Bộ Tài chính kiến nghị giảm kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước​

18:47' - 14/04/2020
BNEWS Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và công tác phí nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết như vậy.

Dự kiến riêng các cơ quan Trung ương có thể tiết kiệm được khoảng 700 tỷ đồng.Dự kiến riêng các cơ quan Trung ương có thể tiết kiệm được khoảng 700 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ Tài chính kiến nghị của Chính phủ, yêu cầu các địa phương, các bộ, ngành, cơ quan trung ương phải tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên.

Ngoài việc cắt giảm chi thường xuyên ngoài lương 10% theo dự toán đã được Quốc hội thông qua thì tiếp tục cắt giảm thêm 10% nữa cũng như tiết kiệm 50% công tác phí nước ngoài, 30% kinh phí hội nghị, hội thảo.

Với việc cắt giảm này thì riêng các cơ quan Trung ương dự kiến tiết kiệm được khoảng từ 600 -700 tỷ đồng để tăng cho phòng, chống dịch COVID-19.
Trên tinh thần chia sẻ trách nhiệm của Trung ương và địa phương trong kinh phí phòng, chống dịch COVID-19, những địa phương có khả năng cân đối ngân sách cao thì phải chủ động, những địa phương có khả năng cân đối ngân sách, có điều tiết trung ương dưới 50% thì Trung ương bắt đầu hỗ trợ.
“Bên cạnh việc sử dụng dự phòng, dự trữ tài chính của ngân sách địa phương, các địa phương phải chủ động sử dụng từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương và kinh phí cải cách tiền lương còn dư để xử lý. Đối với những địa phương khó khăn, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ theo các mức 30%, 50% và 70% kinh phí thực phát sinh ở địa phương. Mục tiêu đảm bảo trước mắt là phục vụ cho phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cũng như các thiên tai, dịch bệnh khác, hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và thiên tai khu vực miền núi phía Bắc cũng phải được Trung ương hỗ trợ trong thời gian tới”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, trước khó khăn của hoạt động sản xuất - kinh doanh, thương mại, đầu tư do tác động của đại dịch COVID-19, dự báo nguồn thu ngân sách Nhà nước năm 2020 sẽ giảm do một số nguyên nhân như tăng trưởng kinh tế đạt thấp; giá dầu thô giảm sâu; điều chỉnh chính sách thu ngân sách Nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh ứng phó với dịch bệnh. Ngoài ra, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp hiện rất chậm cũng là một rủi ro lớn đối với nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.
Trong bối cảnh dự báo thu ngân sách Nhà nước có thể giảm lớn, trong khi nhu cầu chi tăng cao, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị các giải pháp cân đối nguồn lực đảm bảo chi ngân sách Nhà nước. Đối với cân đối ngân sách Trung ương, dự kiến dành 34,6 nghìn tỷ đồng nguồn tăng thu và kinh phí ngân sách Trung ương còn lại năm 2019 chuyển sang năm 2020; trong đó dự kiến dành 20 nghìn tỷ đồng để cùng với ngân sách địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và an sinh xã hội theo Nghị quyết của Chính phủ. Số còn lại 14,6 nghìn tỷ đồng tiếp tục sử dụng để dành cho công tác phòng chống dịch COVID-19 và hỗ trợ cân đối ngân sách Trung ương.
Bên cạnh đó, các địa phương sử dụng dự phòng ngân sách Nhà nước triệt để tiết kiệm, trước mắt sử dụng khoảng 50% dự phòng của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, tập trung cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả dịch COVID-19, các nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Theo Bộ Tài chính, trong điều kiện thu ngân sách Nhà nước khó khăn, lại phải tăng chi để có thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế, giảm khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, mặc dù quyết tâm rà soát, tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, nhưng khả năng bội chi ngân sách Nhà nước sẽ tăng thêm khoảng 1,5-1,6% GDP (tức là ở mức 5-5,1% GDP). Kể cả trong trường hợp kiểm soát được số tuyệt đối bội chi ngân sách Nhà nước năm 2020, thì tỷ lệ bội chi so GDP dự kiến vẫn tăng lên, do quy mô GDP (số tuyệt đối) không đạt mức kế hoạch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục