AI len lỏi vào ngành sáng tạo nội dung Hàn Quốc

20:05' - 10/02/2024
BNEWS Các công ty khởi nghiệp (startup) và cả các công ty công nghệ lớn đang giúp các công ty giải trí và sáng tác truyện tranh ở Hàn Quốc đẩy nhanh tốc độ sản xuất nội dung bằng công nghệ AI.

Qua đó tạo ra một mảng kinh doanh mới trong ngành đang phát triển nhanh chóng này. Onoma AI, công ty chuyên tạo ra các hình ảnh với những gợi ý bằng ngôn ngữ tự nhiên và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh, cho biết đang làm việc với Kenaz để giúp xưởng truyện tranh tầm trung này tạo ra các bản tóm tắt và kịch bản truyện bằng công cụ TooToon của mình.

 

Ông Joy Song, một quản lý tại Onoma AI, cho biết TooToon nhận được phản hồi rất tích cực từ Kenaz rằng công cụ này rất hữu dụng trong việc giúp các tác giả thiết kế câu chuyện ngay từ giai đoạn đầu, điều mà các công cụ khác không làm được. Ông Song cho biết Onoma AI đang phát triển các công nghệ riêng bằng cách cho các công cụ “học” thêm nhiều dữ liệu về nhân vật.

Trước đó trong năm nay, Onoma AI tung ra một sản phẩm truyện tranh trực tuyến với tựa đề "A Devil Student" (tạm dịch: học trò tiểu quỷ) có sự hợp tác với họa sỹ Sehyun để phô diễn công nghệ của mình.

Truyện tranh trực tuyến, hay còn gọi là webtoon, đang ngày càng thịnh hành ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và nhiều nước khác. Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu trong ngành này. Các công ty dịch vụ Internet lớn như Naver và Kakao đã cho ra mắt hàng loạt câu chuyện, từ thể loại lãng mạn đến giật gân, trên các nền tảng của mình.

Các tác phẩm này đã thu hút hàng triệu người xem trên toàn thế giới và tạo ra hàng chục triệu USD doanh thu từ các tài khoản đăng ký trả phí, quảng cáo và bán tài sản sở hữu trí tuệ.

Naver Webtoon, một công ty liên kết trong mảng truyện tranh trực tuyến của Naver, đã tung ra công cụ AI Painter dành cho các nhà sáng tạo nội dung, và cho biết công cụ này có thể giúp giảm 50% thời gian làm việc.

Bà Na Unah, người phát ngôn của Naver Webtoon, cho biết vẽ truyện tranh tốn rất nhiều công sức, nhưng các công nghệ AI có thể giúp các nhà sáng tạo nội dung ở những công đoạn đơn giản như vẽ bối cảnh hay vẽ thêm bóng tối.

Công nghệ AI tạo sinh cũng có thể được ứng dụng vào việc sản xuất phim. Letsur, một startup chuyên tùy biến các dịch vụ AI cho các khách hàng doanh nghiệp, đã hợp tác với CJ ENM, để giúp nhà sản xuất phim lớn nhất Hàn Quốc này tạo ra một ảnh đại diện video cho bộ phim truyền hình đình đám "Guardian: The Lonely And Great God" (tựa tiếng Việt: Yêu tinh).

Letsur đã sử dụng ứng dụng ChatGPT4 của OpenAI cho dự án trên. Startup này cũng đã phác họa bản tóm tắt và kịch bản cho một số bộ phim điện ảnh và truyền hình khác.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành sáng tạo nội dung đang mở đường cho việc ứng dụng công nghệ AI rộng rãi hơn. Các giao dịch về truyện tranh trực tuyến của Naver trên thị trường toàn cầu trong quý III/2023 đã tăng 5% lên 474,9 tỷ won (367 triệu USD).

Naver cho biết một yếu tố đóng góp vào sự gia tăng này là nhờ những bộ phim điện ảnh và truyền hình được chuyển thể từ truyện tranh, và những gợi ý từ AI cũng giúp đem lại doanh thu cao hơn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng với việc ứng dụng công nghệ AI trong ngành sáng tạo nội dung. Nhiều ý kiến cho rằng sự sáng tạo của con người nên được đặt ở trung tâm, và việc ứng dụng công nghệ này chỉ khiến các công ty giàu lên, trong khi nhiều nhà sáng tạo sẽ bị mất việc.

Hồi tháng 5/2023, nhiều độc giả tại Hàn Quốc đã xếp hạng thấp cho một truyện tranh trực tuyến vì nghi ngờ ứng dụng AI tạo sinh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục