Cần bổ sung thêm chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp

19:06' - 22/08/2019
BNEWS Trung ương cần bổ sung thêm các cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển ngành lâm nghiệp; đặc biệt là cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù cho vùng Tây Nguyên.
Chăm sóc, bảo vệ rừng trồng tại hộ gia đình ông Tạ Quang Đồng, thôn Khe Đồng, xã Đại Linh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Ngày 22/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Đắk Lắk tổ chức Hội thảo “Tăng cường thực thi pháp luật quản lý bảo vệ rừng và lâm sản ở Tây Nguyên”.

Hội thảo nhằm mục tiêu tăng cường năng lực, sự phối hợp giữa các bên liên quan và thúc đẩy để Quyết định 297/QĐ – TTg cũng như các văn bản liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản trên địa bàn sớm được thực thi có hiệu quả trong thực tế.

Đối với vùng Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 297/QĐ – TTg ngày 13/3/2019 phê duyệt Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 -2030.  

Mục tiêu của Đề án nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng. Đến năm 2030, diện tích rừng của vùng đạt khoảng 2,72 triệu ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,2%; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp dịch vụ môi trường rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của khu vực Tây Nguyên.

Theo Tiến sỹ Lã Nguyên Khang, Viện trưởng Viện Tài nguyên rừng và Môi trường rừng (Đại học Lâm nghiệp Xuân Mai), Đề án đã phản ánh được thực trạng tài nguyên rừng, sự cấp bách phải bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng, đánh giá những nguyên nhân chủ yếu làm mất rừng và suy thoái chất lượng rừng tự nhiên vùng Tây Nguyên. Việc triển khai thực hiện đề án sẽ phát triển lâm nghiệp đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, khôi phục, phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng ở khu vực Tây Nguyên.

Theo đại diện Chi cục Kiểm lâm vùng IV, khu vực Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum) có 3,081 triệu ha quy hoạch đất lâm nghiệp; trong đó đất có rừng là hơn 2,55 triệu ha, độ che phủ rừng bình quân là 46,19%.

Đây là khu vực có diện tích rừng lớn nhất cả nước, chiếm 17,65%  nên có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển kinh tế lâm nghiệp nói riêng. Do vậy, vấn đề bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết hiện nay.

Trong thời gian qua, việc bảo vệ rừng và thực thi pháp luật về lâm nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, so với các khu vực khác và trong phạm vi cả nước, số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp vẫn còn cao, chiếm khoảng hơn 50% so số vụ với cả nước; diện tích rừng bị thiệt hại cao, chiếm khoảng 60% so với cả nước.

Tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp tuy có giảm nhưng còn diễn biến phức tạp, còn để xảy ra nhiều vụ có tính chất nghiêm trọng. Nguy cơ xảy ra cháy rừng, phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật  cao hơn so với các vùng khác trong cả nước.

Để thực thi pháp luật quản lý bảo vệ rừng và lâm sản có hiệu quả ở khu vực Tây Nguyên, theo ông Hà Công Tài, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Vùng IV, các tỉnh Tây Nguyên cần xem xét, bổ sung biên chế cho lực lượng kiểm lâm tại các địa phương đảm bảo đủ số lượng, chất lượng theo quy định để tham mưu, thực hiện công tác lâm nghiệp và thực thi công vụ hiệu quả hơn.

Ông Hà Công Tài cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương sớm hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đảm bảo tính đồng bộ phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, hoạch định các chính sách phát triển ngành và kinh tế, xã hội.

Trung ương cần bổ sung thêm các cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển ngành lâm nghiệp; đặc biệt là cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù cho vùng Tây Nguyên theo hướng khyến khích hình thành hệ thống quản lý rừng cộng đồng, trên cơ sở giao rừng gắn với giao đất cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư; cho phép sử dụng hợp lý một phần đất lâm nghiệp không có rừng để bố trí đất sản xuất cho người dân, góp phần ổn định đời sống gắn với bảo vệ và phát triển rừng lâu dài; xã hội hóa đầu tư hình thành vùng lâm sản ngoài gỗ.

Sau một ngày làm việc, các diễn giả đã cung cấp thông tin về Đề án khôi phục, bảo vệ và phát triển bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 -2030, cập nhật những chính sách về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học, quản lý, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, các chủ rừng ở khu vực Tây Nguyên... đã tập trung thảo luận đưa ra các sáng kiến và kinh nghiệm trong quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản tại địa phương; sự tham gia, phối kết hợp giữa lực lượng kiểm lâm, chính quyền, cộng đồng... trong xây dựng và thực thi kế hoạch quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản để xây dựng kế hoạch, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Đề án./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục