Indonesia đầu tư lớn cho phát triển hạ tầng

06:30' - 23/03/2019
BNEWS Báo Jakarta Post số mới ra đăng bài viết với nhận định rằng các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ của doanh nghiệp nhà nước (SOE) đã giúp Indonesia cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng những năm vừa qua.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: TTXVN.

Tuy nhiên, nước này hiện vẫn còn thua xa các nước láng giềng như Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Joko Widodo (Jokowi), các doanh nghiệp nhà nước trong bốn năm qua đã tăng cường tham gia phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đối với các dự án giao thông để cải thiện kết nối giữa đất liền, trên không và trên biển. Năm nay, 1.794 km đường thu phí sẽ được xây dựng, tăng mạnh so với mức 1.254 km trong năm 2018.

Các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò then chốt đối với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của Indonesia, nhưng họ không nhất thiết phải đổ vốn toàn bộ vào các dự án này, ông Aactsius Kiik Ro, Phó Giám đốc phụ trách SOE đối với các dự án hạ tầng quốc gia cho biết.

Các SOE có thể áp dụng biện pháp tái cấu trúc và phát triển kinh doanh. Ông Aactsius Kiik Ro nói: "Cho đến nay, con đường thu phí xuyên đảo Java, kéo dài từ cảng Merak ở Banten đến Surabaya ở tỉnh Đông Java đã được hoàn thành, giảm thời gian di chuyển bằng ô tô từ 14 giờ xuống còn 9 giờ".

Ngoài việc rút ngắn thời gian đi lại và giảm chi phí, những con đường thu phí mới cũng giúp mở ra cơ hội việc làm mới và thúc đẩy các hoạt động kinh tế của Indonesia.

Bên cạnh con đường thu phí xuyên đảo Java, công ty nhà nước Hutama Karya đã tham gia phát triển con đường thu phí xuyên đảo Sumatra kéo dài từ Aceh ở mũi phía Tây Sumatra đến Bandar Lampung ở phía Đông. Với chiều dài khoảng 2.700 km, con đường này đòi hỏi tổng vốn đầu tư 250.000 tỷ rupiah (17,79 tỷ USD).

Bintang Perbowo, Giám đốc điều hành công ty Hutama Karya cho biết, năm nay công ty sẽ phân bổ 40.000 tỷ rupiah cho việc xây dựng đường thu phí. Tất cả các khoản tài chính sẽ được vay từ các ngân hàng.

Theo ông, "đường thu phí xuyên đảo Sumatra, một phần của tuyến đường Bakauheni-Palembang sẽ được hoàn thành với hy vọng trước kỳ nghỉ Idul Fitri năm nay (tết Năm Mới của người Hồi giáo). Đường thu phí có thể giảm thời gian di chuyển từ 12 giờ xuống còn sáu giờ.

Ngoài đường thu phí, chính phủ đã xây dựng mới 27 cảng biển thương mại kể từ năm 2015 để cải thiện kết nối trên biển; xây dựng 7 sân bay mới từ năm 2015-2017.

Qua từng năm, Chính phủ Indonesia đã tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng từ 39.300 tỷ rupiah  năm 2017 lên 410.700 tỷ rupiah trong năm 2018 và đối với năm 2019 sẽ là 415.000 tỷ rupiah, theo dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Theo Chỉ số Hiệu suất hậu cần (LPI) do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Indonesia đã tăng 17 điểm từ vị trí thứ 63 năm 2016 lên thứ 46 năm 2018. LPI đo lường chuỗi cung ứng hậu cần của một quốc gia.

Mặc dù có sự cải thiện, Indonesia hiện vẫn tụt hậu so với các nước láng giềng: Singapore xếp thứ bảy, Thái Lan (32), Việt Nam (39) và Malaysia (41) năm 2018.

Phát triển cơ sở hạ tầng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Indonesia trong khu vực.

Nhưng các nhà quan sát đã chỉ ra rằng nỗ lực này không thể được thực hiện chỉ bởi các doanh nghiệp nhà nước, bởi vì các dự án phải được tài trợ bởi nhiều nguồn thay thế, một phần bằng các khoản vay từ các ngân hàng quốc doanh.

Theo Giám đốc quản lý rủi ro của Ngân hàng quốc gia Indonesia (BNI) Bob Tyasika Ananta, các ngân hàng nhà nước đã giải ngân 330.200 tỷ rupiah cho các dự án cơ sở hạ tầng trong năm 2018. Trong đó bao gồm 182.300 tỷ rupiah từ Ngân hàng Mandiri, 110.600 tỷ rupiah từ Ngân hàng BNI và 37.300 tỷ rupiah từ Ngân hàng BRI. 

Tuy nhiên, sự đóng góp từ các ngân hàng quốc doanh không đủ để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn và các ngân hàng có những hạn chế. Những thách thức mà các ngân hàng đang phải đối mặt bao gồm sự khác biệt giữa khả năng cung cấp vốn và nhu cầu tài chính cơ sở hạ tầng, thường là dài hạn hoặc trung bình hơn 10 năm.

Đối phó với những thách thức này, ông Aactsius cho biết chính phủ đã kêu gọi các doanh nghiệp nhà nước tìm các nguồn tài trợ thay thế như chứng khoán hóa qua biên giới và phát hành trái phiếu xanh để thu hút vốn.

Theo WB, khoảng cách giữa nhu cầu đầu tư và chi tiêu thực tế trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng của Indonesia là khoảng 1.500 tỷ USD. Để đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng lớn như hiện nay, người ta ước tính số tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng của Indonesia sẽ tăng gấp 2 lần từ 82 tỷ USD trong năm 2016 lên 165 tỷ USD vào năm 2025.

Trong khi đó, Chính phủ Indonesia mới chỉ đề ra mục tiêu chi khoảng 45,7 tỷ USD cho việc phát triển cơ sở hạ tầng của nước này trong giai đoạn 2015-2019. 

Đây chính những thách thức nảy sinh trong quá trình Tổng thống Jokowi tìm cách “xoay sở” để đảm bảo nguồn tài chính cho các kế hoạch của mình. Theo đánh giá của Bloomberg, ngân sách của Indonesia chỉ có thể đáp ứng được khoảng 25 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng sắp tới của nước này.

Indonesia cần một lượng vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ cho lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng nếu muốn hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng. Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại quốc gia Đông Nam Á này. Là nền kinh tế đứng ở vị trí thứ 2 thế giới, Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư hầu khắp các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Dự án đường sắt cao tốc nối liền Jakarta và thành phố Bangdung của Inodonesia cũng do Trung Quốc đầu tư. Bắc Kinh mới đây đã nhất trí đầu tư cho một số dự án cơ sở hạ tầng tại nhiều khu vực như Bắc Sumatra, Bắc Kalimantan và Bắc Sulawesi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục