Bảo hiểm tiền gửi được chi trả tối đa bao nhiêu?

08:10' - 23/08/2020
BNEWS Dự kiến hạn mức bảo hiểm tiền gửi tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm 50.000.000 đồng so với hiện hành.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi.

Theo đó, phạm vi điều chỉnh Quyết định này quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật bảo hiểm tiền gửi.

Đối tượng áp dụng gồm: Người được bảo hiểm tiền gửi; Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; Tổ chức bảo hiểm tiền gửi; Cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Về hạn mức trả tiền bảo hiểm: Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 125.000.000 đồng.

Những năm đầu chính sách bảo hiểm tiền gửi được triển khai tại Việt Nam, hạn mức bảo hiểm tiền gửi (bao gồm cả gốc lẫn lãi) của một cá nhân tối đa là 30 triệu đồng, được quy định tại Nghị định 89/1999/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/9/1999. Đến năm 2005, tại Nghị định 109/2005/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/1999/NĐ-CP, hạn mức này được điều chỉnh lên 50 triệu đồng.

Hiện nay, theo Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm, từ ngày 05/8/2017, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75.000.000.

Như vậy, sau 3 năm, dự kiến hạn mức bảo hiểm tiền gửi tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm 50.000.000 đồng so với hiện hành.

>>>Bảo hiểm tiền gửi phải tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục