Cảnh báo việc chậm chuyển đổi năng lượng trong ngành chip toàn cầu

14:34' - 20/04/2023
BNEWS Chưa có hãng công nghệ sản xuất chip nào ở Đông Á đưa ra cam kết khí hậu phù hợp với các khuyến nghị nhằm khống chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C.

Trong khi đó, năng lượng để chế tạo chip - vốn được lắp đặt trong mọi thiết bị và vật dụng từ ô tô điện đến tên lửa đạn đạo, được dự báo sẽ tăng vọt trong thập niên này.

 

Do đó, nếu không có cam kết tham vọng hơn đối với năng lượng sạch, hoạt động sản xuất chip sẽ đe dọa tới khí hậu. Khuyến cáo trên vừa được tổ chức Greenpeace đưa ra trong báo cáo công bố ngày 20/4.

Báo cáo của Greenpeace nêu rõ không một công ty nào trong tổng số 13 công ty về chất bán dẫn, màn hình và lắp ráp có cam kết khí hậu phù hợp với các khuyến nghị của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) nhằm khống chế đà tăng nhiệt của Trái Đất ở mức 1,5 C.

Phân tích của Greenpeace cũng đưa ra dự báo về lượng khí thải của TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) - công ty sản xuất chip hàng đầu thế giới, cũng như Samsung và SK Hynix của Hàn Quốc.

Báo cáo trên chỉ tập trung vào các công ty có hoạt động ở Đông Á - nơi chiếm hơn 33% thị phần ngành sản xuất chất bán dẫn, đồng thời nhấn mạnh tác động của các công ty hoạt động trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu đối với khí hậu thường ít được chú ý hơn so với các thương hiệu nổi tiếng như Apple, Microsoft hay Amazon.

Báo cáo nêu rõ hầu hết các nhà cung cấp trong ngành công nghiệp điện tử mà Greenpeace nghiên cứu đều đặt mục tiêu dài hạn để giảm carbon. Tuy nhiên, việc đưa ra các mốc thời gian chưa phản ánh được tham vọng cần thiết khi đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu thảm khốc. Trong khi đó, để đạt mục tiêu trung hòa phát thải cần sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Trên thực tế, tại Đông Á, các nguồn cung điện vẫn phụ thuộc nhiều vào khí đốt tự nhiên và than đá. Do đó, nếu các chính phủ hoặc công ty nhắm đến việc trung hòa khí thải carbon, thì phải cắt giảm 50% lượng khí thải vào năm 2030.

Mức tiêu thụ điện của TSMC đang trên đà tăng mạnh nhất trong số tất cả các nhà sản xuất chất bán dẫn được nghiên cứu ở Đông Á, dự báo tăng tới 267% vào năm 2030, tương đương với lượng tiêu thụ điện của khoảng 25% dân số Đài Loan. Greenpeace dự báo đến năm 2030, lượng điện tiêu thụ của TSMC chiếm hơn 80% lượng điện của các nhà sản xuất chip của hòn đảo này.

Tại Hàn Quốc, mức tiêu thụ điện của Samsung để sản xuất chip dự kiến đạt 55 terawatt/h (TWh) vào năm 2030, cao hơn lượng tiêu thụ điện của toàn bộ đất nước Singapore trong 3 năm qua. Năm 2022, Samsung cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào giữa thế kỷ này. SK Hynix cho biết họ sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt được mục tiêu sử dụng 100% điện tái tạo vào năm 2050.

Theo Greenpeace, nếu không có biến động nào xảy ra, ngành sản xuất chất bán dẫn toàn cầu có thể tiêu thụ tới 286 TWh vào năm 2030, vượt quá mức tiêu thụ điện của Australia năm 2021. Cùng lúc đó, ngành này sẽ thải ra 86 triệu tấn CO2, tương đương với tổng lượng khí thải của Bồ Đào Nha trong năm 2021.

Các chuyên gia của Greenpeace cảnh báo “Đông Á đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu” và cho biết thêm lũ lụt thảm khốc, sóng nhiệt và hạn hán trong khu vực cũng đồng thời gây ra tác động “tàn khốc” cho khu vực này.

Do đó, các nhà sản xuất điện tử, đặc biệt là các nhà sản xuất chip từng chịu ảnh hưởng của các hiện tượng khí hậu cực đoan trong những năm gần đây cần lưu ý.

Chính việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo quá chậm chạp đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu và cách thức hữu hiệu nhất để các công ty công nghệ khử carbon cho hoạt động của mình là sử dụng năng lượng tái tạo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục