Các công cụ của Thụy Sỹ để ứng phó với đại dịch COVID-19 (Phần 1)

05:30' - 19/04/2020
BNEWS Thụy Sỹ tuy có có những công cụ để giảm thiểu thiệt hại kinh tế và xã hội, song cũng có những yếu tố có thể gây nguy hiểm cho triển vọng phục hồi kinh tế.
Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Geneva, Thụy Sỹ. 

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện nay sẽ khiến nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, ít nhất là trong nửa đầu năm 2020. Theo Swissinfo, đại dịch đã làm thay đổi căn bản triển vọng kinh tế của Thụy Sỹ với khả năng suy thoái là không thể tránh khỏi.

* Viện trợ khẩn cấp

Khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 10 tỷ franc Thụy Sỹ (CHF) (10,3 tỷ USD) do Chính phủ Thụy Sỹ công bố vào ngày 13/3 đã tăng lên 40 tỷ CHF vào ngày 20/3 và sau đó lên 60 tỷ CHF vào ngày 3/4.

Với số tiền này, dù chưa phải con số cuối cùng, chính phủ dự định sẽ thực hiện các biện pháp ngăn chặn hậu quả kinh tế và xã hội của đại dịch COVID-19 gây ra. Đặc biệt, chính phủ giúp cung cấp thanh khoản cho các công ty, ngăn chặn sự sa thải càng nhiều càng tốt và bù đắp cho việc mất thu nhập của người lao động.

Đây là gói viện trợ lớn nhất từng được Chính phủ Thụy Sỹ đưa ra. Con số 60 tỷ CHF được lên kế hoạch cho đến nay tương ứng với những gì chính phủ chi trong một năm (71 tỷ CHF năm 2019) và là 8,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nhưng có lẽ gói viện trợ sẽ là không đủ để đối phó với những hậu quả kinh tế của đại dịch.

Theo các ước tính khác nhau, nền kinh tế Thụy Sỹ đang mất 4-5 tỷ CHF mỗi tuần, con số này có khả năng tăng đáng kể nếu tình trạng hiện tại tiếp diễn và nhiều công ty đóng cửa.

Thụy Sỹ đã vượt qua cuộc khủng hoảng năm 2008 tốt hơn nhiều nước châu Âu khác, mặc dù cuộc khủng hoảng đã trực tiếp đánh vào một trong những trụ cột của nền kinh tế, đó là lĩnh vực ngân hàng. Có ít nhất ba điểm mạnh để đối phó với thách thức lịch sử này, nhưng cũng có nhiều điểm yếu.

* Nợ công vừa phải

Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) - cung cấp 85% sản lượng kinh tế toàn cầu - thông báo sẽ dành 5.000 tỷ USD để giảm thiểu thiệt hại kinh tế và xã hội của đại dịch, thúc đẩy tăng trưởng và duy trì sự ổn định của thị trường.

Một số chính phủ có ý định bơm một lượng tiền khổng lồ vào nền kinh tế của họ. Những đóng góp này rất cần thiết để đối phó với tình trạng khẩn cấp hiện nay, nhưng sẽ gây thêm gánh nặng cho khoản nợ công ngày càng không bền vững đối với nhiều quốc gia.

Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), năm 2018 nợ công của Nhật Bản ở mức tương đương 240% GDP, Italy (147%), Mỹ (136%), Pháp (122%), Anh (117%) và Tây Ban Nha (115%). Tại Thụy Sỹ, nợ công chỉ chiếm 27% GDP.

Tỷ lệ thấp trên là nhờ cơ chế hãm nợ được chính phủ đưa ra từ năm 2003 nhằm ngăn chặn sự mất cân đối tài chính và chấm dứt tình trạng thâm hụt dai dẳng từ những năm 1990. Kể từ năm 2006, các tài khoản của chính phủ hầu như được kiểm soát một cách có hệ thống và được sử dụng để giảm nợ.

Cơ chế hãm nợ cũng đã được các bang áp dụng, giờ đây mang lại cho Thụy Sỹ khả năng về tài chính để giảm bớt hậu quả của suy thoái kinh tế không thể tránh khỏi.

* Bồi thường giảm thời gian làm việc

Một công cụ quan trọng khác để giảm bớt hậu quả kinh tế và xã hội của đại dịch là bồi thường cho việc giảm thời gian làm việc, được thiết lập để đối phó với sự suy giảm tạm thời trong các hoạt động kinh doanh và bảo vệ việc làm. Trong thời kỳ khủng hoảng, các công ty có thể giảm giờ làm việc trong một khoảng thời gian nhất định và sử dụng khoản bồi thường này để trang trải một phần tiền lương.

Nhờ vậy, các nhà tuyển dụng giữ được những nhân viên đã được đào tạo, những người có thể nhanh chóng tiếp tục trở lại làm việc khi các hoạt động kinh tế phục hồi. Về phần mình, người lao động không bị rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp mà vẫn có được sự bảo trợ xã hội. Tại Mỹ trong 3 tuần qua, khoảng 10 triệu công nhân ở Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.

Bồi thường giảm bớt thời gian làm việc đã được trả cho hàng ngàn công ty trong các cuộc khủng hoảng gần đây, nhưng chưa bao giờ con số cao như cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện tại. Kể từ giữa tháng 3/2020, các khoản trợ cấp đã được yêu cầu để hỗ trợ cho khoảng 1,3 triệu nhân viên - 1/4 lực lượng lao động tại Thụy Sỹ./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục