BoJ chưa tung ra các biện pháp kích thích mới

10:02' - 16/09/2015
BNEWS Mặc dù triển vọng nền kinh tế trở nên bấp bênh hơn, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) kỳ vọng nhu cầu trong nước có thể vẫn vững nhờ doanh thu tăng và lương cao.

BoJ quyết định chưa mở rộng chương trình nới lỏng định lượng, nhưng đánh giá nền kinh tế "xứ hoa anh đào" đang bị ảnh hưởng bất lợi bởi sự giảm tốc của các thị trường mới nổi chủ chốt.

Kết thúc cuộc họp trong hai ngày 14-15/9, BoJ thông báo vẫn duy trì chương trình mua tài sản trị giá 80 nghìn tỷ yen (665 tỷ USD) tài sản/năm, trong khi đánh giá nền kinh tế tiếp tục phục hồi khiêm tốn, mặc dù sản xuất và xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi tình trạng giảm tốc ở các thị trường mới nổi.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda vẫn lạc quan vào triển vọng kinh tế của Nhật Bản, khi nhu cầu trong nước ổn định dù các điều kiện bên ngoài không thuận lợi, ví dụ như kinh tế Trung Quốc giảm tốc.

Ông nói doanh thu của các doanh nghiệp vẫn đạt các mức cao kỷ lục, cho thấy các điều kiện việc làm và thu nhập vẫn tốt.

Trong một tuyên bố, BOJ cho biết các nền kinh tế nước ngoài, chủ yếu là các nước phát triển, tiếp tục tăng trưởng, cho dù kinh tế ở các nước mới nổi tăng trưởng chậm lại và BOJ sẽ tiếp tục hỗ trợ các công ty của Nhật Bản trong những thương vụ mua bán lớn.

BoJ có quyết định trên dù kinh tế Nhật Bản giảm 0,3% trong quý II/2015, do xuất khẩu tới Trung Quốc, đối tác thương mại lớn, giảm sút.

Trong khi đó, giá tiêu dùng trong tháng Bảy không tăng, sau khi tăng 25 tháng liên tiếp, chủ yếu do giá dầu giảm, gây rủi ro cho nỗ lực của BoJ trong việc hướng tới mục tiêu lạm phát 2% trong nửa cuối tài khóa 2015.

Các số liệu gây thất vọng đã dẫn đến dự đoán có thể BoJ phải có biện pháp kích bổ sung để thúc đẩy nền kinh tế chưa hồi phục vững chắc.

Tuy nhiên, BoJ tin rằng giá cả vẫn có xu hướng tăng khi giá thực phẩm và các hàng hóa khác tăng, với chỉ số giá không bao gồm giá năng lượng tăng gần 1%.

Lê Minh (Theo AFP, Kyodo)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục