Bí quyết tăng thu nhập cho lao động ở Nhật Bản

15:07' - 10/02/2024
BNEWS Đầu năm 2023, Chính phủ Nhật Bản đã cam kết chi 3.500 tỷ yen (23,6 tỷ USD) nhằm thúc đẩy tăng tỷ lệ sinh, nhưng tình trạng thiếu hụt lao động hiện thời vẫn là một thách thức lớn.

Đầu năm 2023, Chính phủ Nhật Bản đã cam kết chi 3.500 tỷ yen (23,6 tỷ USD) nhằm thúc đẩy tăng tỷ lệ sinh, nhưng tình trạng thiếu hụt lao động hiện thời vẫn là một thách thức lớn cho các nhà tuyển dụng và đòi hỏi những cách thức mới để góp phần giải quyết vấn đề này.

 

Dưới đây là một số biện pháp mà các cửa hàng, nhà hàng và doanh nghiệp Nhật Bản đang thực hiện để thu hút và giữ chân người lao động thuộc nhóm lớn tuổi, để vừa đảm bảo hoạt động kinh tế diễn ra suôn sẻ vừa giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của họ.

Người có tuổi chăm sóc người cao tuổi

Chăm sóc người già là một lĩnh vực đang thiếu hụt lao động trầm trọng. Điều thú vị là nhiều người làm việc trong lĩnh vực này cũng thuộc nhóm lớn tuổi.

Độ tuổi trung bình của người làm nghề hộ lý ở Nhật Bản là 50 tuổi, cao hơn khoảng 7 năm so với mức trung bình của tất cả các ngành khác. Đáng chú ý, con số đó dự kiến sẽ tăng hơn nữa khi các cơ sở rất khó thu hút lao động mới. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực này được dự đoán sẽ tăng gấp ba lần lên 690.000 người vào năm 2040.

Ngoài những hộ lý chuyên nghiệp, các viện dưỡng lão còn cần nhân sự đảm nhiệm các công việc như nấu nướng, dọn dẹp và hỗ trợ bữa ăn. Những vị trí này có thể do các tình nguyện viên được trả lương phụ trách, giúp hộ lý có nhiều thời gian hơn để cống hiến cho nhiệm vụ chính của họ là chăm sóc người già.

Ông Ryohei Suzuki, người sáng lập trang môi giới việc làm Sketter, cho biết người cao tuổi vẫn muốn tham gia các hoạt động xã hội ngay cả khi họ đã nghỉ hưu. Họ có thể làm việc toàn thời gian, song họ đang tìm kiếm công việc có thể làm cả đời và có ý nghĩa.

Nâng tuổi hưu cho tài xế taxi

Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu của tài xế taxi tư nhân từ mức 75 tuổi hiện nay lên 80 tuổi.

Các khu vực nông thôn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng phương tiện đi lại dành cho người già khi chính quyền địa phương cắt giảm phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt, do dân số ở các làng và thị trấn giảm. Vì vậy, taxi đang trở thành lựa chọn duy nhất cho những người không còn khả năng lái xe và cần đến bệnh viện hoặc mua sắm hàng hóa hàng ngày.

Một quan chức chính phủ cho biết các tài xế taxi thường kiếm được nhiều tiền hơn ở các thành phố và khá miễn cưỡng khi chuyển đến các khu vực nông thôn. Việc nâng độ tuổi nghỉ hưu cho tài xế taxi có thể khuyến khích họ ở lại khu vực nông thôn.

Hiện nay, taxi tư nhân được cấp phép hoạt động ở các thành phố có dân số từ 300.000 người trở lên, nhưng tiêu chí đó cũng có thể bị loại bỏ.

Theo quan chức này, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã lấy ý kiến của công chúng từ giữa tháng 10/2023 và đang nỗ lực xây dựng các chính sách mới.

Ngoài việc nâng tuổi về hưu, các công ty taxi cũng đang tìm cách thuê tài xế trẻ mới ra trường, đưa ra giờ làm việc linh hoạt hơn để bù đắp cho tình trạng thiếu nhân sự.

Xây dựng những nhóm việc làm mới

Cách đây một thập kỷ, Recruit Holdings, công ty tuyển dụng và nhân sự lớn nhất Nhật Bản, đã bắt đầu làm việc với các nhà tuyển dụng chia các công việc thông thường thành những nhóm hẹp hơn. Điều này nhằm giúp những người lao động lớn tuổi có thể đảm nhận những công việc cụ thể, chẳng hạn như: chất hàng lên kệ siêu thị trước giờ mở cửa, dọn dẹp, chuẩn bị nhà xưởng trước khi công nhân đến, nhận những ca làm việc cụ thể tại các cửa hàng xăng dầu, kho hàng, nhà hàng bán thức ăn nhanh.

Bà Kuniko Usagawa, quản lý cấp cao tại trung tâm nghiên cứu JOBS tại Recruit Holdings, cho hay các nhà tuyển dụng dễ dàng tìm được nhân viên hơn bằng cách đưa ra những khung giờ làm việc linh hoạt trong ngày, tạo điều kiện cho người lao động lớn tuổi vì họ có xu hướng thích làm việc vào buổi sáng hơn là muộn vào ban đêm.

Bà Usagawa cho hay ban đầu, điều này tạo nhiều thuận lợi cho các siêu thị. Hiện giờ, các cửa hàng xăng dầu và nhà máy cũng áp dụng chúng. Đặc biệt trong lĩnh vực logistics, bà ghi nhận có những người bắt chuyến tàu đầu tiên đi làm lúc 5 giờ sáng và về nhà sau 8 giờ sáng.

Theo bà, những người phụ nữ nội trợ cũng có thể tham gia các công việc “chẻ nhỏ” như vậy khi họ thường thích làm việc trong thời điểm rảnh rỗi vào giữa ngày. Ngoài ra, người khuyết tật về thể chất cũng có thể tìm thấy nhiều cơ hội hơn khi được giao những công việc cụ thể, đơn giản hơn thay vì một công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng.

Bà Usagawa chỉ ra rằng những người lớn tuổi có việc làm thường ít cần chăm sóc sức khỏe hơn, cũng như ít đến bệnh viện hơn. Nhiều người đã nói với bà rằng lý do chính khiến họ nhận việc là để gặp gỡ mọi người và xây dựng những mối quan hệ xã hội có ý nghĩa.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục