Australia chấm dứt trợ cấp lương bất chấp nguy cơ 150.000 người mất việc làm

18:19' - 28/03/2021
BNEWS Chính phủ Australia ngày 28/3 quyết định chấm dứt chương trình trợ cấp lương cho người lao động trong đại dịch COVID-19 bất chấp những cảnh báo việc này có thể dẫn tới 150.000 người bị mất việc làm.

Tháng 3/2020 Australia đã triển khai chương trình trợ cấp lương JobKeeper, cung cấp 1.500 AUD (khoảng 1.150 USD) 2 tuần 1 lần cho những người lao động bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc để kiểm soát dịch COVID-19.
Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg cho biết chương trình là “phao cứu sinh” cho nền kinh tế và đã thành công trong việc hỗ trợ cho nhiều người dân trong năm qua.

Phát biểu trước các phóng viên ở Melbourne, ông nhấn mạnh rằng "chắc chắn có một số doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn" nhưng các khoản trợ cấp chỉ được thiết kế như một giải pháp "tạm thời".
Tỷ lệ thất nghiệp của Australia đã giảm từ mức 7,5% trong tháng 7/2020 xuống 5,8% trong tháng 2/2021. Tuy nhiên, theo ước tính của Bộ Tài chính, việc ngừng chương trình JobKeeper có thể làm mất 100.000-150.000 việc làm.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng Nghiệp đoàn Australia Michele O'Neil cho biết nhiều công nhân có khả năng bị giảm giờ làm và bị giảm lương. Bà cho biết, 1,1 triệu công nhân phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn nếu không có trợ cấp lương JobKeeper.

Chương trình này đã góp phần ngăn chặn tình trạng mất việc làm trong thời kỳ đại dịch. Chấm dứt chương trình JobKeeper trong bối cảnh rất nhiều người lao động vẫn đang phụ thuộc vào nó là điều vừa tàn nhẫn vừa phản tác dụng đối với sự phục hồi kinh tế của Australia.
Vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, chương trình này đã hỗ trợ gần 4 triệu việc làm. Chính phủ đã hai lần gia hạn chương trình trong vòng 12 tháng qua, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đã giảm khi sự lây lan của COVID-19 được kiểm soát và nền kinh tế bắt đầu phục hồi.
Australia đã ghi nhận sự thành công trong việc kiểm soát dịch COVID-19, với khoảng 29.000 ca mắc và số người tử vong ít hơn 1.000 người.

Các đợt bùng phát gần đây liên quan đến các cơ sở cách ly ở biên giới và thường được dập tắt nhanh chóng. Nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái trong nửa đầu năm 2020 nhưng đã tăng trưởng 3,1% trong bốn tháng 9-12/2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục