Ba yếu tố ảnh hưởng đến sự phục hồi của kinh tế Hàn Quốc năm 2022

06:30' - 08/03/2022
BNEWS Những đám mây đen đang bao trùm nền kinh tế Hàn Quốc khi nước này đối mặt với rủi ro ngày càng tăng, bên cạnh đại dịch COVID-19 kéo dài là những tác động không mong muốn từ cuộc khủng hoảng Ukraine.

Theo bình luận của tờ Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times), đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của Hàn Quốc trong năm 2022. Tuy nhiên, những đám mây đen đang bao trùm nền kinh tế “xứ sở kim chi” khi nước này phải đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng, bên cạnh đại dịch COVID-19 kéo dài là những tác động không mong muốn từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Ngoài ra, cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/3 tới cũng được dự báo sẽ làm gia tăng thêm những bất ổn đối với triển vọng của nền kinh tế Hàn Quốc trong năm 2022.

Trước hết, cuộc khủng hoảng Ukraine nếu còn kéo dài sẽ có thể còn có tác động sâu rộng hơn đến nền kinh tế toàn cầu so với dự đoán ban đầu. Các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Nga có thể giáng một đòn mạnh vào Hàn Quốc, quốc gia vốn có tốc độ tăng trưởng kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu. Đặc biệt là lệnh cấm xuất khẩu các vật liệu chiến lược sang Nga có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến các mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của Hàn Quốc, trong đó có chất bán dẫn.

Tác động trực tiếp và tức thời nhất của cuộc khủng hoảng Ukraine là giá dầu trên thị trường toàn cầu tăng vọt. Ngày 7/3, hãng tin Bloomberg cho biết giá "vàng đen" đã chạm mức 139 USD/thùng trong khoảng thời gian ngắn sau khi Nhà Trắng cho biết họ đang thảo luận về lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga, động thái làm dấy lên lo ngại về nguồn cung trên thị trường năng lượng vốn đã bất ổn. 

Cụ thể, giá dầu Brent đã tăng tới 18% trong vài phút trước khi điều chỉnh về lại mức tăng trung bình khoảng 9% trong phiên giao dịch 7/3. Tuần trước giá dầu thô cũng đã tăng tới 21% do có nhiều lo ngại về việc suy giảm nguồn cung liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 6/3 cho biết, Mỹ và các đối tác châu Âu đang xem xét biện pháp cấm nhập khẩu dầu của Nga, song nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì nguồn cung dầu mỏ ổn định trên toàn cầu.

Về phía Hàn Quốc, thực tế cho thấy giá dầu cao hơn sẽ đẩy chi phí sản xuất sản xuất hàng hóa, làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu nước này. Nghiêm trọng hơn, vấn đề này cũng sẽ thúc đẩy lạm phát của Hàn Quốc vốn đã tăng vọt do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và giá cả hàng hóa và nguyên liệu thô cao hơn. Tất cả những điều này đang làm dấy lên lo ngại về sự trì trệ kéo dài của kinh tế Hàn Quốc.

Hàn Quốc mới đây ghi nhận chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 2/2022 tăng 3,7% (so với cùng thời điểm của một năm trước đó) do giá dầu tăng vọt. Điều đáng chú ý là tỷ lệ lạm phát ở nước này duy trì trên ngưỡng 3% trong tháng thứ năm liên tiếp. Ngay trong tháng 1/2022, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã điều chỉnh tăng dự báo lạm phát năm 2022 lên 3,1% (từ mức 2% đưa ra vào tháng 11/2021).

Mặc dù hiện có một số dự báo rằng lạm phát của Hàn Quốc trong năm 2022 lần đầu tiên sau 11 năm sẽ vượt ngưỡng 4% song BoK vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2022 ở mức 3%. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng nền kinh tế Hàn Quốc có thể sẽ không đạt mức tăng trưởng cao như vậy.

Dữ liệu công nghiệp và tiêu dùng cũng làm tăng nguy cơ xấu cho nền kinh tế Hàn Quốc trong năm 2022. Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (KS), sản xuất công nghiệp trong tháng Một đã giảm 0,3% (so với một tháng trước đó), mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2021. Doanh số bán lẻ (một thước đo chi tiêu tư nhân) cũng giảm 1,9% và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2020. Do đó, Hàn Quốc sẽ không thể ngăn chặn sự trì trệ của nền kinh tế nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn.

Tờ báo đi đến kết luận rằng chính quyền Tổng thống Moon Jae-in nên làm mọi cách để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine đồng thời cố gắng kiểm soát sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng cần theo dõi chặt chẽ các động thái của Mỹ đối với việc tăng lãi suất cơ bản cũng như khả năng xảy ra suy thoái kinh tế ở Trung Quốc. Hàn Quốc sẽ phải nỗ lực hết mình để đạt được tăng trưởng bền vững bất kể ứng cử viên nào sẽ trở thành tổng thống tiếp theo vào tháng Năm tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục