ADB hỗ trợ Indonesia cải cách doanh nghiệp nhà nước

09:08' - 26/11/2022
BNEWS Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa phê duyệt khoản vay 500 triệu USD dành cho Chính phủ Indonesia để cải cách doanh nghiệp nhà nước (SOE) nhằm nâng hiệu quả hoạt động, khả năng ứng phó và quản trị.

Chương trình tín dụng này sẽ hỗ trợ các nỗ lực giảm số lượng SOE, yêu cầu các doanh nghiệp này tập trung vào các hoạt động cốt lõi nhằm đảm bảo khả năng tài chính và cung cấp hiệu quả các dịch vụ công thiết yếu.

 

Bên cạnh đó, gói tín dụng cũng giúp nâng cao chất lượng hội đồng quản trị của các SOE, tăng cường giám sát và công khai tài chính, đồng thời giúp các SOE chuyển đổi sang mô hình kinh doanh phù hợp với mục tiêu khí hậu.

Ngoài 500 triệu USD của ADB, Ngân hàng Phát triển Đức (KfW) sẽ đồng tài trợ cho chương trình này với khoản vay tương đương 300 triệu euro (310 triệu USD).

Trong một tuyên bố, chuyên gia cấp cao về quản lý công của ADB tại Đông Nam Á, ông Yurendra Basnett cho biết: “Các SOE có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình phục hồi bao trùm và bền vững hậu đại dịch COVID-19 ở Indonesia. Song để mang lại giá trị lớn hơn cho công chúng, SOE cần giải quyết những điểm yếu về cấu trúc của”.

Trước khi nhận được khoản vay từ ADB, Chính phủ Indonesia đã nỗ lực thu hẹp quy mô của các SOE. Riêng năm 2019, có khoảng 143 doanh nghiệp nhà nước - thậm chí nhiều hơn nếu tỉnh cả các công ty con – đã được cải tổ. Bộ trưởng SOE Erick Thohir đã yêu cầu 2 thứ trưởng giúp chia các doanh nghiệp quốc doanh này thành 2 nhóm chính gồm 48 và 73 công ty.

Nỗ lực của Chính phủ Indonesia bao gồm thành lập các công ty mẹ, đặc biệt đối với các công ty có triển vọng tốt và tình hình tài chính lành mạnh, trong khi một số công ty hoạt động kém hiệu quả hoặc phụ thuộc vào việc bơm vốn thường xuyên của nhà nước sẽ bị giải thể, sáp nhập hoặc thoái vốn.

Tính đến tháng 3/2022, số lượng SOE của Indonesia đã giảm xuống còn 41 doanh nghiệp. Ông Erick tuyên bố muốn đưa số lượng này xuống còn 37 và hy vọng người kế nhiệm trong tương lai có thể đưa con số này xuống dưới 30.

Theo ông Erick, những nỗ lực của chính phủ nhằm giảm quy mô các SOE đã giúp chúng hoạt động hiệu quả hơn nhiều và ghi nhận lợi nhuận. Năm 2021, tổng lợi nhuận ròng của các SOE đạt 90.000 tỷ rupiah (5,7 tỷ USD), tăng từ mức 13.000 tỷ rupiah một năm trước đó.

Ông Erick cho hay khoản vay của ADB sẽ được chuyển trực tiếp cho nhà nước để giúp tài trợ cho thâm hụt vào năm tới, trở thành một phần đóng góp của Bộ SOE cho ngân sách nhà nước, ngoài các khoản cổ tức theo kế hoạch vào năm tới ước tính vào khoảng 48.000 tỷ rupiah./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục