Bloomberg: Trung Quốc có thể là nước phục hồi đầu tiên sau đại dịch COVID-19?

05:00' - 22/04/2020
BNEWS Các chuyên gia nhận định, hiện nay rất khó xác định xu thế kinh tế của Trung Quốc trong tương lai sẽ hồi phục theo hình chữ V hay hình chữ U, nhưng khả năng hồi phục theo hình chữ L là không cao.
Xếp dỡ hàng hóa tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các hoạt động kinh tế của Trung Quốc đang trở lại bình thường.

Theo nghiên cứu của hãng tin Bloomberg, gần đây tỷ lệ phục hồi sản xuất kinh doanh của Trung Quốc đã đạt 90-95%. Cụ thể, sản lượng dầu tinh luyện hàng ngày từ tháng 3/2020 đã được nâng lên mức 13 triệu tấn/ngày, gần bằng mức bình quân của năm ngoài là 13,4 triệu tấn/ngày. 

Về điện năng, lượng tiêu thụ than hàng ngày của các nhà máy nhiệt điện khu vực duyên hải Trung Quốc đã tăng lên gấp đôi so với tháng 2/2020. Ngoài ra, sự hồi phục cũng xuất hiện trên thị trường đồng với việc gia tăng lượng đồng sử dụng trong xây dựng và truyền tải điện.

Một nhân tố khác cũng cho thấy sự hồi phục của Trung Quốc là xuất khẩu tháng 3/2020 của vùng lãnh thổ Đài Loan sang Mỹ giảm xuống còn xuất khẩu sang Trung Quốc Đại lục và Hong Kong (Trung Quốc) lại tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Nhập khẩu trong tháng Ba của Đài Loan (Trung Quốc) từ Trung Quốc Đại lục và Hong Kong cũng đạt mức cao kỷ lục trong nhiều năm mà nguyên nhân chủ yếu là việc sản xuất và hậu cần của Trung Quốc Đại lục dần được khôi phục.

Theo tờ Kinh tế Nhật báo của Đài Loan, xem xét dấu hiệu trên các mặt có thể đưa ra một số dự đoán tạm thời về xu hướng kinh tế Trung Quốc trong tương lai.

Hiện nay rất khó xác định xu thế kinh tế tương lai sẽ hồi phục theo hình chữ V hay hình chữ U, nhưng khả năng hồi phục theo hình chữ L là không cao. 

Nói cách khác, dù tăng trưởng kinh tế quý I/2020 của Trung Quốc sẽ giảm mạnh, nhưng đà giảm sẽ nhanh chóng được chặn lại; tăng trưởng kinh tế quý II/2020 tuy không lý tưởng so với cùng kỳ năm 2019, nhưng có lẽ không cần phải bàn cãi về sự xuất hiện của bước ngoặt.

Về cơ bản có thể loại trừ rủi ro bùng nổ khủng hoảng tài chính. Do kỷ luật chính sách tiền tệ nới lỏng, giám sát quản lý tài chính không nghiêm, tình hình tài chính của Trung Quốc tiềm chứa nhiều nguy cơ. 

Đại dịch COVID-19 xuất hiện bất ngờ, tác động lớn hơn tưởng tượng, khiến dư luận lo lắng tình hình xấu đi kéo dài có thể đẩy Trung Quốc tới bờ vực khủng hoảng tài chính. Nhưng khi nền kinh tế thực thể bắt đầu ổn định trở lại sẽ có lợi cho việc làm lắng dịu áp lực bùng nổ khủng hoảng tài chính.

Mặt khác, khôi phục sản xuất kinh doanh nhanh chóng cũng có lợi cho thị trường việc làm. Nếu dịch bệnh kéo dài hoặc hiệu quả của việc khôi phục sản xuất kinh doanh không cao, thị trường việc làm sẽ phải đối mặt với áp lực lớn. 

Đặc biệt vào mùa Hè năm nay, trên 8 triệu sinh viên Trung Quốc sẽ tốt nghiệp, gia nhập thị trường việc làm, khó khăn sẽ tăng lên mạnh mẽ. Hiện nay, áp lực to lớn đối với thị trường việc làm tuy giảm, nhưng tình hình tổng thể vẫn khó có thể lạc quan, phải nhờ tới hiệu ứng tích cực từ sự hồi phục các dự án “cơ sở hạ tầng mới” quan trọng, gồm trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data) và mạng 5G…

Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 vẫn lan tràn trên thế giới, viễn cảnh kinh tế ảm đạm. So với tình hình sau khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, “bức tranh” hiện nay có hai điểm khác biệt.

Một là Trung Quốc giờ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không phải nền kinh tế lớn thứ ba thế giới như hồi khủng hoảng tài chính thế giới. Hai là đại dịch COVID-19 gây ra thảm họa kinh tế có độ bao phủ lớn hơn, cường độ mạnh hơn, sức phá hoại cao hơn so với “sóng thần tài chính” năm xưa. 

Do đó, rất có thể giống như cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã nói “đại dịch COVID-19 sẽ vĩnh viễn thay đổi trật tự thế giới”, trong đó Trung Quốc có thể sẽ đóng vai trò quan trọng hơn.

Sở dĩ tình hình kinh tế Trung Quốc khiến dư luận phải “lạc quan thận trọng” là bởi trong giai đoạn đầu tiên của dịch bệnh, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng biện pháp mạnh phong tỏa thành phố, phong tỏa đường sá, dẫn tới sự đứt gãy của chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát sơ bộ, nước này đã quyết định tích cực phục hồi sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, kết cấu kinh tế Trung Quốc đã chuyển từ việc dựa vào nhu cầu bên ngoài sang nhu cầu trong nước. Mức độ phục thuộc đối ngoại cũng nhỏ hơn mức độ kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào Trung Quốc. Nói cách khác, kinh tế Trung Quốc đã có năng lực tự tuần hoàn lớn.

Hiện nay xuất hiện một khái niệm phòng dịch là “bố trí đi trước” bỏ qua thành kiến, Trung Quốc đã hành động trước nên Trung Quốc cũng có thể trở thành nước hồi phục trước tiên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục