“Hạt nhân” của chiến dịch tranh cử Tổng thống Indonesia

06:30' - 11/04/2019
BNEWS Báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài viết tập trung phân tích về cuộc tranh luận cắt giảm thuế của hai ứng cử viên Tổng thống Indonesia.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: TTXVN

Trước hàng nghìn doanh nhân tại Khu liên hợp thể thao Senaya ở Jakarta gần đây, Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) đã có bài phát biểu trong chiến dịch tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ hai của mình, trong đó ông hứa sẽ cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nếu được tái đắc cử làm Tổng thống, một lời hứa được chào đón nồng nhiệt từ phía cộng đồng doanh nghiệp. 
Trong khi đó, cặp ứng cử viên Prabowo Subianto-Sandiaga Uno, ứng cử viên Tổng thống và Phó Tổng thống, cũng tuyên bố sẽ cắt giảm thuế mặc dù trọng tâm là giảm thuế thu nhập cá nhân.
Các nhà kinh tế cho rằng việc cắt giảm thuế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có động lực để đầu tư kinh doanh và các hộ gia đình sẽ có động lực để mua sắm, du lịch... Tuy nhiên, nó chỉ phù hợp khi nền kinh tế tăng trưởng ổn định, khi đó nó sẽ giúp tăng thu nhập ngân sách của chính phủ để bù đắp nhiều hơn cho việc cắt giảm thuế mà chính phủ đã đưa ra.
Mặc dù giảm thuế có thể mang lại lợi ích cho các tập đoàn hoặc cá nhân, song chính nó lại là khoản cần đóng góp cho chính phủ. Trong khi đó, hiện nay các khoản thu thuế của Chính phủ Indonesia vẫn đang chịu áp lực. Câu hỏi đặt ra là chính sách thuế mang lại lợi ích như thế nào cho nền kinh tế?
Hiện nay, chính phủ của Tổng thống Jokowi vẫn đang nỗ lực nhằm tăng thu ngân sách, trong đó có tính đến tỷ lệ phần trăm của GDP đã giảm trong những năm qua. Trong hai nhiệm kỳ Tổng thống của ông Susilo Bangbang Yudhoyono, nguồn thu thuế đóng góp vào GDP đã tăng trung bình hàng năm là từ 10,3% đến 11,6%.
Trong khi đó từ năm 2014-2018 dưới thời của Tổng thống Jokowi mức đóng góp vào GDP trung bình chỉ 6,3%, cùng với việc nợ chính phủ đã tăng gấp đôi. Khoản trả lãi cho các khoản vay nợ chính phủ tăng từ 8,6% năm 2014 lên 12,9% năm 2018.
Một trong những lý do cho sự tăng trưởng thấp trong những năm qua là do chính sách thuế của chính phủ. Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi với việc giảm thuế, miễn thuế, khấu trừ thuế...
Thực tế đã chứng minh ở nhiều nước trên thế giới, để thu hút các nhà đầu tư để phát triển kinh tế đất nước, các ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp không quan trọng bằng các yếu tố khác như sự ổn định chính trị, ổn định của hệ thống pháp luật, chất lượng cơ sở hạ tầng và chi phí trung gian… Vì vậy, rõ ràng việc thu hút đầu tư không phải là cung cấp thêm tiền cho các công ty thông qua giảm thuế.
Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2019 không thuận lợi, điều này sẽ có tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế của Indonesia. Điều đáng chú ý là trong hai tháng đầu năm 2019, nguồn thu từ thuế của Chính phủ Indonesia chỉ tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là một cảnh báo cho chính phủ mới trong nhiệm kỳ tới phải thận trọng hơn trong việc đưa ra các chính ưu đãi thêm về thuế đối với các doanh nghiệp. Nhưng điều này có vẻ khó khăn, bởi sau cuộc bầu cử Tổng thống, sẽ phải thực hiện các lời hứa với doanh nghiệp và người dân trong quá trình vận động tranh cử. Do vậy, các ứng cử viên nên nhận ra việc cắt giảm quá nhiều loại thuế có thể đe dọa đến tăng trưởng kinh tế đất nước và ổn định kinh tế vĩ mô./.        

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục