ADB kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á thu hẹp khoảng cách số

13:00' - 21/10/2020
BNEWS ADB đã hối thúc các quốc gia Đông Nam Á mở rộng đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và bảo đảm tiếp cận công nghệ công bằng khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Masatsugu Asakawa 21/10 đã hối thúc các quốc gia Đông Nam Á mở rộng đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và bảo đảm tiếp cận công nghệ công bằng khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong bài phát biểu chính tại Hội nghị chuyên đề Phát triển Đông Nam Á đầu tiên của ADB, ông Asakawa cho biết “chúng ta phải thu hẹp khoảng cách số và mở rộng các khoản đầu tư hiện thời cho hạ tầng kỹ thuật số bằng cách xây dựng thêm hạ tầng băng thông rộng di động với chất lượng cao hơn, và bảo đảm phạm vi bao phủ cũng như khả năng tiếp cận Internet với chi phí phù hợp”.

Ông Asakawa nói: “Những bước đi này cũng có thể tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế và giáo dục, cũng như tiếp cận các dịch vụ tài chính. Những khoản đầu tư này sẽ giúp các quốc gia được trang bị tốt hơn để giải quyết tình trạng bất bình đẳng thu nhập và bất bình đẳng cơ hội đang trầm trọng thêm do đại dịch”.
Hội nghị chuyên đề Phát triển Đông Nam Á nhằm mục tiêu cung cấp một phạm vi rộng các quan điểm mới nhất và khác biệt về những vấn đề phát triển then chốt cho các quan chức chính phủ và các bên liên quan khác.

Khi các quốc gia trong khu vực đang tiếp tục vật lộn để ứng phó với COVID-19, sự kiện mở màn của năm nay tập trung vào việc cung cấp sự hỗ trợ về tri thức cho các quốc gia khi họ phục hồi từ những tác động kinh tế và xã hội của đại dịch.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati phát biểu khai mạc phiên toàn thể, tiếp sau đó là phiên thảo luận cấp cao với nội dung “Bình thường mới: Thúc đẩy phục hồi kinh tế thông qua Sáng tạo kỹ thuật số” với sự tham gia của ông Ahmed M. Saeed, Phó Chủ tịch ADB; ông Nadiem Anwar Makarim, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia; bà Sherie Ng, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương chuyên trách khu vực công của Microsoft; ông Ted Osius nguyên Đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam, Phó Chủ tịch chuyên trách Chính sách công và các vấn đề của chính phủ khu vực châu Á–Thái Bình Dương tại Google; bà Mimi Alemayehou, Phó Chủ tịch cấp cao về Quan hệ đối tác công – tư tại Mastercard; và ông Khailee Ng, thành viên sáng lập và quản lý tại 500 doanh nghiêp khởi nghiệp (startup).
Trong bài phát biểu chủ đề trọng tâm của mình, ông Asakawa đã nhấn mạnh năm lĩnh vực chính sách then chốt có thể hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á khi họ quay trở lại con đường tăng trưởng bền vững:
Thứ nhất, giải quyết tình trạng bất bình đẳng vùng miền và bảo đảm tiếp cận công nghệ công bằng hơn, bao gồm mở rộng các hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để thu hẹp “khoảng cách số”, trong khi khắc phục vấn đề an ninh mạng.
Thứ hai, hỗ trợ việc phục hồi xanh và thích ứng bằng cách thúc đẩy những khoản đầu tư dẫn dắt các hoạt động kinh tế hướng tới những thông lệ carbon (các-bon) thấp và thích ứng.
Thứ ba, tăng cường hợp tác và hội nhập khu vực bằng cách cải thiện kết nối kỹ thuật số xuyên biên giới, các hệ thống hải quan điện tử và các hệ thống theo dõi hàng hóa điện tử.
Thứ tư, tăng cường năng lực thể chế để huy động các nguồn lực trong nước tài trợ cho các dịch vụ công, trong khi bảo đảm tính bền vững của nợ.
Thứ năm, nuôi dưỡng, phát triển và gia tăng quy mô của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) bằng tinh thần khởi nghiệp và công nghệ, với sự hỗ trợ của một hệ sinh thái kinh doanh, học thuật và tài chính tổng hợp để giúp tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng dựa trên công nghệ.
Do số hóa đã và đang trở thành một phần không thể thiếu của quá trình phục hồi kinh tế trong dài hạn, các đại biểu tham dự đã thảo luận những cách thức để thúc đẩy phục hồi kinh tế thông qua sáng tạo kỹ thuật số; để tạo dựng một môi trường ứng dụng công nghệ; và để tận dụng công nghệ trong lĩnh vực chăm sóc y tế và giáo dục từ xa.

Các đại biểu cũng khám phá những cách thức nhằm tạo thuận lợi cho việc phục hồi xanh và thích ứng bằng cách thúc đẩy các hoạt động đầu tư thân thiện với môi trường và khí hậu.

Ví dụ, những hệ thống giao thông thông minh có thể hỗ trợ các hệ thống điều khiển giao thông và phân luồng giao thông theo thời gian thực nhằm quản lý tình trạng tắc đường và giảm ô nhiễm không khí, trong khi các hệ thống lưới điện thông minh đang giúp bảo đảm cung cấp năng lượng hiệu quả hơn cho quá trình phục hồi xanh.
Sự kiện trực tuyến trong một ngày này đã thu hút hơn 1.700 đại biểu là các quan chức chính phủ cấp cao, đại diện của khu vực tư nhân và các bên hữu quan khác từ 57 quốc gia.
ADB cam kết đạt tới một khu vực châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục