Canada đối mặt triển vọng tăng trưởng trì trệ trong hai thập kỷ tới

08:47' - 29/05/2024
BNEWS Tờ Financial Post ngày 28/5 đang bài phân tích về việc Canada có thể phải đối mặt với tình trạng trì trệ trong tăng trưởng và lạm phát cao thêm hai thập kỷ nữa.

Các nội dung của bài báo như sau: Thời gian qua đã có rất nhiều thảo luận về tình trạng tăng trưởng ảm đạm của Canada và giờ đây lại có thêm một báo cáo cảnh báo rằng quốc gia này có thể bị mắc kẹt trong đó thêm 20 năm nữa.

 

Báo cáo nghiên cứu từ công ty tài chính Omnigence của Canada cho rằng nước này đang hướng tới một “cơn lạm phát kéo dài”, trong đó họ sẽ tiếp tục phải chịu mức tăng trưởng thấp và lạm phát cao hơn.

Giám đốc Omnigence Stephen Johnston của Omnigence viết trong báo cáo trên cho rằng, Canada sẽ tiếp tục trải qua tình trạng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế theo đầu người tiếp tục trì trệ trong hai thập kỷ tới, trước khi các vấn đề có thể được giải quyết để nước này quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng như trong lịch sử.

Báo cáo còn nói rằng Canada dự kiến sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng thực tế thấp nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong 3 năm tới, mà chưa tính tới sự gia tăng dân số nhanh chóng ở nước này.

Ông Johnston lập luận rằng khi nhìn vào GDP bình quân đầu người, Canada đã trải qua tình trạng lạm phát đình trệ “khởi phát sớm” trong gần một thập kỷ. Sau nhiều năm tăng đều đặn, số liệu này đã không hề thay đổi khi tính theo đồng USD kể từ năm 2013.

Theo chuyên gia này, Canada cũng đang mất dần “vốn liếng”, với số lượng người rời khỏi đất nước nhiều hơn số người nhập cư vào hàng năm. Năng suất, một yếu tố dự báo cho tăng trưởng kinh tế, đã tụt hậu so với Mỹ kể từ năm 2014. Thị trường nhà ở của Canada cũng đang có vấn đề, với sự thiếu hụt gần 3 triệu căn nhà mà không có giải pháp rõ ràng để giải quyết.

Sự thiếu hụt này góp phần gây ra lạm phát và tình trạng chuyển nguồn vốn đang rất cần thiết ra khỏi các hoạt động hiệu quả hơn. Canada đang có tỷ lệ đầu tư vào nhà đất cao nhất trong số các nước OECD, khiến nước này phụ thuộc quá nhiều vào bất động sản để thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Ông Johnston nhận xét rằng người Canada đã chi quá nhiều vào nhà đất, sử dụng đòn bẩy quá mức để làm như vậy, với mức giá vượt xa mọi cách diễn giải hợp lý về khả năng chi trả.

Một thách thức nữa là mục tiêu Net Zero (không phát thải ròng). Mục tiêu của Canada là giảm hoặc bù đắp toàn bộ lượng khí thải của họ vào năm 2050 sẽ cần rất nhiều vốn, làm tăng chi phí năng lượng, khiến các hoạt động truyền thống phải tạm dừng hoặc dừng hẳn.

Theo một nghiên cứu của ngân hàng Bank of America, việc chuyển sang nền kinh tế xanh hơn dự kiến sẽ tạo ra tăng trưởng GDP khiêm tốn, nhưng cũng sẽ làm tăng lạm phát khoảng 2% trong thập kỷ tới. Trong 20 năm tới, danh mục đầu tư truyền thống có thể hoạt động kém hiệu quả và Omnigence cho rằng các nhà đầu tư nên cân nhắc việc thay đổi.

Báo cáo của Omnigence gợi ý rằng các nhà đầu tư nên xem xét những khoản đầu tư tài sản thực có tác dụng giảm lạm phát và các khoản đầu tư mà tăng trưởng ít liên quan đến GDP, được thúc đẩy nhiều hơn bởi nhân khẩu học già đi, tầng lớp trung lưu bị thu hẹp hoặc những khoản đầu tư nhờ xuất khẩu sang các thị trường có nền kinh tế mạnh hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục