Bưởi thanh trà rớt giá

06:45' - 26/08/2020
BNEWS Từ giữa tháng 8 đến nay, đặc sản bưởi thanh trà của Thừa Thiên - Huế gặp khó khăn về đầu, rớt giá khiến nhiều chủ vườn lo lắng.
Từ giữa tháng 8 đến nay, đặc sản bưởi thanh trà - được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận thương hiệu sản phẩm với tên gọi “Thanh trà Huế”, đã bước vào mùa thu hoạch chính. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đầu ra sản phẩm gặp khó khăn nên nhiều chủ vườn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế lo lắng vì mức tiêu thụ và giá cả thanh trà thấp hơn mọi năm.

Những ngày này, nông dân tại phường Thủy Biều, thành phố Huế - thủ phủ bưởi thanh trà của xứ Huế đã bắt đầu thu hoạch. Gia đình ông Lê Văn Nhân, phường Thủy Biều có hơn 5.000 m2 trồng cây bưởi thanh trà. Thời điểm này những năm trước, gia đình ông đã thu hoạch và xuất bán từ 50 - 60% diện tích, nhưng năm nay ông mới chỉ thu hoạch được khoảng 20%.

Ông Lê Văn Nhân cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên mức tiêu thụ cho đến giá cả bưởi thanh trà thấp hơn các năm trước. Hiện nay, gia đình chủ yếu bán bưởi thanh trà cho các thương lái mang đi các chợ đầu mối và tiêu thụ trong tỉnh. Mọi năm, bưởi thanh trà có giá bàn từ 40.000 - 45.000 đồng/kg nhưng năm nay chỉ bán được 30.000 - 35.000 đồng/kg. Hiện, người trồng mong dịch COVID-19 nhanh chóng được khống chế, để việc đi lại, buôn bán được thuận lợi thì thanh trà sẽ được giá hơn.

Toàn phường Thủy Biều, thành phố Huế có 154 ha bưởi thanh trà của hơn 800 hộ dân; trong đó, diện tích cho thu hoạch 147 ha. Sản lượng thu hoạch hàng năm khoảng 800 tấn. Ông Võ Trần Tuấn Hưng, Chủ tịch Hội nông dân phường Thủy Biều, thành phố Huế cho biết, bưởi thanh trà là cây trồng chủ lực của phường Thủy Biều, nếu so với các loại cây ăn trái khác thì bưởi thanh trà cho giá trị kinh tế cao gấp 5-7 lần.

Hiện, 1 ha bưởi thanh trà cho thu hoạch từ 250 - 400 triệu đồng; tính riêng năm 2019, thu nhập từ cây bưởi thanh trà tại địa phương chiếm khoảng 32 tỷ đồng.

Tuy nhiên, năm 2020, do dịch bệnh COVID-19 nên phần nào ảnh hưởng đến việu tiêu thụ sản phẩm của bà con. Các thị trường truyền thống như: Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Bình và một số tỉnh phía Bắc tình hình tiệu thụ sản phẩm cũng không mạnh như mọi năm; thêm một phần do thương lái ép giá nên bưởi thanh trà rớt giá khiến bà con nông dân trên địa bàn phường lo lắng.

Hiện, chính quyền địa phương cùng các ban ngành đang vào cuộc để giới thiệu, quảng bá và thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm con bà con trong mùa thu hoạch bưởi thanh trà này.

Bưởi thanh trà - loại quả đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên - Huế được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận thương hiệu sản phẩm với tên gọi “Thanh trà Huế” vào năm 2008. Đặc biệt, năm 2014, "Thanh trà Huế" đã lọt top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam, là một trong 5 đặc sản Thừa Thiên - Huế xác lập kỷ lục châu Á.

Thống kê, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có khoảng 1.000 ha bưởi thanh trà, được trồng tập trung những vùng phù sa, ven sông như các vùng Thủy Biều, thành phố Huế; xã Phong Thu, huyện Phong Điền; phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy...

Để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững thương hiệu "Thanh trà Huế", Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu bưởi thanh trà đến năm 2025. Theo đó, các địa phương trong vùng tập trung ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây bưởi thanh trà, thay đổi nhận thức và kỹ thuật sản xuất cho người nông dân nhằm hướng đến nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất…

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tăng cường đào tạo, tập huấn cho những hộ nông dân trồng bưởi thanh trà, nhằm nâng cao trình độ về kỹ thuật thâm canh bền vững cây bưởi thanh trà có áp dụng công nghệ cao, các giải pháp kỹ thuật tiên tiến để cải tạo, chăm sóc theo hướng VietGAP, phòng trừ sinh vật gây hại trên vườn cây bưởi thanh trà./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục