5 yếu tố ảnh hưởng tới quá trình phục hồi kinh tế Malaysia

05:30' - 10/01/2022
BNEWS Nền kinh tế Malaysia đang dần thoát khỏi đáy trong quý III/2021, khi GDP chỉ giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2020, và đang trên đà phục hồi vào năm 2022.

Đợt lũ lụt tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ tại một số bang đã làm giảm tốc độ phục hồi trong giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế-Xã hội Malaysia (SERC) dự báo GDP thực tế của quốc gia Đông Nam Á sẽ tăng trưởng ở mức 5,2% vào năm 2022, cải thiện đáng kể so với con số ước tính 3,4% của năm 2021.

Việc thị trường lao động dần dần phục hồi khi tỷ lệ thất nghiệp giảm từ mức 5,3% vào tháng 5/2020 xuống còn 4,3% trong tháng 10/2021, cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của đầu tư công do mức phân bổ ngân sách chi tiêu phát triển cao trong năm 2022 (75,6 tỷ RM, tương đương 18 tỷ USD) sẽ làm hồi sinh chi tiêu tiêu dùng, tạo cơ sở cho sự phục hồi kinh tế vững chắc hơn.

Tuy nhiên, giới phân tích tại Malaysia cũng cảnh báo việc vật liệu xây dựng tăng giá cùng năng lực triển khai đầu tư công yếu và sự thiếu hụt nguồn lao động có thể khiến các dự án bị trì hoãn dẫn đến việc giải ngân vốn chậm.

Kể từ khi nền kinh tế Đông Nam Á tái mở cửa trở lại, việc được phép đi lại xuyên bang và du lịch nước ngoài khiến tâm lý chung của người dân tương đối tích cực. Các chỉ số di chuyển và giao thông của mọi người đã có dấu hiệu hồi sinh bất chấp sự xuất hiện của biến thể. Các trung tâm bán lẻ, giải trí, tạp hóa và mua sắm cũng như số lượng người tới công sở, văn phòng, nơi làm việc tăng cao hơn.

Đáng chú ý, các chuyến du lịch giữa các bang mở cửa trở lại cùng số khách du lịch nội địa tăng đã giúp tỷ lệ kín phòng của các khách sạn được cải thiện đáng kể, đạt 40 - 50% trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, sự phục hồi của lượng khách du lịch quốc tế vốn đạt con số trung bình 26,1 triệu người và nguồn thu ngoại hối lên tới 80,7 tỷ RM (19,25 tỷ USD) mỗi năm trong giai đoạn 2015-2019, được nhận định là cần thiết để duy trì phát triển du lịch và các dịch vụ liên quan.

Các doanh nghiệp đang dần trở lại trạng thái bình thường do giới doanh nhân đang mong muốn tái khởi động và tiếp tục trở lại trạng thái trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Doanh thu thương mại bán buôn và bán lẻ đã trở lại, đạt mức cao nhất vào tháng 10/2021 với mức tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020, chạm mốc 116,4 tỷ RM (27,76 tỷ USD). Từ tháng 6/2021, doanh số bán xe có động cơ tăng trở lại ở mức 10,2%, đạt 14,2 tỷ RM (3,39 tỷ USD) sau khoảng thời gian giảm ở mức hai con số.

Hoạt động xuất khẩu tăng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2021 khi nhiều tháng vượt kỳ vọng do nhu cầu toàn cầu duy trì và giá hàng hóa ổn định. Vào tháng 11/2021, giá trị xuất khẩu tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2020 nhờ vào các sản phẩm điện tử và điện, dầu mỏ tinh chế, sản xuất kim loại, hóa chất và các sản phẩm liên quan đến hóa chất, dầu cọ và các hàng hóa liên quan. Các chuyên gia dự báo xuất khẩu sẽ duy trì mức tăng trưởng khoảng 1,8% vào năm 2022 khi tăng trưởng sẽ tiếp tục ở mức cơ bản cao sau khi đạt mức trung bình 102 tỷ RM (24,3 tỷ USD)/tháng trong năm 2021.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro với nền kinh tế như sự không chắc chắn về tăng trưởng toàn cầu do nguy cơ từ biến thể Omicron, khả năng sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ kéo dài đến nửa đầu năm 2022 do thời gian để giảm bớt tắc nghẽn và năng lực sản xuất tăng dần. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nhân công và chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao cũng làm giảm tốc độ sản xuất. Theo ông Lee Heng Guie, Giám đốc điều hành SECR, 5 nhân tố sau đây sẽ tác động mạnh mẽ tới quá trình phục hồi kinh tế của Malaysia trong năm 2022.

* Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19

Cả nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu trong năm 2022 dường như vẫn sẽ khá nhạy cảm với cường độ lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron mặc dù biến thể này có thể không gây ra bệnh nặng.

Các dữ liệu sơ bộ cho thấy các đột biến trong biến thể Omicron có thể làm giảm khả năng kháng bệnh của liều vaccine thứ hai chống lại sự tái nhiễm, chính vì vậy cần phải triển khai nhanh hơn liều vaccine tăng cường. Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 có thể làm dịu bức tranh phục hồi toàn cầu nếu các quốc gia buộc phải tái áp dụng việc hạn chế di chuyển.

* Chính sách lãi suất của Mỹ

SERC cho rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang lo lắng về nguy cơ lạm phát gia tăng và lập trường “diều hâu” (thắt chặt chính sách tiền tệ) của Fed sẽ thúc đẩy tốc độ mua trái phiếu giảm dần và đã báo hiệu ba lần tăng lãi suất vào năm 2022. Nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất nhanh hơn nếu áp lực lạm phát không giảm bớt trong tương lai. Các ngân hàng trung ương khác cũng thể hiện cùng lập trường diều hâu của Fed và có khả năng tiếp tục nhạy cảm với lạm phát.

Việc Fed giảm dần và thắt chặt tiền tệ sẽ khiến điều kiện thanh khoản chặt chẽ hơn, biến động tài chính và đảo ngược dòng vốn ở các thị trường mới nổi (thị trường vốn chủ sở hữu và ngoại hối). Sự biến động tài chính sẽ tràn tới Malaysia qua kênh tài chính và đồng ringgit yếu hơn so với USD.

* Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc

Nền kinh tế Trung Quốc đang tiếp tục đà giảm tốc trong thời gian dài. Chính phủ nước này đã thừa nhận nền kinh tế thứ hai thế giới hiện phải đối mặt với ba áp lực, giảm nhu cầu, cú sốc nguồn cung và kỳ vọng suy yếu. Những áp lực này khiến thanh khoản và nới lỏng tiền tệ dẫn đến mức giảm dần. 

Cùng với đó, Trung Quốc cũng đang phải vật lộn với những hậu quả nặng nề từ thị trường bất động sản và ảnh hưởng từ các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát dịch COVID-19. Nguy cơ lan rộng toàn cầu của biến thể Omicron có thể khiến kinh tế Trung Quốc sự suy giảm mạnh mẽ vào năm 2022. Chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc có nghĩa là không có bất kỳ điều gì ảnh hưởng tới việc phong tỏa phòng dịch.

Mặc dù Chính phủ Trung Quốc cố gắng ngăn chặn sự lây lan và hậu quả từ vụ vỡ nợ của tập đoàn bất động sản Evergrande, nhưng lĩnh vực bất động sản và xây dựng tại quốc gia đông dân nhất thế giới nhiều khả năng sẽ chứng kiến những suy giảm rõ rệt hơn nữa, khiến nhu cầu đối với khoáng sản và hàng hóa như quặng sắt, dầu và dầu cọ giảm. Điều này sẽ tác động mạnh tới quá trình phục hồi của kinh tế Malaysia khi giới phân tích ước tính rằng tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm 1%, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Malaysia sẽ giảm 0,3-0,5%.    

* Áp lực về chi phí và giá hàng hóa, dịch vụ

Ông Lee Heng Guie nhận định các chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục đối mặt với các khó khăn – nhân tố đã đẩy chi phí và giá cao hơn – và dường như những khó khăn này không có xu hướng giảm bớt đáng kể trong năm 2022. Giá của các loại hàng hóa, nguyên liệu cả cứng và mềm đều tăng đáng kể trong khi chi phí vận chuyển, dịch vụ hậu cần lại tăng vọt mặc dù đã được điều chỉnh trong những tuần gần đây, khiến chi phí sản xuất tăng, ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận cũng như lợi nhuận.

Cuộc khủng hoảng nguồn cung chip toàn cầu đang diễn ra, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của một số ngành từ công nghiệp ô tô đến thiết bị tiêu dùng, máy tính cá nhân, điện thoại thông minh và thực tế này có thể kéo dài đến hết năm 2022. 

Về mặt nội địa (thị trường Malaysia), chi phí đầu vào cao hơn, hạn chế về nguồn cung và sự thiếu hụt lao động ảnh hưởng rất khác nhau đến các công ty và các ngành, tùy thuộc vào khả năng hấp thụ sự gia tăng chi phí của từng lĩnh vực. Nếu các doanh nghiệp không thể hấp thụ các chi phí tích lũy này và nếu không giảm tỷ suất lợi nhuận của mình, một số doanh nghiệp và nhà sản xuất sẽ không còn lựa chọn nào ngoài việc chuyển chi phí sang người tiêu dùng dưới hình thức lạm phát tiêu dùng cao hơn.

Với mức tăng giá tiêu dùng được dự báo là 3% trong năm 2022 (so với con số ước tính 2,5% của năm 2021) và chi phí sinh hoạt cao hơn trong bối cảnh thị trường lao động phục hồi dần dần, mức lương danh nghĩa được cải thiện, người tiêu dùng vốn đã phải thắt chặt thu nhập, có thể buộc phải tái xây dựng các khoản tiết kiệm và cần phải tiết kiệm hơn trong chi tiêu. Thực tế này có thể kìm hãm chi tiêu của người tiêu dùng.

Ngân hàng Trung ương Malaysia dự kiến sẽ tăng lãi suất trong nửa cuối năm 2022 và thời điểm cụ thể sẽ phụ thuộc vào quỹ đạo tăng trưởng và rủi ro lạm phát. Theo ông Lee Heng Guie, cần phải loại bỏ việc duy trì chính sách lãi suất thấp nhằm xây dựng lại vùng đệm tài khóa và tiến từng bước nhỏ nhằm không cản trở quá trình phục hồi kinh tế. Thời gian duy trì chính sách lãi suất thấp kéo dài có thể gây ra sự mất cân đối tài chính do làm giảm tâm lý ngại rủi ro của các ngân hàng và các nhà đầu tư khác.

* Sự thay đổi trong chính sách điều hành kinh tế

Những thay đổi chính sách do Chính phủ đề xuất, bao gồm chính sách thuế, sẽ có tác động tới cung cầu ngắn hạn và dài hạn cũng như thay đổi tâm lý thị trường đối với các cá nhân, công ty và nhà đầu tư trên thị trường tài chính nói chung. Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức trong việc quản lý áp lực chi phí gia tăng khi đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch.

Giới phân tích dự báo các biện pháp cứu trợ và hỗ trợ (như giảm thuế cho thuê nhà, chiết khấu tiền điện, chiết khấu tiền thuế, và đóng băng tỷ lệ đóng góp theo luật định...) sẽ giảm dần trong năm 2022. Trong khi đó, mức lương tối thiểu cao hơn được đề xuất và mức thuế nhiều bậc trong tương lai sẽ khiến chi phí hoạt động tăng thêm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục