AfCFTA chưa thể mang lại kết quả như kỳ vọng

19:32' - 20/12/2020
BNEWS Mặc dù thời điểm thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Lục địa châu Phi (AfCFTA) sắp đến gần, song hiệp định đồ sộ này sẽ cần nhiều thời gian hơn trước để có thể thực sự đem lại kết quả như kỳ vọng.

Theo dự kiến trước đó của Liên minh châu Phi (AU), AfCFTA bắt đầu được thực thi từ ngày 1/7/2020, nhưng đại dịch COVID-19 đã làm đình trệ các cuộc đàm phán và AU ấn định thời hạn mới cho việc thực thi hiệp định từ ngày 1/1/2021.

AfCFTA được đánh giá là thị trường lớn nhất thế giới về số lượng quốc gia thành viên, quy tụ hơn 50 nền kinh tế châu Phi.

Đây là cơ hội để các quốc gia mở cửa thị trường, xây dựng một thị trường chung khổng lồ nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy thương mại nội khối, thúc đẩy công nghiệp hóa, khả năng cạnh tranh và góp phần tạo việc làm.

Đồng thời hiệp định sẽ mở ra các chuỗi giá trị khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hội nhập có ý nghĩa của châu Phi vào nền kinh tế toàn cầu.

AfCFTA đã được 55 quốc gia EU ký kết vào tháng 7/2019 sau 17 năm đàm phán. Thương mại nội bộ trong lục địa 1,2 tỷ dân này hiện chỉ chiếm 16%, trong khi 65% thương mại của châu lục này là với các nước châu Âu.

AfCFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại giữa các nước châu Phi tăng thêm 60% vào năm 2034 với việc loại bỏ hầu hết các loại thuế quan, tạo ra một khối kinh tế trị giá 3.400 tỷ USD.

Tuy nhiên, Jakkie Cilliers, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu An ninh có trụ sở tại Pretoria (Nam Phi), nhận định rằng châu Phi sẽ còn phải đi một chặng đường dài để hướng tới việc loại bỏ thuế quan, khắc phục nạn quan liêu và đem lại những lợi ích lớn cho các nước thành viên.

Chuyên gia Cilliers chỉ ra rằng nhiều điều khoản về thuế quan vẫn cần được thống nhất giữa các quốc gia khác nhau. Hiệp định này sẽ có hiệu lực toàn phần vào năm 2034 khi 97% mức thuế được loại bỏ. Điều này có nghĩa sẽ còn lâu nữa những lợi ích hữu hình của AfCFTA mới có thể cảm nhận được tại lục địa nghèo nhất thế giới.

Bên cạnh đó, ông Cilliers cũng lưu ý đến việc hội nhập hơn 50 thị trường đang ở các cấp độ phát triển rất khác nhau sẽ là việc rất khó khăn. Vẫn còn một số lượng lớn các cuộc đàm phán thương mại phức tạp sẽ diễn ra, từng dòng thuế riêng lẻ cần được đàm phán và thống nhất.

Một vấn đề khác là mối quan hệ giữa AfCFTA và các khối thương mại khu vực hiện có cần được giải quyết. Làm thế nào để kết nối các thỏa thuận thương mại hiện tại hoặc trong tương lai giữa châu Phi hoặc các nước châu Phi riêng lẻ với châu Âu, Trung Quốc và Mỹ.

Các rào cản phi thuế quan và chính trị có thể sẽ rất khó khăn, bên cạnh những thách thức liên quan đến năng lực quản trị sẽ ảnh hưởng đến tốc độ triển khai và hiện thực hóa hiệp định khu vực thương mại tự do rộng lớn này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục