩa của chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ

05:30' - 22/11/2017
BNEWS Sau chuyến công du châu Á của Tổng thống Donald Trump, chính sách của Mỹ đối với khu vực này vẫn chưa định hình rõ nét và bị chi phối bởi điểm nóng Triều Tiên và nỗi ám ảnh thâm hụt thương mại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) sau khi dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị liên quan tại Manila, Philippines ngày 14/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Xung quanh chuyến công du châu Á dài ngày nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump kể từ trước đến nay với khái niệm “Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do” được đề cập, chuyên gia nghiên cứu Hoàng Thị Hà, Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) đã có những bình luận về chính sách của chính quyền Trump tại khu vực trước những động thái mới này.

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Thị Hà, bất chấp những động thái mới đây của Tổng thống Mỹ như thực hiện chuyến công du châu Á dài ngày và quyết định dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Philippines, chính sách của chính quyền Donald Trump đối với khu vực này vẫn chưa định hình rõ nét và vẫn bị chi phối bởi điểm nóng trước mắt là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hay nỗi ám ảnh của ông Trump về thâm hụt thương mại với nhiều nước ở khu vực.

Điểm nhấn trong chính sách của chính quyền Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, theo chuyên gia Hoàng Thị Hà, đó chính là Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do mà ông Trump sẽ phác thảo trong những ngày tới.

Ban đầu đây là ý tưởng của Nhật Bản nhưng trong những tháng vừa qua, nó đã trở thành khung chiến lược cho chính sách châu Á của chính quyền Trump, với một số đường nét sơ bộ.

Thứ nhất về mặt phạm vi áp dụng, đây là sự mở rộng phạm vi chiến lược bao quát cả hai đại dương – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, chứ không chỉ tập trung vào sườn Đông Á-Thái Bình Dương như trước. Và theo như tên gọi, chiến lược này dành nhiều ưu tiên cho không gian biển.

Thứ hai, nền tảng của chiến lược này dựa trên bộ tứ Mỹ-Nhật-Ấn Độ và Australia (mặc dù sự tham gia của Australia vẫn còn thận trọng do quan ngại Trung Quốc). Yếu tố mới ở đây là sự nâng tầm vai trò đối tác chiến lược của Ấn Độ vì Nhật-Mỹ và Australia vốn đã là những đồng minh quân sự.

Các thể chế đa phương như ASEAN hay liên quan đến ASEAN sẽ không bị phớt lờ, nhưng sẽ ko đóng vai trò nổi bật như thời Tổng thống Barack Obama.

Thứ ba là mục tiêu “mở và tự do” cho cấu trúc khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương – dựa trên luật lệ và những nguyên tắc căn bản như tự do hàng hải, thương mại công bằng và tự do, hội nhập kinh tế nhưng tôn trọng chủ quyền.

Tất cả những yếu tố này ngoài ý nghĩa kinh tế thì còn có hàm ý địa chiến lược rất rõ ràng. Đối tượng chiến lược ở đây là Trung Quốc, hay cụ thể hơn là sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc kéo theo việc Bắc Kinh đang chủ động và ráo riết xây dựng một cấu trúc khu vực trong đó Trung Quốc là cường quốc trung tâm.

Điều này thể hiện rất rõ ở chiến lược “Vành đai và Con đường” (BRI) vốn bao quát không chỉ Thái Bình Dương mà còn Ấn Độ Dương. Chính vì vậy, theo chuyên gia Hoàng Thị Hà, một trong những thông điệp quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương Mở và Tự do là có nhiều vành đai và nhiều con đường, và không phải mọi con đường đều dẫn đến Bắc Kinh.

Ngày 13/11, tại thủ đô Manila, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (ảnh, phải) có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh, trái) bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị cấp cao liên quan. Ảnh: THX/TTXVN

Nhận định về việc Tổng thống Mỹ tham dự các sự kiện của ASEAN tại Philippines, nhà phân tích Hoàng Thị Hà cho rằng việc Philippines là Chủ tịch ASEAN và là nước chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN cũng như những hội nghị liên quan khác là nguyên nhân khiến Manila trở thành một trong những điểm dừng chân của Tổng thống Trump trong chuyến công du châu Á lần này. Điều này đơn thuần xuất phát từ yếu tố hậu cần, tổ chức.

Tuy nhiên bản thân Philippines vẫn là một đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực Đông Nam Á, cho dù liên minh này đã có nhiều sứt mẻ sau khi ông Duterte lên cầm quyền. Điều quan trọng là ông Duterte và ông Trump không có “cảm giác thù ghét”  như giữa ông Duterte và Tổng thống Obama.

Khác với nhiều lãnh đạo phương Tây, ông Trump không những không chỉ trích mà còn đánh giá cao cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte. Đây là cầu nối quan trọng của hai nhà lãnh đạo vốn là những cá tính đặc biệt và đều được bầu lên dựa trên hứa hẹn về việc đảm bảo pháp luật và trật tự.

Philippines cũng là một mắt xích quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu do Mỹ lãnh đạo. Điều này là rất rõ ràng sau thành công của chiến dịch Marawi, một phần lớn nhờ vào hợp tác an ninh-quân sự giữa hai bên.

Và cũng như Hà Nội, Manila là một bên tranh chấp quan trọng ở Biển Đông. Mặc dù Tổng thống Duterte ưu tiên tranh thủ hợp tác kinh tế với Bắc Kinh hơn là theo đuổi kiện tụng, nhưng Mỹ và Philippines đều có lợi ích chung trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế.

Chuyên gia Hoàng Thị Hà cho rằng chính quyền Mỹ vẫn chưa có chính sách ổn định và nhất quán về Đông Nam Á. Cụ thể là chính quyền Trump chưa có một khuôn khổ chiến lược chủ đạo để liên kết với Đông Nam Á, đặc biệt là với các thể chế đa phương như ASEAN.

Cho đến nay và trong tương lai sắp tới, sự hiện diện của Mỹ ở khu vực và việc thúc đẩy quan hệ Mỹ-ASEAN chủ yếu dựa trên nỗ lực ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng, chứ không phải dựa trên sự chỉ đạo chiến lược và tham gia trực tiếp của Tổng thống Trump.         

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục