Các thị trường mới nổi phục hồi đáng kinh ngạc

05:30' - 17/11/2023
BNEWS Bất chấp những thách thức do lãi suất tăng cao và đồng đô la Mỹ lên giá, các nền kinh tế mới nổi lớn đến nay vẫn có thể tránh được bẫy nợ quá mức, đặc biệt bằng cách tích lũy dự trữ ngoại hối đáng kể.

 

Bình luận về khả năng chống chọi với những biến động kinh tế toàn cầu hiện nay, nhật báo Les Echos dẫn nhận định của chuyên gia kinh tế Kenneth Rogoff, Giáo sư kinh tế và khoa học chính trị tại Harvard. Chuyên gia này cho rằng bất chấp những thách thức do lãi suất tăng cao và đồng đô la Mỹ lên giá, các nền kinh tế mới nổi lớn đến nay vẫn có thể tránh được bẫy nợ quá mức, đặc biệt bằng cách tích lũy dự trữ ngoại hối đáng kể.

Khi các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương tập trung tại Marrakech (Morocco) để tham dự cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới từ ngày 9-15/10, thế giới phải đối mặt với cảnh "họa vô đơn chí".

Sự kết hợp bất thường của các thảm họa kinh tế và địa chính trị, bao gồm xung đột ở UkraineTrung Đông, làn sóng vỡ nợ ở các nền kinh tế có thu nhập thấp, lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc rơi vào tình cảnh khó khăn và sự gia tăng lãi suất liên tục và dài hạn trên toàn cầu... đang gây ra những bối rối.

Tuy nhiên, điều khiến các nhà phân tích dày dạn kinh nghiệm ngạc nhiên nhất là thảm họa dự kiến đã không xảy ra, hoặc ít nhất là chưa xảy ra. Đó là nguy cơ khủng hoảng nợ ở các thị trường mới nổi. Theo báo cáo của IMF và so sánh mức chênh lệch lãi suất giữa các quốc gia, bất chấp những thách thức do lãi suất tăng vọt và sự tăng giá mạnh của đồng USD, dường như không có thị trường mới nổi lớn nào (Mexico, Brazil, Indonesia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ…) rơi vào tình trạng khó khăn do nợ nần.

Kết quả này khiến các chuyên gia kinh tế bối rối. Từ khi nào những quốc gia luôn nổi tiếng với hàng loạt nợ xấu đã trở thành “pháo đài” cho khả năng phục hồi kinh tế? Liệu đây có phải là khoảng khắc bình yên trước cơn bão? Theo lý giải của chuyên gia kinh tế Kenneth Rogoff, có một số yếu tố làm giảm bớt sự lo lắng này.

Trước hết, mặc dù chính sách tiền tệ ở Mỹ rất chặt chẽ nhưng chính sách tài khóa vẫn cực kỳ linh hoạt. Mỹ dự kiến ghi nhận thâm hụt 1.700 tỷ USD vào năm 2023, so với khoảng 1.400 tỷ USD vào năm 2022. Nếu loại trừ các thủ thuật kế toán liên quan đến chương trình xóa nợ cho sinh viên của Tổng thống Joe Biden, thâm hụt liên bang năm 2023 thậm chí sẽ vào khoảng 2.000 tỷ USD.

Thâm hụt của Trung Quốc cũng tăng vọt. Tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua và IMF dự đoán tỷ lệ này sẽ vượt ngưỡng 100% vào năm 2027. Hiện nay, chính sách tiền tệ ở cả Nhật Bản và Trung Quốc vẫn rất linh hoạt.

 

 

 

Bản thân các nhà hoạch định chính sách ở các thị trường mới nổi cũng xứng đáng nhận được sự khen ngợi. Đặc biệt, họ đã khôn ngoan bỏ qua những lời kêu gọi về một "sự đồng thuận Buenos Aires" mới liên quan đến chính sách kinh tế vĩ mô. Thay vào đó, họ áp dụng các chính sách thận trọng hơn nhiều do IMF ủng hộ trong hai thập kỷ qua. Điều này dẫn đến sự đồng thuận của Mỹ.

Một sự đổi mới đáng chú ý nữa đó là việc tích lũy dự trữ ngoại hối lớn để tránh khủng hoảng thanh khoản trong một thế giới được thống trị bởi đồng đô la. Dự trữ của Ấn Độ lên tới 600 tỷ USD, của Brazil là 300 tỷ USD và của Nam Phi là 50 tỷ USD. Trên hết, các công ty và chính phủ ở các thị trường mới nổi đã tận dụng mức lãi suất rất thấp đến năm 2021 để kéo dài thời hạn trả nợ, từ đó giúp họ có thời gian thích ứng với các quy định mới về lãi suất cao.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất dẫn đến khả năng phục hồi tốt của các thị trường mới nổi là tính độc lập ngày càng tăng của ngân hàng trung ương. Từng ít được biết đến trước kia, khái niệm này đang ngày càng được chú trọng và đã trở thành tiêu chuẩn toàn cầu, cho phép các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi khẳng định quyền tự chủ.

Nhiều ngân hàng trung ương của các thị trường mới nổi đã chủ động tăng lãi suất cơ bản của họ trước các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế tiên tiến. Do đó, họ đã đi trước thay vì tụt lại phía sau. Các nhà hoạch định chính sách cũng đã đưa ra các quy định mới nhằm giảm sự chênh lệch về tiền tệ.

Ví dụ, họ có thể yêu cầu các ngân hàng đối chiếu tài sản và nợ phải trả bằng đồng đô la để đảm bảo rằng việc đồng bạc xanh tăng giá đột ngột không ảnh hưởng đến tính bền vững của khoản nợ của họ. Các công ty và ngân hàng đều phải đáp ứng các yêu cầu báo cáo chặt chẽ hơn nhiều về trạng thái vay quốc tế của họ, cho phép các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ hơn về những rủi ro tiềm ẩn.

Hơn nữa, các thị trường mới nổi chưa bao giờ chấp nhận ý tưởng rằng nợ là vô hại. Điều này được đề cập nhiều trong các cuộc tranh luận về chính sách kinh tế ở Mỹ, kể cả trong giới học thuật - những người cho rằng việc tài trợ cho khoản thâm hụt kéo dài là không tốn kém, bởi vì tình trạng trì trệ kéo dài không phải là kết quả của sự phân tích nghiêm túc mà là một biểu hiện của suy nghĩ viển vông.

Cũng có một số trường hợp ngoại lệ cho xu hướng này. Ví dụ, Argentina và Venezuela đã từ chối hướng dẫn của IMF về chính sách kinh tế vĩ mô. Mặc dù hành động này nhận được một số ý kiến đánh giá cao ở những nền kinh tế phát triển song kết quả lại rất nghiêm trọng. Argentina trở thành một quốc gia tụt hậu, đang phải vật lộn với lạm phát phi mã vượt quá 100%.

Venezuela đã trải qua sự sụp đổ lớn nhất về sản xuất trong lịch sử hiện đại. Rõ ràng, Đồng thuận Buenos Aires đã "chết" ngay khi mới xuất hiện.

Tất nhiên, không phải tất cả các quốc gia phớt lờ chủ nghĩa bảo thủ trong quản lý kinh tế vĩ mô đều sụp đổ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã giữ lãi suất ở mức thấp bất chấp lạm phát tăng vọt, sa thải tất cả các lãnh đạo ngân hàng trung ương ủng hộ việc tăng lãi suất.

Ngay cả khi lạm phát lên tới gần 100% và xuất hiện những dự đoán rộng rãi về một cuộc khủng hoảng tài chính sắp xảy ra, tốc độ tăng trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mạnh mẽ. Mặc dù điều này cho thấy mọi quy tắc đều có ngoại lệ, nhưng những bất thường như vậy khó có thể kéo dài vô tận.

Liệu các thị trường mới nổi có trụ vững được không nếu lãi suất toàn cầu vẫn ở mức cao liên tục, do chi tiêu quốc phòng tăng, quá trình chuyển đổi xanh tốn kém, chủ nghĩa dân túy phát triển, mức nợ ngày càng trầm trọng và mất cân bằng toàn cầu hóa?

Theo Giáo sư kinh tế Kenneth Rogoff, điều này khó có thể chắc chắn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục