Amazon đã làm gì để “né” thuế ngoạn mục?

15:28' - 08/03/2019
BNEWS Ngoài việc đóng thuế 0 USD, Amazon thậm chí còn được hoàn thuế lên đến 129 triệu USD trong năm 2018 nhờ vào các khoản tín dụng thuế.
Amazon đã làm gì để "né" thuế ngoạn mục? Ảnh: EPA

Báo cáo mới nhất của Viện chính sách Thuế và Kinh tế (ITEP) cho biết Amazon - một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới với giá trị vốn hoá gần 800 tỷ USD đã không phải trả bất kỳ khoản thuế nào cho Chính phủ liên bang Mỹ trong vòng hai năm qua, bất chấp việc lợi nhuận tại Mỹ của “đại gia” bán lẻ này đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2017-2018, từ 5,6 tỷ USD lên mức 11,2 tỷ USD. 

* Lợi nhuận càng tăng, thuế đóng càng giảm

Ngoài việc đóng thuế 0 USD, Amazon thậm chí còn được hoàn thuế lên đến 129 triệu USD trong năm 2018 nhờ vào các khoản tín dụng thuế. 

Điều này có nghĩa là mặc dù được hưởng khoản lợi nhuận khổng lồ 11,2 tỷ USD, song mức thuế thu nhập liên bang mà Amazonphải trả vào năm ngoái lại là -1%. 

Câu chuyện khó tin, nhưng có thật này đang hiện hữu tại một trong những nền kinh tế có hệ thống pháp lý chặt chẽ nhất thế giới và điều đáng nói là Amazon không hề vi phạm luật.

Theo tạp chí The Week, trong giai đoạn 2011-2016, số thuế mà Amazon phải trả cho Chính phủ liên bang Mỹ là 11,4%, hoàn toàn trái ngược với con số -1% của năm 2018. ITEP cho rằng chính sách thuế thân thiện đối với doanh nghiệp của Tổng thống Donald Trump là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trên.

Theo tổ chức này, Đạo luật Việc làm và Giảm thuế hồi năm 2017 của chính quyền Tổng thống Trump, ngoài việc điều chỉnh giảm thuế doanh nghiệp xuống chỉ còn 21% (từ mức cũ là 35%), vẫn chưa thể giúp thu hẹp các lỗ hổng về thuế, vốn là “điểm yếu” mà những công ty có lợi nhuận cao thường xuyên tận dụng để tránh phải hoàn trả các khoản thuế thu nhập liên bang và nhà nước có thể lấy đi của họ gần một nửa số tiền thu về.

* “Né” thuế chứ không trốn thuế 

Doanh số bán hàng của Amazon hầu hết là ở Mỹ và Đức là thị trường lớn thứ hai – hai quốc gia có hệ thống luật pháp về thuế tương đối chặt chẽ. Những chiêu trò trốn thuế của các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp đa quốc gia đã không còn xa lạ đối với thị trường thế giới ngày nay. 

Tuy nhiên, câu chuyện về Amazon lại thú vị ở chỗ “đại gia” này không đi theo lối mòn của các doanh nghiệp khác như điều chỉnh giảm thuế phải trả thông qua việc chuyển lợi nhuận về các công ty con ở nước ngoài hay tự trở thành một công ty nước ngoài mà Amazon lựa chọn những phương án tái đầu tư rất khôn ngoan.

Trước tiên, tập đoàn đã tận dụng rất hiệu quả chính sách tín dụng thuế (hoàn thuế) dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) mà Chính phủ Mỹ đề ra, một chính sách rất được lòng dân nhằm khuyến khích các công ty có lợi nhuận tái đầu tư vào R&D. 

Với quan niệm rằng nghiên cứu và đổi mới sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực, Quốc hội Mỹ thường xuyên thúc đẩy điều luật này trên cơ sở lưỡng đảng và Amazon một cách rất khôn ngoan đã đầu tư rất nhiều vào hoạt động R&D để tối đa hoá số tín dụng thuế của mình.

Tiếp đến là Đạo luật Việc làm và Giảm thuế của Tổng thống Trump bao gồm một điều khoản tạm thời cho phép các công ty được khấu trừ 100% thuế để đầu tư vào các trang thiết bị. Đây là một ý tưởng gây tranh cãi, song vẫn nhận được một số đồng thuận.  

Nhìn rộng hơn, khi đảng Dân chủ phàn nàn rằng các công ty đang đầu tư quá nhiều vào việc mua lại cổ phiếu của chính mình hơn là tái đầu tư, họ đã phát đi thông điệp rằng cần có nhiều hơn những công ty như Amazon – xưa nay chưa dành bất cứ khoản tiền nào để mua lại cổ phiếu mà thay vào đó đầu tư rất nhiều. 

Hệ quả là điều khoản này trong dự luật thuế do chính quyền Tổng thống Trump ban hành đã được tỷ phú Jeff Bezos tận dụng một cách triệt để.

Điểm quan trọng nhất dẫn đến cú “thoát xác” ngoạn mục của Amazon trong năm 2018, đó là việc các công ty hoạt động tại Mỹ được phép khấu trừ từ lợi nhuận chịu thuế các khoản chi phí bồi thường liên quan đến chênh lệch giá khi phát hành cổ phiếu cho nhân viên, mặc dù trên thực tế họ không phải trả bất kỳ khoản tiền nào để phát hành những cổ phiếu này. 

Nói cách khác, giá cổ phiếu càng tăng cao thì số tiền được khấu trừ cho việc phát hành cổ phiếu sẽ càng lớn. Điều này lý giải vì sao khi lợi nhuận của Amazon tăng lên rất cao khiến giá cổ phiếu của tập đoàn tiến phi mã, giá trị của các khoản khấu trừ cũng theo đó mà tăng cao.   

Thoạt đầu, hiện tượng này nghe có vẻ hơi khác lạ bởi thông thường những công ty có lợi nhuận cao hơn sẽ phải trả mức thuế cao hơn. Tuy nhiên, khi xét về mặt kế toán sổ sách thì đây là một điều hoàn toàn có thể hiểu được. 

Mặc dù vậy, Amazon, vốn nổi tiếng với khả năng “né” nhiều loại thuế bán hàng một cách khôn ngoan đang vấp nhiều phải nhiều sự chỉ trích của dư luận. Tổng thống  Trump từng viết trên Twitter: “Tôi đã bày tỏ sự quan ngại của mình đối với Amazon từ rất lâu trước cuộc bầu cử. 

Không như những công ty khác, họ trả ít hoặc thậm chí không trả thuế cho các chính phủ địa phương và liên bang, gây ra những thiệt hại rất lớn đối với kinh tế Mỹ và đẩy hàng ngàn hãng bán lẻ khác ra khỏi thị trường”.

Mới đây nhất, “gã khổng lồ” bán lẻ của nước Mỹ đã đột ngột thông báo từ bỏ kế hoạch mở một trụ sở mới ở thành phố New York vì những phản đối của các chính trị gia và một số người khác liên quan đến khoản ưu đãi thuế trị giá 3 tỷ USD mà chính quyền tại đây hứa hẹn sẽ dành cho Amazon./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục