Cần Thơ tính cách đẩy mạnh xúc tiến đầu tư – thương mại

20:48' - 10/10/2019
BNEWS Cần Thơ rất cần sự hỗ trợ từ phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đặc biệt là các cơ quan làm công tác xúc tiến tại nước ngoài để giúp thành phố kêu gọi nguồn lực, nguồn vốn đầu tư quốc tế được hiệu quả hơn.
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hồng Giang - TTXVN

Ngày 10/10, UBND thành phố Cần Thơ có buổi làm việc với Đoàn cán bộ đại diện xúc tiến đầu tư tại nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bàn về các kế hoạch hỗ trợ của Bộ giúp thành phố Cần Thơ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư – thương mại với các thị trường quốc tế trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh chia sẻ, kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Cần Thơ đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện các đề án, chương trình, dự án đầu tư, kêu gọi đầu tư để tăng cường cơ sở hạ tầng, từng bước nâng cao chất lượng và mở rộng các khu đô thị hiện hữu, xây dựng khu đô thị mới.

Qua đó, bộ mặt đô thị của thành phố đã “thay da đổi thịt”, ngày càng văn minh, hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Đây chính là thước đo cho quá trình phát triển của thành phố.

Cụ thể, từ năm 2004 đến nay, phát triển của Cần Thơ luôn duy trì ở mức khá, GDP giai đoạn 2004 – 2014 tăng bình quân 14,15%/năm, GRDP trong giai đoạn 2015-2018 tăng bình quân 7,56%/năm; đóng góp đáng kể vào việc bảo đảm chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người dự kiến năm 2018 đạt 80,48 triệu đồng, tăng 8 lần so với năm 2003; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,53%…

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh cải cách hành chính đã giúp chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh của Cần Thơ thời gian qua đều nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao nhất.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Cần Thơ cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đang tạo áp lực lớn cho lãnh đạo thành phố trong thực hiện mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp vào năm 2020: mô hình tăng trưởng chưa thật sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều vào vốn; đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn chậm, chưa có dự án đầu tư sản xuất công nghiệp quy mô lớn, công nghệ hiện đại, năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp thấp hơn sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hồng Giang - TTXVN

Cùng với đó, khả năng sản xuất – xuất khẩu các mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng, công nghệ cao còn hạn chế. Việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gặp khó khăn về nguồn lực, nhất là nguồn vốn đầu tư công hạn hẹp so với nhu cầu.

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Lê Quang Mạnh nhấn mạnh, Cần Thơ rất cần sự hỗ trợ từ phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đặc biệt là các cơ quan làm công tác xúc tiến tại nước ngoài để giúp thành phố kêu gọi nguồn lực, nguồn vốn đầu tư quốc tế được hiệu quả hơn. Dịp này, thành phố Cần Thơ cũng giới thiệu với các đại biểu danh mục 54 dự án mời gọi đầu tư, tổng diện tích 4.780 ha, với nguồn vốn gần 124.000 tỉ đồng.

Các dự án tập trung vào các lĩnh vực: cơ sở hạ tầng nông nghiệp hiệu quả cao; khu công nghiệp, cụm công nghiệp; công nghệ thông tin; logistics và năng lượng; cơ sở hạ tầng văn hoá thể thao và du lịch; bất động sản… Cần Thơ hy vọng nhận được đóng góp từ các chuyên gia về giải pháp thúc đẩy thu hút đầu tư vào thành phố.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục Trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Cần Thơ có thế mạnh về hạ tầng giao thông hàng không, đường bộ, đường thủy hoàn thiện; nguồn nhân lực dồi dào, nhiều lao động trẻ, chi phí nhân công thấp, có trình độ tay nghề cao đây là môi trường tốt, phù hợp với tiêu chí hợp tác của các đối tác, doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, để thu hút mạnh các doanh nghiệp quốc tế, nhất là doanh nghiệp FDI, Cần Thơ cần quan tâm đến việc xây dựng điểm cư trú cho người nước ngoài; phát triển các dịch vụ y tế, giáo dục.... Đặc biệt, thành phố cần xúc tiến để mở thêm nhiều đường bay quốc tế đi từ Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, thúc đẩy để nhanh chóng hoàn thiện đường cao tốc Trung Lương – Cần Thơ...

Ngoài ra, Cần Thơ cần thường xuyên đẩy mạnh hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp; thực hiện cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư đến với thành phố. Đồng thời, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới...  

Trong xúc tiến đầu tư, thành phố cần tập trung nghiên cứu, cập nhật và đề xuất các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp; thường xuyên rà soát, bổ sung thông tin chi tiết cho từng dự án mời gọi đầu tư để cung cấp cho nhà đầu tư, loại bỏ những dự án không còn phù hợp với quy hoạch, không có tính khả thi và hiệu quả kinh tế - xã hội cao; tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ bằng cách đối thoại thường xuyên với các nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn nhằm phát hiện và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư; đảm bảo các dự án hoạt động có hiệu quả, đúng tiến độ; tiếp tục củng cố lòng tin của các nhà đầu tư.

Đại diện các cán bộ làm xúc tiến đầu tư tại nước ngoài có mặt tại buổi làm việc cũng khẳng định, thời gian tới, sẽ tiếp tục huy động trí tuệ tập thể, thực hiện nghiên cứu tình hình kinh tế - xã hội của nước sở tại; chủ động tìm kiếm cơ hội, tiếp xúc và vận động các nhà đầu tư của nước sở tại đầu tư vào Cần Thơ nói riêng, Việt Nam nói chung.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc thu hút, vận động các nguồn hỗ trợ phát triển phù hợp với chiến lược, quy định của từng địa phương; trở thành đầu mối hỗ trợ và cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân trong nước đầu tư tại các nước sở tại.

Các cán bộ cũng đề nghị chính quyền thành phố Cần Thơ phối hợp cùng các cơ quan xúc tiến thương mại đẩy mạnh hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài muốn tìm cơ hội hợp tác kinh doanh tại địa phương thông qua việc cung cấp thông tin; tìm hiểu môi trường, chính sách đầu tư của địa phương. Đồng thời, tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương đến với người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục