"Kế hoạch B" của Mỹ nhằm thúc đẩy tăng lương tối thiểu
Một số nhà lập pháp tại Thượng viện cho rằng việc tăng lương vi phạm nguyên tắc đa số quá bán, một thủ tục cho phép đảng Dân chủ thông qua dự luật cứu trợ khổng lồ mà không cần phải dựa vào số phiếu của đảng Cộng hòa, và do đó đề xuất này không thể được bao hàm trong gói cứu trợ 1.900 tỷ USD.
Mục tiêu quan trọng hiện nay là gói kích cầu được phê chuẩn trước hạn chót là 14/3, thời điểm mà chương trình bảo hiểm thất nghiệp mở rộng hết hạn. Do đó, câu hỏi đặt ra là liệu đảng Dân chủ có nhượng bộ rút đề xuất cho đến nay là phần gây tranh cãi nhất ra khỏi gói cứu trợ COVID-19 này hay không.
Các nền kinh tế phát triển đã có cách tiếp cận khác nhau về vấn đề lương tối thiểu. Giới quan sát cho rằng Chính quyền của Tổng thống Biden có thể tìm kiếm kế hoạch B để thúc đẩy mục tiêu này dưới một hình thức khác. Trong khi đó, các nước phát triển khác lại có sự "tự chủ" hơn trong thực thi chính sách tăng lương tối thiểu.
* Mỹ: Tìm kiếm một kế hoạch B
Quốc hội Mỹ đã không tăng mức lương tối thiểu liên bang (đang là 7,25 USD mỗi giờ) kể từ năm 2007. Theo kết quả cuộc thăm dò năm 2019 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, 2/3 số người được khảo sát ủng hộ đề xuất tăng lương tối thiểu lên 15 USD.
Cựu Tổng thống Barack Obama đã kêu gọi Quốc hội tăng mức lương tối thiểu vào năm 2014, nhưng nỗ lực này không có kết quả. Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch tăng lương tối thiểu lên 15 USD vào năm 2019 để rồi chứng kiến Thượng viện hủy đề xuất này.
Ông Biden cũng đã nhiều lần khẳng định nỗ lực tăng mức lương tối thiểu lên 15 USD trong chiến dịch tranh cử của mình năm ngoái và đã đưa kế hoạch này Đạo luật Phục hồi nước Mỹ, đạo luật quan trọng đầu tiên của ông trên cương vị tổng thống. Nhà Trắng cho biết ông Biden vẫn cam kết sẽ thông qua kế hoạch tăng lương ngay cả khi nó bị loại khỏi gói hỗ trợ COVID-19.
Trước đó, ông Biden đã thừa nhận đề xuất tăng lương có khả năng bị loại khỏi gói cứu trợ 1.900 tỷ USD vì sự phản đối giữa các đảng viên Cộng hòa và ít nhất hai thành viên đảng Dân chủ ở Thượng viện là ông Joe Manchin của bang Tây Virginia và bà Kyrsten Sinema của Arizona.
Ông Biden cho biết, nếu điều đó xảy ra, ông sẵn sàng theo đuổi kế hoạch tăng lương thông qua một đạo luật riêng biệt. Tuy nhiên, theo giới quan sát, rào cản chính trị khi đó thậm chí còn lớn hơn bởi vì đạo luật sẽ cần 60 phiếu ủng hộ tại Thượng viện - một ngưỡng gần như không thể vượt qua do sự chia rẽ 50-50 giữa hai đảng tại Thượng viện.
Will Marshall, Chủ tịch của Viện Chính sách Cấp tiến, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, thừa nhận: "Có vẻ như không có con đường nào để đạt được (mức tăng lương tối thiểu lên) 15 USD một giờ", và đã đến lúc tìm kiếm "kế hoạch B".
Ông cho rằng, tăng lương tối thiểu là một con đường đi đến mức lương đủ sống cho mọi người nhưng đây không phải là chính sách duy nhất. Một lựa chọn sẽ là tính toán chỉ số tăng lương tối thiểu dựa trên chi phí sinh hoạt ở mỗi bang thay vì đưa ra một mức lương chung cho toàn liên bang. Điều đó sẽ cho phép tiền lương phản ánh thực tế kinh tế và có thể ở mức khác nhau giữa các bang.
Các chuyên gia cho biết mức lương tối thiểu 15 USD có thể là không đủ ở một bang có chi phí cao như New York, nơi thu nhập trung bình của hộ gia đình là 72.000 USD/năm. Mức lương theo giờ thấp hơn có thể đủ sống ở các bang có chi phí thấp như Tây Virginia, nơi thu nhập hàng năm của hộ gia đình là 49.000 USD.
Các chuyên gia tài chính cho biết, một cách khác để hỗ trợ người Mỹ có thu nhập thấp là cho phép họ được giảm thuế dễ dàng hơn, chẳng hạn như thông qua cơ chế Tín dụng Thu nhập Lao động (EIC). EIC giảm số tiền thuế mà người lao động phải nộp và có thể hoàn một phần thuế cho người nộp nếu số tiền tín dụng lớn hơn số tiền thuế mà họ nợ.
Cơ chế này được thiết kế để hỗ trợ cho những người làm việc với mức lương thấp và trung bình. Các điều kiện được hưởng tín dụng phụ thuộc vào thu nhập, tình trạng hôn nhân và số con của người được hưởng. Ông Marshall nhấn mạnh, mở rộng điều kiện được hưởng tín dụng thuế không phải là sự thay thế cho kế hoạch tăng lương tối thiểu, nhưng sự kết hợp của cả hai "cho phép chính phủ giúp mọi người tăng thu nhập và giảm nghèo mà không gây ra tình trạng mất việc làm".
* Nhật Bản: Mỗi địa phương tự quyết định lương tối thiểu
Nhật Bản có nhiều mức lương tối thiểu khác nhau, tùy thuộc từng khu vực. Chính quyền mỗi tỉnh đưa ra mức lương tối thiểu riêng, dựa trên kết quả các cuộc đàm phán quốc gia hàng năm giữa đại diện của người sử dụng lao động, người lao động và Bộ Lao động. Ngoài ra còn có mức lương tối thiểu cụ thể cho một số lĩnh vực nhất định ở mỗi tỉnh, chẳng hạn như sản xuất phụ tùng ô tô.
Mức lương tối thiểu sẽ cao hơn ở các khu vực đô thị hóa. Mức cao nhất hiện nay là ở Tokyo với 1.013 yen (9,68 USD) mỗi giờ, còn mức thấp nhất là 792 yen ở các vùng nông thôn như tỉnh phía Bắc Nhật Bản là Akita hoặc Okinawa nằm ở phía Đông Nam. Theo Bộ Lao động nước này, 1,9% nhân viên được trả mức lương tối thiểu hoặc thấp hơn (có những trường hợp ngoại lệ) trong các công ty có ít nhất 5 nhân viên.
Mức lương tối thiểu đã được tăng chỉ 1 yen vào đầu năm tài khóa hiện tại (bắt đầu từ ngày 1/4/2020). Đây là mức tăng thấp nhất trong 16 năm qua. 4 năm trước, mức lương tối thiểu đã tăng hơn 20 yen do chính phủ nỗ lực vực dậy lĩnh vực tiêu dùng trong nước, và tình trạng lạm phát thấp kinh niên.
* Đức: Mức lương tối thiểu không làm tăng tỷ lệ thất nghiệp
Sau các cuộc tranh luận gay gắt, Đức đã đưa ra mức lương tối thiểu toàn quốc vào ngày 1/1/2015. Một ủy ban đặc biệt, mang tên Mindestlohnkommission, bao gồm đại diện của người sử dụng lao động và nghiệp đoàn, do một chủ tịch độc lập đứng đầu, sẽ chịu trách nhiệm đánh giá thường xuyên vấn đề này. Mức lương tối thiểu ở mức 9,5 euro (11,5 USD) mỗi giờ trước thuế, là tương đối thấp so với các nước châu Âu khác. Ủy ban trên đã khuyến nghị tăng dần con số này lên 10,45 euro (12,7 USD) vào ngày 1/7/2022.
Phần lớn cuộc tranh luận về mức lương tối thiểu tập trung vào việc liệu nó có khiến các nhà tuyển dụng cắt giảm việc làm để tiết kiệm chi phí hay không. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 1/2021 bởi Viện Nghiên cứu về Tương lai Việc làm cho thấy, mức lương tối thiểu không làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Nghiên cứu thể hiện rằng các công ty vừa và nhỏ đã thực sự chuyển đổi công việc tạm thời thành công việc lâu dài.
* Mức lương tối thiểu của Anh tăng bất chấp khủng hoảng
Ở Anh, mức lương tối thiểu, hay còn gọi là Mức lương quốc gia, được đưa ra vào năm 2016. Mọi mức tăng đều do chính phủ quyết định theo khuyến nghị của một ủy ban độc lập phụ trách vấn đề lương là Low Pay Commission. Mục tiêu của Anh là tạo ra hệ thống mới giúp tăng mức lương tối thiểu lên mức tương đương 60% mức lương trung bình vào năm 2020.
Mức lương tối thiểu mỗi giờ của nhân viên trên 25 tuổi đã tăng 6,2% vào ngày 1/4/2020 lên 8,72 bảng Anh (11,98 USD). Tùy thuộc vào độ tuổi của nhân viên, lương tối thiểu có thể rơi vào khoảng 4,15 bảng (5,69 USD) cho những người học việc dưới 16 tuổi.
Khoảng 2 triệu người Anh dự kiến sẽ được hưởng lợi từ việc tăng mức lương tối thiểu lên 8,91 bảng (12,21 USD) sắp có hiệu lực vào tháng 4/2021 và độ tuổi của những người được nhận mức lương này đã được giảm từ 25 xuống 23 tuổi.
* Pháp: Gói hỗ trợ bổ sung cho lao động thu nhập thấp
Sự ra đời mức lương tối thiểu của Pháp, gọi là Smic, đã kỷ niệm 50 năm vào năm 2020. Kể từ năm 2008, mức lương tối thiểu đã được tự động đánh giá lại hàng năm dựa trên lạm phát và sức mua. Vào tháng 1/2021, con số này đã được tăng gần 1% lên 10,25 euro (12,45 USD) mỗi giờ trước thuế. Đầu năm ngoái, khoảng 2,25 triệu công nhân, hay 13% lực lượng lao động trong khu vực tư nhân, được hưởng lợi từ mức tăng 1,2% lương tối thiểu.
Một số nghiệp đoàn đã kêu gọi chính phủ tăng lương tối thiểu nhiều hơn mức tăng tự động để hỗ trợ những người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ lo ngại rằng việc tăng lương cao hơn sẽ gây hại cho triển vọng việc làm của những người lao động có trình độ thấp.
Thay vào đó, Chính phủ Pháp đã đưa ra khoản hỗ trợ bổ sung đối với những người lao động có mức lương tối thiểu. Khoản hỗ trợ này đã được nâng lên 90 euro (tương đương 109 USD) mỗi tháng vào cuối năm 2019 và khoảng 4,3 triệu hộ gia đình đã nhận được khoản tiền này tính đến thời điểm trên.
Đồng thời, chính phủ đã giảm phí đóng góp xã hội của các công ty sử dụng lao động được trả lương thấp, điều này đã giúp tăng sức hấp dẫn của thị trường lao động ở Pháp./.
- Từ khóa :
- lương tối thiểu
- mỹ
- kinh tế mỹ
- tổng thống biden
- covid 19
Tin liên quan
-
Ý kiến và Bình luận
Fed: Doanh nghiệp lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ
10:19' - 04/03/2021
Theo Fed, hầu hết các doanh nghiệp vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế trong 6 đến 12 tháng tới trong bối cảnh các vaccine ngừa COVID-19 ngày càng được phân phối rộng rãi.
-
Kinh tế Thế giới
Phần còn lại của thế giới sẽ ra sao nếu kinh tế Mỹ "quá nóng"?
05:30' - 03/03/2021
Mỹ "hắt hơi", phần còn lại của thế giới bị "cảm lạnh". Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi nền kinh tế lớn nhất thế giới "bị sốt"?
-
Kinh tế Thế giới
Mỹ: Gói kích thích kinh tế "mắc" ở điều khoản tăng lương tối thiểu
11:06' - 27/02/2021
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã vận động cho việc tăng lương tối thiểu lên mức 15 USD/giờ, từ mức 7,25 USD được duy trì từ năm 2009.
-
Tài chính
Những quốc gia có mức lương tối thiểu thấp nhất thế giới
08:34' - 27/02/2021
Theo tạp chí trực tuyến The Monthly, Liban xếp trong số 10 quốc gia có mức lương tối thiểu thấp nhất thế giới sau sự sụt giảm mạnh của đồng nội tệ (LBP) so với đồng USD.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc hoàn thành sớm mục tiêu thu hút FDI giai đoạn 2021-2025
20:37' - 18/07/2025
Trung Quốc đã hoàn thành sớm mục tiêu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025).
-
Kinh tế Thế giới
Thái Lan dự kiến chịu mức thuế quan Mỹ tương đương các nước trong khu vực
16:08' - 18/07/2025
Thái Lan dự kiến sẽ nhận được mức thuế quan của Mỹ gần bằng mức thuế áp dụng cho các quốc gia khác trong khu vực.
-
Kinh tế Thế giới
Trung Quốc phát hiện loại đất hiếm mới
15:37' - 18/07/2025
Các nhà địa chất Trung Quốc vừa phát hiện một mỏ lớn chứa khoáng vật đất hiếm chưa từng được biết đến trước đây tại khu tự trị Nội Mông, miền Bắc nước này.
-
Kinh tế Thế giới
Thuế quan của Mỹ đang làm chao đảo các công xưởng tại Trung Quốc
14:57' - 18/07/2025
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu, các nhà sản xuất Trung Quốc đang phải chạy đua để thích ứng.
-
Kinh tế Thế giới
EU thông qua gói trừng phạt thứ 18 nhằm vào Nga
14:52' - 18/07/2025
EU đã chính thức thông qua gói trừng phạt thứ 18 nhằm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine. Đây được đánh giá là một trong những gói biện pháp cứng rắn nhất từng được EU áp dụng.
-
Kinh tế Thế giới
Larry Ellison trở thành người giàu thứ hai thế giới
11:02' - 18/07/2025
Nhà sáng lập Oracle, ông Larry Ellison đã “soán ngôi” Giám đốc điều hành (CEO) Meta của ông Mark Zuckerberg và trở thành người giàu thứ hai thế giới.
-
Kinh tế Thế giới
Cuba ứng phó với khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong 30 năm
10:11' - 18/07/2025
Trong phiên họp thứ 5 Quốc hội khóa X diễn ra trong ngày 16-17/7, Chính phủ Cuba đã công bố hàng loạt biện pháp nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong 30 năm qua.
-
Kinh tế Thế giới
Giá thực phẩm tăng cao do biến đổi khí hậu
09:34' - 18/07/2025
Tháng Sáu vừa qua, lạm phát tại Bỉ đã trở lại mức gần như bình thường, khoảng 2%. Với cơ chế điều chỉnh lương theo chỉ số giá tiêu dùng, người tiêu dùng lẽ ra không phải chịu tác động mạnh.
-
Kinh tế Thế giới
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Mỹ Latinh tăng 7,1% trong năm 2024
08:15' - 18/07/2025
Theo báo cáo mới công bố của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL), dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực này đã đạt 188,962 tỷ USD trong năm 2024, tăng 7,1% so với năm 2023.