Brazil đối mặt với khủng hoảng “kép” về kinh tế và chính trị

12:18' - 08/05/2016
BNEWS Khủng hoảng chính trị tại Brazil xảy ra đúng lúc nước này đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế. Năm 2015, kinh tế Brazil tăng trưởng âm 3,8%, mức tồi tệ nhất trong vòng 25 năm qua.
Brazil đối mặt với khủng hoảng “kép” về kinh tế và chính trị. Ảnh: cnbc.com

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff một lần nữa khẳng định việc xét xử bà tại Quốc hội hiện nay là vi hiến và cho rằng nếu muốn “kết tội” chính phủ, điều tốt nhất là các cử tri tham gia tổng tuyển cử.

Đây là lần đầu tiên Tổng thống Rousseff công khai đề cập tới khả năng tiến hành tổng tuyển cử sớm trong bối cảnh người đứng đầu nhà nước đang đối mặt với nguy cơ bị phế truất.

Tuy nhiên, Hiến pháp Brazil không quy định điều này trong trường hợp Tổng thống bị bãi nhiệm và người thay thế vị trí của bà Rousseff sẽ là Phó Tổng thống Michel Temer.

Tuyên bố trên của bà Rousseff được đưa ra chỉ một ngày sau khi một ủy ban đặc biệt của Thượng viện Brazil bỏ phiếu thông qua việc tiến hành phiên luận tội Tổng thống, chính thức mở đường cho cuộc bỏ phiếu tại một phiên toàn thể ở Thượng viện về việc xem xét khả năng phế truất nhà lãnh đạo này. Dự kiến, ngày 11/5 tới, Thượng viện sẽ bắt đầu xem xét bỏ phiếu tín nhiệm bà Rousseff.

Tổng thống Rousseff tố cáo những gì đang diễn ra tại Brazil là một cuộc đảo chính và những cáo buộc chống lại bà không có cơ sở pháp luật. Trong khi đó, phe đối lập Brazil cho rằng chính phủ của bà Rousseff đã chỉnh sửa con số quyết toán năm 2014 với mục đích làm giảm thâm hụt ngân sách đúng vào năm bầu cử cũng như vay vốn mà không được Quốc hội thông qua.

Theo quy định, chỉ cần 41 trong 81 thượng nghị sĩ thông qua thủ tục phế truất, Tổng thống Brazil sẽ bị buộc rời nhiệm trong vòng 180 ngày, nhường chỗ cho Phó Tổng thống, chấm dứt 13 năm cầm quyền ở Brazil của đảng Lao động (PT) với những thành quả xã hội mà cộng đồng quốc tế đã nhiều lần thừa nhận. Ông Temer sẽ làm Tổng thống lâm thời tới hết nhiệm kỳ vào cuối năm 2018.

Cùng ngày, ông Temer, thuộc Đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMBD), từng tham gia liên minh cầm quyền với PT tới tháng Ba vừa qua, đang tích cực làm việc với các cố vấn lên kế hoạch thành lập nội các trong trường hợp bà Rousseff bị bãi nhiệm sau ngày 11/5 tới nếu Thượng viện bỏ phiếu thông qua.

Giữa bối cảnh khủng hoảng chính trị, nền kinh tế đầu tàu Mỹ Latinh phải đối mặt với thâm hụt ngân sách cao, chi tiêu tiêu dùng sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 6,9%, đồng nội tệ real mất giá gần 50%, lạm phát ở mức hơn 10%, nợ công tương đương 65% GDP.

Dự kiến năm nay, kinh tế Brazil sẽ lại tiếp tục suy thoái và ở mức âm 3,6%. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là đợt suy thoái tồi tệ nhất của Brazil trong gần chín thập niên, kể từ cuộc Đại Suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước.

Trước đó, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff ngày 4/5 đã bác bỏ mọi cáo buộc liên quan tới vụ tham nhũng khổng lồ ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras, sau khi Tổng Công tố Liên bang Rodrigo Janot đề nghị Tòa án Tối cao điều tra bà.

Ngoài ra, Tổng thống Rousseff cũng phản đối việc bà đã không nhận được thông báo về việc ông Janot yêu cầu Tòa án Tối cao điều tra và chỉ được biết khi báo chí Brazil đưa tin. Theo bà Rousseff, đây là hành động rò rỉ thông tin “nguy hiểm".

Xem thêm:

Chính trường Brazil chao đảo

 


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục