Bỏ tư tưởng “cửa quyền” để thấu hiểu doanh nghiệp

10:07' - 03/10/2020
BNEWS Để hiện thực hóa khẩu hiệu "Chính quyền đồng hành" thì trước tiên chính quyền phải thấu hiểu doanh nghiệp; bỏ tư tưởng “cửa quyền” và xây dựng tinh thần phục vụ doanh nghiệp.

Tại thành phố Vinh, Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch Nghệ An vừa phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Nghệ An tổ chức  Diễn đàn Doanh nghiệp Nghệ An với chủ đề “Chính quyền đồng hành - Doanh nhân phát triển” với sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh, HĐND các cấp cùng hơn 300 doanh nhân trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Nghệ An là địa phương có số lượng doanh nghiệp đứng thứ 10 cả nước và đứng thứ 2 trong khu vực Bắc Trung bộ.

Đến nay, tổng số doanh nghiệp đăng ký là 22.360 doanh nghiệp, bình quân tăng 9,3%/năm; trong đó, có 13.220 doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp khoảng 48 - 50% tổng thu ngân sách toàn tỉnh, tạo việc làm cho trên 212.000 lao động.

Tuy nhiên 98% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ quản trị và công nghệ còn hạn chế, năng lực cạnh tranh còn yếu…

Từ đầu năm 2020 đến nay, những khó khăn, thách thức lớn đến từ đại dịch COVID -19 đã tác động mạnh tới phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của tỉnh Nghệ An nói riêng.

Nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị ngưng trệ, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều bị tác động, ảnh hưởng trực tiếp, gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Trong 9 tháng qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP trên địa bàn tỉnh ước tăng 3,44%; thu ngân sách ước thực hiện hơn 11.000 tỷ đồng, đạt 72,7% dự toán; thu hút đầu tư được 59 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 4.415 tỷ đồng; đã thành lập mới 1.326 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 10.963 tỷ đồng; có 494 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tích cực, PCI của Nghệ An năm 2019 xếp thứ 18/63 tỉnh, thành trong cả nước, đạt kết quả cao nhất trong vòng 15 năm qua, tiếp tục là tỉnh dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Trần Anh Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh Nghệ An cho rằng, để hiện thực hóa khẩu hiệu "Chính quyền đồng hành" thì trước tiên chính quyền phải thấu hiểu doanh nghiệp; bỏ tư tưởng “cửa quyền” và xây dựng tinh thần phục vụ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần có cơ chế, chính sách minh bạch rõ ràng, có tính kế thừa; đồng hành bằng con người, bằng chỉ đạo văn bản, phân công đầu mối cụ thể. Chính quyền cần sâu sát hơn để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; xử lý nghiêm cán bộ, công chức “hành” doanh nghiệp.

Với phương châm hành động “Coi vướng mắc của doanh nghiệp là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, từ đó tập trung cùng tháo gỡ”, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tạo “đòn bẩy” phát triển kinh tế - xã hội, theo Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung vào 4  nhiệm vụ, giải pháp như xác định rõ những vướng mắc, khó khăn cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực, từng doanh nghiệp và trên từng địa bàn để có biện pháp, đối sách cụ thể sớm khắc phục; đồng thời tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục tuyên truyền, quán triệt để thay đổi quan điểm về xúc tiến đầu tư và phát triển doanh nghiệp; coi doanh nghiệp, nhà đầu tư là đối tượng phục vụ.

Tỉnh duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo tỉnh, các ngành với các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời xử lý, giải quyết những vướng mắc, đảm bảo các dự án hoạt động hiệu quả nhằm tiếp tục củng cố lòng tin của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Tỉnh cũng thúc đẩy các phong trào khởi nghiệp kinh doanh, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua việc nghiên cứu thành lập, tổ chức và vận hành các mô hình vườn ươm doanh nghiệp.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đề nghị cần xây dựng nguyên tắc tuân thủ pháp luật, nói không với tiêu cực, ngăn chặn đẩy lùi tiêu cực trong kinh doanh.

Đồng thời, phát huy tính đoàn kết, chủ động, linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh doanh để  hạn chế tác động tiêu cực từ những bất ổn (đặc biệt là những bài học từ dịch bệnh COVID-19 vừa qua) theo hướng đa dạng hóa về nguồn hàng, khách hàng và thị trường, đặc biệt đối với doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chịu tác động nặng nề của dịch bệnh như vận tải, du lịch, nông sản xuất khẩu và các doanh nghiệp công nghiệp chế tạo phụ thuộc nguồn nguyên, vật liệu từ nước ngoài.

Cũng tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế nhận định, dịch bệnh COVID-19 có tác động rất mạnh, thậm chí là nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam bởi tác động của nó là nhiều chiều lên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế; với 3 tác động chính vào tăng trưởng, đầu tư và thương mại; gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng; suy giảm tiêu dùng tác động lớn đến dịch vụ và du lịch.

Theo khuyến nghị của Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, những kết quả đạt được trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của chính quyền tỉnh Nghệ An trong 5 năm trở lại đây là đáng khích lệ.

Nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời kiến tạo nền tảng vững chắc cho việc thu hút đầu tư vào Nghệ An trong thời gian tới, chính quyền tỉnh Nghệ An có thể cân nhắc triển khai các giải pháp như xây dựng và triển khai thực chất, hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động cải thiện môi trường kinh doanh địa phương.

Tập trung vào một số lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phiền hà nhất, cụ thể là đất đai (37%), thuế (27%) và bảo hiểm xã hội (23%).

“Tỉnh Nghệ An cần rà soát và tối ưu hóa quy trình thủ tục hành chính liên ngành, đặc biệt là các thủ tục liên quan tới dự án đầu tư có sử dụng đất, liên quan tới xây dựng, môi trường. Nâng cao hiệu quả các trung tâm hành chính công các cấp, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính và tăng các thủ tục mức độ 3,4. Thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ vừa, chủ động cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn, thông tin thị trường lao động”, ông Lộc nhấn mạnh.

Nhân dịp này, 140 doanh nghiệp đã được nhận Giấy chứng nhận Hội viên mới VCCI./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục