Bài toán thiếu nhân lực của ngành đóng tàu Hàn Quốc

05:30' - 23/10/2023
BNEWS Hàn Quốc đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là đảm bảo lực lượng lao động lành nghề có khả năng thực hiện và hoàn thành đúng hạn các đơn đặt hàng cũng như những mục tiêu trong dài hạn.
Các công ty đóng tàu hàng đầu của Hàn Quốc đã đạt số đơn hàng kỷ lục trong năm nay, báo hiệu giai đoạn hồi phục mạnh của ngành đóng tàu. Tuy nhiên, trái ngược với thông tin vui trên, ngành đóng tàu Hàn Quốc đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là đảm bảo lực lượng lao động lành nghề có khả năng thực hiện và hoàn thành đúng hạn các đơn đặt hàng cũng như những mục tiêu trong dài hạn.

* Thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng

Clarksons Research, một công ty phân tích vận tải biển và đóng tàu toàn cầu có trụ sở tại Vương quốc Anh, vừa công bố Bảng chỉ số giá đóng mới tàu (NPI) ở mức 173 điểm tính đến tháng 8. NPI biểu thị giá tàu có điểm khởi đầu là 100 điểm, được thiết lập vào năm 1998 dựa trên giá trung bình của tàu đóng mới khi đó. Sau gần 15 năm suy thoái, NPI cuối cùng đã phục hồi và tiến gần về mức 191,5 điểm, ghi nhận vào tháng 8/2008 khi ngành vận tải biển toàn cầu đang ở thời kỳ hoàng kim.

Theo NPI, lượng tồn đọng công việc của các công ty đóng tàu Hàn Quốc đạt 38,8 triệu tấn. Đây là chỉ số đề cập đến khối lượng công việc cần thiết để đóng tàu và trong nửa đầu năm nay, các công ty của Hàn Quốc có mức tồn đọng nhiều nhất trong 12 năm qua.

Với nhu cầu cao về nhân lực, thời gian qua, các công ty đóng tàu hàng đầu như HD Korea Shipbuilding & Offshore Engineering, Samsung Heavy Industries và Hanwha Ocean, trước đây gọi là Daewoo Shipbuilding & Maritime Engineering, thời gian qua đã tranh đua để thu hút nhân lực, bù lấp những vị trí trống do đợt sa thải nhân công trong giai đoạn suy thoái kéo dài.

Hiệp hội đóng tàu Hàn Quốc trước đó dự báo rằng ngành đóng tàu nước này sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 14.000 công nhân vào cuối năm nay. Hiệp hội cũng dự đoán ngành đóng tàu Hàn Quốc sẽ cần thêm 45.000 công nhân để đảm bảo cung ứng đúng thời hạn các đơn đặt hàng.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng và Bộ Tư pháp Hàn Quốc thời gian qua đã triển khai nhiều biện pháp khác nhau như rút ngắn thời gian để người lao động nước ngoài có được thị thực lao động và tăng hạn ngạch sử dụng lao động nước ngoài trong các công ty từ 20% lên 30% trong hai năm.

Tuy nhiên, lãnh đạo một công ty đóng tàu cho biết cho dù liên tục bổ sung nguồn lao động nước ngoài nhưng lĩnh vực này vẫn thiếu hụt lao động nghiêm trọng và trong giai đoạn cuối năm, các doanh nghiệp đóng tàu sẽ tiếp tục thu hút thêm lao động nước ngoài.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Choo Kyung-ho tuyên bố Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng thêm nhiều chính sách hỗ trợ để củng cố ngành vận tải biển của đất nước khi ông đến thăm nhà máy đóng tàu Hanwha Ocean ở tỉnh Nam Kyungsang vào tháng 9.

* Giải pháp robot hóa sẽ phát huy hiệu quả

Trong bối cảnh ngành đóng tàu chưa thể giải quyết được vấn đề dài hạn là đảm bảo nguồn lao động có tay nghề cao, các công ty trước mắt đã nỗ lực đào tạo nhân viên hiện có thông qua các chương trình phát triển kỹ năng nội bộ để đào tạo các kỹ thuật viên. Cùng với đó, các công ty đang nỗ lực tối đa để phát triển robot có thể giúp quá trình đóng tàu trở nên hiệu quả hơn.

Tháng trước, Samsung Heavy Industries đã phát triển robot hàn tốc độ cao đầu tiên trong ngành sử dụng tia laser được kỳ vọng sẽ giúp tăng đáng kể năng suất công việc trong lĩnh vực đóng tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Robot mới này có tốc độ hàn nhanh gấp 5 lần so với sử dụng công nghệ hàn hồ quang plasma truyền thống.

Hanwha Ocean đầu năm nay đã thành công trong việc phát triển một robot cộng tác hàn các ống điều khiển trên tàu và triển khai thí điểm tại một xưởng đóng tàu. Theo công ty Hanwha, việc sử dụng robot đã cắt giảm 60% thời gian vận hành, góp phần nâng cao năng suất và giảm áp lực công việc cho người lao động. Hanwha Ocean cho biết họ có kế hoạch phát triển robot tinh xảo hơn nữa nhắm tới mục tiêu dùng robot để hàn tất cả các loại ống trên tàu.

HD Korea Shipbuilding & Offshore Engineering đã sử dụng robot để hàn các bộ phận nhỏ của tàu. Hyundai Samho Heavy Industries, một trong ba công ty con đóng tàu của HD KSOE, cho biết sẽ đưa vào sử dụng 40 robot để thực hiện những bước đi tiên phong hướng tới tự động hóa trước cuối năm nay. Với mục tiêu thành lập các nhà máy đóng tàu thông minh vào năm 2030, HD KSOE cũng có kế hoạch triển khai các giải pháp tự động tại ba nhà máy đóng tàu của mình để thu thập dữ liệu và hoạt động theo thời gian thực trong toàn bộ quá trình đóng tàu, để giảm thiểu độ trễ về thời gian.

Giáo sư Paik Jeom-kee thuộc khoa kiến trúc hải quân và kỹ thuật Đại dương tại Đại học quốc gia Pusan cho rằng khu vực công và tư cần chung tay hỗ trợ ngành đóng tàu phát triển bền vững và hiệu quả. Theo Giáo sư Paik, ngành công nghiệp đóng tàu và kỹ thuật ngoài khơi là một lĩnh vực thế mạnh mà Hàn Quốc cần nắm giữ. Nếu những con tàu chất lượng cao không được đóng kịp thời cho thị trường thì khối lượng thương mại toàn cầu sẽ không thể đảm bảo. Khoảng 90% thương mại toàn cầu phụ thuộc vào vận tải biển. Theo đó, nói rộng ra thì ngành vận tải biển và kỹ thuật ngoài khơi là “xương sống” cho sự an toàn và hòa bình của cộng đồng trên toàn thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục