Các nền kinh tế mới nổi châu Á “khát” than đá giá rẻ

06:30' - 16/01/2020
BNEWS Theo tờ Nikkei Asia Review, nhu cầu đối với than đá chất lượng thấp đang gia tăng cùng với đà tăng trưởng kinh tế ở các nền kinh tế mới nổi ở châu Á.
Đốt lò tổ máy 2 Nhiệt điện Duyên Hải 1. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Điều này đang đặt ra một thách thức mới đối với các nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Giá than đá chất lượng cao với hiệu suất phát điện cao  đã giảm hơn 30% trong năm ngoái trong bối cảnh các nước phát triển đã giảm tiêu thụ than đá, trong khi giá than chất lượng thấp có tốc độ giảm chậm hơn. Sự chênh lệch về giá giữa hai loại than đá này đã giảm 1/3 trong năm ngoái.

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng than đá làm gia tăng hiện tượng Trái Đất ấm lên, sự khác biệt về quan điểm đối với việc sử dụng than đá giữa các nước phát triển và các nước mới nổi càng trở nên rõ rệt hơn.

Trong số các loại than đá sản xuất ở Australia (giá than đá ở Australia được coi là giá tham chiếu của châu Á), loại than đá có chất lượng cao với nhiệt lượng 6.000 kcal/kg hiện được giao dịch ở mức giá 65 USD/tấn, giảm 34% so với tháng 12 năm ngoái. 

Sự giảm giá này phản ánh nhu cầu đang suy giảm đối với loại than được sử dụng để phát điện này. Tại Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc), hai trong số các thị trường chủ chốt đối với loại than đá chất lượng cao, xu hướng chuyển từ than đá sang các loại năng lượng tái tạo và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đang diễn ra cùng với sự gia tăng nhận thức về vấn đề môi trường.

Trong khi đó, giá than đá với nhiệt lượng khoảng 5.500 kcal/kg hiện là 50 USD/tấn, chỉ giảm 15% so với năm ngoái. Những khách hàng chủ chốt của loại than đá chất lượng thấp hơn này chủ yếu là các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Việt Nam.

Sự giảm giá của các loại than có chất lượng thấp lại thấp hơn so với than đá có chất lượng cao hơn mặc dù nhu cầu trên thị trường than đá đang suy giảm trước những quan ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu và sự giảm giá của các loại nhiên liệu thay thế khác. 

Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu than đá chất lượng thấp đang gia tăng ở các nền kinh tế mới nổi. Tại Việt Nam, nơi có nhiều nhà máy do các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản và nhiều nước khác, nhiều nhà máy nhiệt điện đang được xây dựng để đáp ứng nhu cầu điện năng đang gia tăng. Ước tính trong năm 2019, Việt Nam nhập khẩu khoảng 32 triệu tấn than đá, tăng gấp 2 lần so với năm 2018 và 3 lần so với 3 năm trước đó. 

Tại Đông Nam Á và Ấn Độ, nhiệt điện chạy than với chi phí phát điện tương đối thấp đã trở thành nguồn cung cấp điện chính và nhu cầu than đá có giá thành rẻ hơn đang gia tăng. Tuy nhiên, nguồn cung loại than chất lượng thấp này lại không gia tăng cùng với sự gia tăng về nhu cầu, bởi vì giá than, vốn vẫn đứng ở mức thấp trong thời gian dài, đang tác động tiêu cực tới lợi nhuận của các công ty khai thác.

Một quan chức phụ trách mặt hàng than đá tại Idemitsu Kosan - doanh nghiệp Nhật Bản đang quan tâm tới lĩnh vực khai thác than đá ở Australia và những quốc gia khác - nói: “Các công ty nguyên liệu đang gia tăng tỷ trọng than đá chất lượng cao trong cơ cấu sản phẩm của mình, bởi chúng có giá bán cao hơn và nhờ vậy, họ có thể hạn chế sự suy giảm của lợi nhuận khi mà thị trường vẫn yếu”.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu than đá toàn cầu sẽ tăng xấp xỉ 1% trong giai đoạn 2017-2030, lên khoảng 5,4 tỷ tấn. Mặc dù nhu cầu than đá tại Nhật Bản và Mỹ cũng như châu Âu, châu lục đang tích cực giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, dự báo giảm, nhưng nhu cầu đối với loại nhiên liệu này ở Đông Nam Á và Ấn Độ có thể sẽ tăng ở  mức 2 con số.

Một quan chức của Tập đoàn Dầu khí và Kim loại Quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) cho biết, các khu vực sản xuất than đá chất lượng thấp chủ chốt gồm Indonesia, Mỹ và một số quốc gia khác, do vậy “những quốc gia tiêu thụ có thể mua loại than đá này từ nhiều khu vực khác nhau”. Tuy nhiên, loại than đá chất lượng thấp được cho là sẽ thải ra một lượng khí gây hiệu ứng nhà kính cao hơn trên một đơn vị nhiệt lượng sử dụng, do hiệu năng phát nhiệt của chúng thấp hơn.

Với việc Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ có hiệu lực trong năm 2020, sự chỉ trích đối với việc sử dụng than đá sẽ gia tăng. Các công ty điện lực Nhật Bản cũng đang sử dụng loại than chất lượng thấp rẻ tiền. Họ sẽ phải đưa ra các công nghệ để giảm tác động của than đá tới môi trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục