Bến Tre thu hút đầu tư phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp

08:37' - 26/03/2019
BNEWS Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho biết, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bến Tre đang kêu gọi đầu tư vào hạ tầng các cụm công nghiệp. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Theo đó UBND dân tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành phố xem xét lại quỹ đất của từng địa phương, có cơ chế trình xin ý kiến cụ thể cho từng vị trí cho thuê hoặc bán đấu giá, nhằm tạo nguồn quỹ đầu tư để đầu tư cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp. Đồng thời, thường xuyên trao đổi, gặp gỡ, họp mặt với doanh nghiệp nhằm kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư ngành công nghiệp chế biến có tiềm năng của từng huyện.

Cùng với đó, các sở, ngành có liên quan công khai, minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đăng ký đầu tư, giao đất, cho thuê đất, xây dựng và quản lý môi trường. Ngoài ra, UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành phối hợp với các huyện, thành phố để tính toán, điều chỉnh lại giá đất cho phù hợp trong thời gian tới, đảm bảo để doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng đạt hiệu quả..

Theo Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 408 ha. Hiện tại, Bến Tre đã có 10 cụm công nghiệp được thành lập, tổng diện tích 347,28 ha, có 7 cụm đã quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 264,37 ha; trong đó, diện tích đất công nghiệp là 191,33 ha, đã cho thuê trên 83 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 50% diện tích đất công nghiệp.

Các cụm công nghiệp hiện có 24 dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn đầu tư khoảng 3.780 tỷ đồng. Đáng chú ý, một số cụm công nghiệp đã cỏ tỷ lệ lấp đầy khá tốt như: Phong Nẫm (huyện Giồng Trôm), Thị trấn - An Đức (huyện Ba Tri), Tân Thành Bình (huyện Mỏ Cày Bắc) và Càng An Nhơn (huyện Thạnh Phú).

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre Lê Văn Khê cho hay, việc triển khai thu hút đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do các địa phương chưa chủ động trong triển khai vì không có hoặc thiếu vốn để thực hiện; vốn ngân sách không có để đền bù giải phóng toàn bộ mặt bằng cụm công nghiệp nhằm tạo quỹ đất sạch.

Các dự án của doanh nghiệp đầu tư có vị trí không phù hợp với quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp, quy hoạch sử dụng đất sẽ gây khó khăn trong việc bổ sung cụm công nghiệp vào quy hoạch cũng như việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Hiện nay, các địa phương áp dụng thực hiện việc giải phóng mặt bằng hình thức “cuốn chiếu”. Cụ thể, doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư tự thỏa thuận tạm ứng vốn trước để đền bù giải phóng mặt bằng trong phần diện tích được thuê để triển khai sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng hiện nay cũng còn gặp nhiều khó khăn do nhân dân không đồng tình với đơn giá quy định của Nhà nước.

Một đặc điểm đáng chú ý nữa là nền địa chất tại Bến Tre yếu, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng cao, dẫn đến chi phí xây dựng hạ tầng cao hơn so với các tỉnh thành khác, đồng thời hạ tầng ngoài hàng rào các cụm công nghiệp phần lớn chưa có hoặc yếu kém nên rất khó kêu gọi đầu tư…

Hiện nay, một số cụm công nghiệp đang vướng vấn đề về giải phóng mặt bằng là: Thành Thới B (huyện Mỏ Cày Nam), Phú Hưng (Thành phố Bến Tre) và Bình Thới (huyện Bình Đại). Nguyên nhân chính vẫn là do giá đất nông nghiệp quá cao, dẫn đến việc kêu gọi đầu tư hạ tầng cũng như đầu tư thứ cấp còn hạn chế./.

Xem thêm:

>>Bến Tre phát triển các hợp tác xã nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị

>>Thành phố Bến Tre và Hà Tĩnh được công nhận là đô thị loại II

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục