Các nhà máy lọc dầu châu Á lo ngại lợi nhuận sau khi OPEC+ hoãn họp

21:05' - 06/07/2021
BNEWS Những khách hàng mua dầu thô ở châu Á lo ngại việc OPEC và nhóm OPEC+ bất ngờ hủy bỏ họp thảo luận về chính sách sản lượng có thể khiến giá dầu tăng cao hơn nữa, tổn hại đến biên lợi nhuận của họ.

 

Những khách hàng mua dầu thô ở châu Á đang lo ngại rằng việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn khác (nhóm OPEC+) bất ngờ hủy bỏ cuộc họp thảo luận về chính sách sản lượng có thể khiến giá dầu tăng cao hơn nữa, từ đó làm tổn hại đến biên lợi nhuận của họ.
Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) đã phản đối gay gắt một thỏa thuận tăng dần sản lượng vào tháng Tám tới được OPEC đề xuất, từ đó gây ra sự bế tắc có thể cản trở những nỗ lực nhằm hạn chế đà tăng của giá dầu trước sự phục hồi còn yếu ớt của nền kinh tế thế giới sau đại dịch.
Sau quyết định ngừng các cuộc đàm phán của OPEC+, giá dầu Brent Biển Bắc đã tăng lên trên ngưỡng 77 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2018, vào ngày 5/7. Hiện OPEC+ vẫn chưa ấn định ngày họp mới.
Giám đốc của một công ty kinh doanh dầu thô tại Singapore (Xin-ga-po) cho hay diễn biến trên sẽ có tác động tiêu cực ngắn hạn đến các nhà máy lọc dầu Trung Quốc. Vì biên lợi nhuận của những nhà máy này sẽ bị thu hẹp do giá nhiên liệu trong nước thường xuyên tăng chậm hơn thị trường quốc tế.
Điều đó có thể buộc các nhà máy lọc dầu Trung Quốc phải cắt giảm các đợt vận hành, song sẽ giúp nâng biên lợi nhuận một lần nữa và thúc đẩy hoạt động mua dầu thô của họ.
Tuy nhiên, các khách hàng mua dầu ở châu Á vẫn lạc quan rằng những căng thẳng giữa các thành viên OPEC+ sẽ chỉ mang tính tạm thời.
Hiện tại, thị trường dầu thô vật chất của châu Á vẫn có đủ nguồn cung ngay cả khi nhu cầu nhiên liệu toàn cầu dần hồi phục sau đại dịch COVID-19. Châu Á là khu vực tiêu thụ dầu nhiều nhất toàn cầu, chiếm khoảng 37% lượng sử dụng loại nhiên liệu này trên thế giới.
Trong khi đó, nguồn tin từ một công ty lọc dầu Nhật Bản cho biết tác động ngắn hạn của sự kiện trên lên thị trường dầu châu Á sẽ chỉ ở mức nhẹ, ngay cả khi OPEC+ đồng ý tăng sản lượng. Vì mức tăng sản lượng đề xuất dường như chỉ ở mức 400.000 thùng/ngày.
Hiện các khách hàng đang chờ Saudi Arabia công bố giá bán chính thức (OSP), vốn ấn định giá của phần lớn lượng dầu thô Trung Đông bán sang châu Á để đánh giá xu hướng của thị trường dầu.
Thường OSP sẽ được công bố vào ngày 5 mỗi tháng, song lần này Saudi Arabia đã trì hoãn cho đến sau cuộc họp OPEC+.
OSP của Saudi Arabia định hình xu hướng cho giá dầu của Iran, Kuwait và Iraq, ảnh hưởng đến hơn 12 triệu thùng dầu thô được chuyển tới châu Á mỗi này.
Nguồn tin tại một nhà máy lọc dầu ở Bắc Á cho biết việc Saudi Arabia vẫn chưa công bố OSP có thể đồng nghĩa vương quốc Vùng Vịnh này vẫn đang nỗ lực đàm phán với UAE. Saudi Arabia thường đợi cho đến khi thị trường rõ ràng trước khi công bố OSP của mình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục