Brexit: Cơn địa chấn không chỉ riêng nước Anh (Phần 2)

05:30' - 20/01/2019
BNEWS Thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa EU và các nước châu Phi, Caribe và Thái Bình Dương sẽ không áp dụng cho Anh. Trong khi những tác động tiêu cực của Brexit đối với Anh và EU nhận được nhiều sự quan tâm.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phân tích về sự kiện trên, truyền thông Đức đánh giá đây là thất bại tồi tệ nhất trong lịch sử nước Anh gần đây. Tờ die Welt của Đức đã đăng tải các dòng trạng thái của các nhà lãnh đạo EU, Đức bày tỏ sự thất vọng với kết quả thất bại từ cuộc bỏ phiếu. 

Trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk bày tỏ sự hối tiếc với thất bại của thỏa thuận Brexit khi viết: "Nếu một thỏa thuận là không khả thi, và không ai muốn không có thỏa thuận nào, vậy thì ai sẽ đủ can đảm để nói giải pháp tích cực duy nhất là gì?".

Người phát ngôn của ông Tusk nói rằng, thất bại trên sẽ làm tăng nguy cơ Anh rời EU mà không có thỏa thuận. Và EU không muốn điều đó xảy ra nhưng vẫn sẽ chuẩn bị cho điều đó. Thỏa thuận này vẫn là cách tốt nhất và duy nhất để đảm bảo việc rút Anh có trật tự khỏi EU. Và giờ Chính phủ Anh phải giải thích càng sớm càng tốt kế hoạch và các bước tiếp theo của họ.

Người đứng đầu Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker hối tiếc về kết quả của cuộc bỏ phiếu và cho rằng, kết quả trên là nguy cơ về một Brexit lộn xộn tăng lên. Ông cảnh báo rằng, "thời gian sắp hết" và Anh phải làm rõ ý định của mình càng sớm càng tốt.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz trên Twitter đăng tải dòng cảm xúc thất vọng rằng "Một ngày cay đắng với châu Âu". Ông cho rằng, một Brexit không có thỏa thuận sẽ là tồi tệ nhất trong tất cả các khả năng, đối với cả EU và "đặc biệt" đối với Anh. Vẫn còn thời gian cho đến cuối tháng 3/2019 để ngăn chặn Brexit không thỏa thuận. Tuy nhiên, bây giờ EU phải trông chờ tình hình từ London.

Chủ tịch liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) trong Quốc hội liên bang Ralph Brinkhaus cho rằng, thất bại là đáng tiếc và kêu gọi các bên giữ bình tĩnh. EU không thể từ bỏ các nguyên tắc, dù nhiều người của khối muốn được liên kết với người Anh. 

Nghị sỹ châu Âu Elmar Brok cũng trông chờ phản hồi tích cực từ Chính phủ Anh. Phó Chủ tịch nhóm khu vực CSU Hans Michelbach kêu gọi đàm phán nhanh về cấu trúc các mối quan hệ kinh tế trong tương lai giữa Vương quốc Anh và EU. Ông nói rằng "Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế Anh và EU là quá quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế và thị trường lao động ở hai bên".

Hậu quả đối với các nước đang phát triển

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển Đức (DIE) cho rằng, bất kể kết quả cuối cùng của các cuộc đàm phán, Brexit sẽ mang đến những thay đổi cơ bản trong chế độ thương mại của Anh liên quan đến các nước thứ ba. Điều này bắt đầu bằng một cuộc đàm phán về các điều khoản tiếp cận quốc gia đối với tư cách thành viên WTO và mở rộng đàm phán lại nhiều hiệp định thương mại tự do của EU.

Ngoài ra, Anh sẽ không còn là một phần của Quy chế Ưu đãi Thuế quan phổ cập (GSP) hay Hiệp ước Tất cả, trừ vũ khí (EBA), cho phép các nước đang phát triển dễ bị tổn thương trả ít hơn hoặc không phải chịu thuế đối với hàng xuất khẩu của họ sang EU.

Các thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa EU và các nước châu Phi, Caribe và Thái Bình Dương cũng sẽ không áp dụng cho Anh. Trong khi những tác động tiêu cực của Brexit đối với Anh và EU nhận được nhiều sự quan tâm.

Ý nghĩa của Brexit đối với các nước kém phát triển (LDC) thường bị bỏ qua và không được thảo luận để đưa ra các khuyến nghị chính sách thỏa đáng. Các nước đang phát triển có mối quan hệ chặt chẽ với Anh sẽ phải chịu đựng Brexit vì thuế nhập khẩu một lần nữa được áp đặt.

Đặc biệt, 49 quốc gia nghèo nhất thế giới hiện nay được hưởng lợi từ chế độ ưu đãi bao gồm 99% tất cả các sản phẩm theo Thỏa thuận EBA.

Mặc dù các quốc gia này chỉ chiếm 1,15% lượng nhập khẩu của Anh, nhưng tỷ lệ xuất khẩu của họ sang Anh vượt 35% đối với ngành may mặc bán sẵn, 21% ngành dệt may và 9% ngành mía đường (dựa trên dữ liệu của Comtrade trong giai đoạn 2013 – 2015). Việc mất các ưu đãi này cùng với việc rút tiền từ Anh khỏi EU có thể khiến GDP của các quốc gia EBA giảm sâu.

Tổn thất cao nhất sẽ xảy ra ở Campuchia và Malawi, nơi mà sự phụ thuộc vào thị trường Anh rất mạnh. Hơn nữa, Brexit có thể khiến số người sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ (1,9 USD/ngày) tăng gần 1,7 triệu người ở tất cả các quốc gia EBA. Đây là những ước tính thận trọng về tác động tiêu cực của Brexit, khi chưa tính đến các tác động bổ sung của sự bất ổn định, khấu hao của đồng bảng Anh, giảm chi cho viện trợ, kiều hối và đầu tư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục