Brexit tăng rủi ro kinh tế toàn cầu

14:19' - 25/07/2016
BNEWS Các Bộ trưởng tham gia hội nghị G20 đều đồng quan điểm rằng sự kiện cử tri nước Anh bỏ phiếu rút khỏi Liên minh châu Âu làm tăng rủi ro cho kinh tế thế giới.
Brexit tăng rủi ro kinh tế toàn cầu. Ảnh: reuters

Sự kiện cử tri nước Anh bỏ phiếu rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit là trọng tâm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) kết thúc ngày 24/7 tại Thành Đô, Trung Quốc.

Theo đó, các Bộ trưởng tham gia hội nghị đều đồng quan điểm rằng sự kiện này làm tăng rủi ro cho kinh tế thế giới, song cho biết đã có kế hoạch để đối phó với những tác động có thể xảy ra về kinh tế và tài chính do Brexit mang lại.

Các bộ trưởng cũng hy vọng trong tương lai, Liên hiệp Vương quốc Anh sẽ là một đối tác thân cận của EU.

Về phần mình, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức Jens Weidmann cho biết chưa có dấu hiệu nền kinh tế của châu Âu bị ảnh hưởng bởi quyết định cử tri nước Anh bỏ phiếu rời khỏi EU.

Ông cũng cho biết Hội nghị G20 đồng ý rằng kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng trong năm 2016 và 2017 sau khi có kết quả từ Brexit.

Trong cùng ngày, Chủ tịch Đảng Bảo thủ Anh Patrick McLoughlin cũng cho biết cần phải kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon quy định về thủ tục nước thành viên rời khỏi Liên minh trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử sắp tới.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Anh BBC, ông McLoughlin cho biết Brexit đồng nghĩa với việc nước Anh bây giờ cần phải kiểm soát đường biên giới và giảm số lượng người nhập cư.

Trong một diễn biến trước đó, trong báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới" mới nhất công bố ngày 19/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết sự kiện cử tri nước Anh bỏ phiếu rút khỏi EU đã “ngáng đường” dự báo của định chế tài chính này về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Cụ thể, IMF dự báo nền kinh tế thế giới trong năm 2016 và năm 2017 sẽ tăng trưởng lần lượt 3,1% và 3,4%, giảm 0,1% cho mỗi năm so với dự đoán hồi tháng 4/2016 vừa qua.

IMF nhận định bất chấp sự cải thiện gần đây tại Nhật Bản và châu Âu cùng sự phục hồi phần nào của giá cả hàng hóa, nền kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với sự bất ổn sau khi kịch bản Brexit xảy ra, phủ bóng đen lên bầu trời nước Anh và toàn bộ Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Theo thể chế tài chính này, tình trạng bất ổn vẫn đang tiếp diễn có thể gây áp lực lên tiêu dùng và đặc biệt là hoạt động đầu tư.

Theo IMF, Anh sẽ là nước bị ảnh hưởng tồi tệ nhất trong số các nền kinh tế phát triển.

IMF cho rằng "cơn địa chấn" Brexit sẽ tác động mạnh đến bản thân nước Anh với tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến chỉ đạt 1,7% trong năm 2016 và 1,3% trong năm 2017, giảm lần lượt 0,2% và 0,9% so với dự báo trước đó.

IMF cũng nhấn mạnh những căng thẳng Brexit có thể gây ra trong hệ thống ngân hàng châu Âu, đặc biệt là ở Italy (I-ta-li-a) và Bồ Đào Nha.

“Brexit là chỉ dấu cho một sự gia tăng đáng kể tình trạng bất ổn kinh tế, chính trị và thể chế, dự kiến sẽ có những hậu quả kinh tế vĩ mô tiêu cực, đặc biệt ở các nền kinh tế phát triển ở châu Âu.”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục