“Cắt sốt” bất động sản: Mạnh tay bẻ lái để thị trường đi đúng hướng. Bài 1: “Lên đồng” vì đất!

17:07' - 01/04/2021
BNEWS Để có cái nhìn toàn cảnh về thị trường bất động sản và những giải pháp của các cơ quan chức năng, TTXVN giới thiệu chùm bài viết: “Cắt sốt” bất động sản: Mạnh tay bẻ lái để thị trường đi đúng hướng.

Hơn 3 tháng trở lại đây, thị trường bất động sản trong cả nước bỗng quay cuồng trong “cơn sốt” đất trên diện rộng. Từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, đất nền, đất ở tới biệt thự nghỉ dưỡng hay đất dự án treo, thậm chí đất "ăn theo" thông tin chưa rõ ràng về các dự án hạ tầng quan trọng như: sân bay, cao tốc, đại đô thị… đều đảo điên tăng giá.

Tình trạng "sốt ảo" diễn ra ở một số địa phương, gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án đầu tư khiến các cơ quan quản lý và chính quyền phải vào cuộc với hy vọng nhanh chóng “cắt sốt” để thị trường đi đúng hướng.

Để có cái nhìn toàn cảnh về thị trường bất động sản và những giải pháp của các cơ quan chức năng, TTXVN giới thiệu chùm bài viết: “Cắt sốt” bất động sản: Mạnh tay bẻ lái để thị trường đi đúng hướng.

Bài 1: “Lên đồng” vì đất!

“Đại dịch COVID-19 chưa biết bao giờ mới chấm dứt, giao thương, sản xuất đình đốn, lãi suất ngân hàng giảm, trong khi các đề án quy hoạch đô thị hoành tráng, các sân bay trong tương lai liên tục xuất hiện thì làm gì người dân chẳng đổ tiền vào đất”. Đó là chia sẻ của một nhà đầu tư bất động sản và phần nào lý giải nguồn cơn của "cơn sốt" đất đai đang được ví như “lên đồng” trong thời gian gần đây ở nhiều địa phương trong cả nước.

* Ven đô “dậy sóng”

Kể từ sau Tết Nguyên đán, những tuyến đường trục phía Tây Hà Nội hay vượt cầu Nhật Tân sang Đông Anh và cả khu vực Mê Linh tấp nập người xe, đặc biệt trong những ngày cuối tuần. Nhiều người trong dòng chảy đó nhanh chóng nhập vào cuộc săn lùng mua đất ven đô, tạo nên một "cơn sốt" mà các chuyên gia ví von như “lên đồng”.

Trên nhiều diễn đàn, trang mua bán bất động sản và nhóm Facebook như Mua bán nhà đất Hà Nội, Nhà đất Yên Bài - Ba Vì, Bất động sản Ba Vì - Sơn Tây - Hòa Lạc - Quốc Oai, Mua bán nhà đất Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn... dễ dàng tiếp cận hàng trăm thông tin rao bán đất nền mỗi ngày. Tuy nhiên, chính chủ vào đăng tin thì ít mà chủ yếu thông tin từ các môi giới.

 

Lần theo các thông tin quảng cáo, phóng viên nhắn tin với môi giới có tên Trang Nguyễn và xin định vị một lô đất được chào bán tại Ba Vì để đến tham khảo. Tuy nhiên, câu trả lời là hẹn gặp để đưa đi trực tiếp bởi hàng có nhiều loại, tùy thuộc mức giá và có lô vừa chào hôm nay, mai đã bán được nên cứ phải gặp mới trao đổi được...

Một cuộc hẹn chóng vánh được môi giới sắp xếp với sự tham gia của nhiều nhóm người, trong đó có khá đông người dân Thủ đô tranh thủ ngày cuối tuần đi tham khảo và tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Nhiều xe ô tô của khách về tìm kiếm cơ hội đầu tư đất trong những ngày cuối tuần. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN.

Cùng là dân văn phòng, chị Nguyễn Minh Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cởi mở chia sẻ: “Trước Tết, thị trường chứng khoán lên, tôi tranh thủ chốt được mấy mã nên quyết định rút tiền về đầu tư vào bất động sản cho chắc. Đây là chuyến đi khảo sát thứ ba và đích ngắm không chỉ ở khu vực Ba Vì mà có thể sẽ là Hòa Bình hoặc Yên Bái.

Đã xác định đầu tư thì cứ đâu hiệu quả, gia tăng được giá trị thì xuống tiền chứ không phải như mua nhà để ở và đòi hỏi đáp ứng nhiều yếu tố. Nhưng điều quan tâm nhất vẫn là tính pháp lý của giấy tờ, xem mảnh đất có rơi vào vùng quy hoạch không...”.

Câu chuyện của chị Phương cũng là mối quan tâm của nhiều nhà đầu tư thời gian qua, trong đó không ít người tự lao vào vóng xoáy của "cơn sốt" đất. Hiện tượng này một lần nữa tái diễn lại kịch bản những năm 2006 - 2007, giai đoạn thị trường chứng khoán ở thời kỳ “hoàng kim” thu hút người người lên sàn “ôm trứng” với không ít nhà đầu tư thắng đậm.

Trong số đó, nhiều nhà đầu tư đã chọn cách “ăn non” để thu tiền quay sang “ôm” bất động sản khiến cơn sóng lớn chao đảo thị trường nhà đất. Liệu câu chuyện đó có lặp lại với sự liên thông giữa hai thị trường này cũng là câu hỏi đang được đặt ra lúc này?.    

Theo khảo sát của một số công ty tư vấn bất động sản, đất ven đô Hà Nội đã tăng cao trong thời gian gần đây. Giá đất tại một số dự án khu vực Hoài Đức tăng từ 30 - 40% chỉ trong thời gian ngắn. Điển hình như dự án Hà Do Charm Villas, An Lac Symphony cùng một số dự án quanh khu vực này cũng ghi nhận mức giá mới.

Hay như dự án Sudico Nam An Khánh ngay cạnh Ha Do Charm Villas, vào tháng 10/2020 có giá bán trên thị trường khoảng 9 tỷ đồng cho căn biệt thự 210 m2 bao gồm cả tiền xây dựng thì đến đầu năm 2021, tức chỉ sau vài tháng đã thiết lập mức giá mới là 12 tỷ đồng. Tương tự, nhà liền kề tại khu A Geleximco cũng tăng mạnh từ khoảng 7,2 tỷ đồng lên 9 - 10 tỷ đồng, tùy theo vị trí.

Mặc dù thị trường nhà đất quanh khu vực phía Tây Hà Nội đang thiết lập mặt bằng giá mới, nhưng tốc độ thanh khoản vẫn cần kiểm chứng. Bởi trước đó, rất nhiều cơn sốt đất ảo tại Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì đã diễn ra khiến không ít nhà đầu tư “ăn theo” thông tin quy hoạch lâm vào cảnh “chôn vốn” tại những mảnh đất mà không biết đến bao giờ sẽ có quy hoạch như tin đồn.

Giá đất ruộng, vườn ở huyện Hoài Đức, Thạch Thất đang từ mấy trăm nghìn đồng/m2 mà nay lên tới vài triệu đồng/m2 dù hạ tầng chưa đồng bộ, xung quanh chỉ có đường Quốc lộ 32 và đường Láng - Hoà Lạc. Thậm chí giá đất tăng từng ngày, mua ngày nào biết giá ngày đó nên môi giới cũng không thể chia sẻ chính xác giá nếu khách mua không nhanh tay chốt

Một môi giới đang đợi khách đến để dẫn đi xem đất. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN.

Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam năm 2020 cho thấy, giá đất làng xã tại các khu vực như: Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức... đã bị đẩy lên mức phổ biến ở ngưỡng 25 - 30 triệu đồng/m2, tăng khoảng 50% so với năm 2019.

Cùng đó, giá đất tại khu vực phía Đông Thủ đô như: Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên... cũng có mức tăng từ 20 - 30%. Tuy nhiên, tại các khu vực này vì giá cao, tăng quá nhanh nên giao dịch thực diễn ra không nhiều, mua bán chủ yếu qua lại giữa các nhà đầu cơ. 

Anh Nguyễn Thế Nghĩa từng đầu tư đất nền Hòa Lạc từ nhiều năm trước nhận xét, mặc dù lượng người kéo đến xem đất tại khu vực này đông bất thường từ cuối năm 2020, nhưng phải tới 80% là môi giới, khách hàng có nhu cầu thật sự rất ít.

Lý giải về sự “nhiệt tình” của môi giới, chị Thu Sao - chủ một mảnh đất chia sẻ: “Tôi cũng là nhà đầu tư nên đến thời điểm này chốt được lãi là bán. Tuy nhiên, mảnh đất tôi định bán với giá thu về là 1 tỷ đồng thì môi giới đang rao cho khách 1,4 tỷ đồng”. Biết rằng môi giới cũng không dễ dàng bán chênh với mức giá đó, nhưng mức giá đang được môi giới trong trường hợp này “thổi” cũng khiến chủ đất ngỡ ngàng.

* Làng quê “náo loạn”

Không chỉ ở khu vực ven đô, nhiều vùng quê vốn bình lặng, thậm chí có phần heo hút bỗng dưng cũng lên "cơn sốt" và cả làng như “lên đồng” vì giá đất. Sân bay Téc - níc Hớn Quản (Tech Nique) được thực dân Pháp xây dựng tại huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước với mục đích làm sân bay dân sự, phục vụ phát triển các đồn điền cao su. Hiện nay, sân bay này chỉ còn sót lại một đoạn đường băng và do quân đội quản lý.

Để vừa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng vừa phát triển kinh tế, tỉnh Bình Phước đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi sân bay này thành sân bay lưỡng dụng từ quy mô khoảng 100 ha như hiện nay lên quy mô 400 - 500 ha theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP).

Sau kiến nghị của tỉnh Bình Phước, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan xem xét kiến nghị của tỉnh Bình Phước để nghiên cứu trong quá trình lập quy hoạch hệ thống cảng hàng không theo quy định của Luật Quy hoạch.

Chỉ với những thông tin chưa rõ ràng cùng hình ảnh lãnh đạo tỉnh Bình Phước đi khảo sát tại khu vực sân bay Téc - níc, giới “cò” đất đã nhanh chóng tạo nên “cơn sốt” chưa từng có ở vùng quê vốn bình yên này.

Những ngày cuối tháng 2/2021, người dân xã An Khương và Tân Lợi (huyện Hớn Quản, Bình Phước) chưa khi nào thấy trên tuyến đường liên xã lại có nhiều xe ô tô du lịch như vậy. Xe đậu kín hai bên đường và ùn tắc kéo dài hàng km.

“Không biết từ đâu, nhà đầu tư đất kéo đến đây hỏi mua hết đất từ nhà này đến nhà khác. Giá đất ở đây bình thường khoảng 1 tỷ đồng/ha thì nay nhiều "cò" đất trả giá lên đến 10 tỷ đồng, thậm chí cao hơn”, ông Điểu Thạch, một người dân địa phương cho hay.

Theo người dân địa phương, có rất nhiều người từ các nơi khác nhau tập trung ở đây, dù khu vực này cách sân bay trên dưới 10km. Đáng chú ý, giá đất tăng theo từng giờ, một mảnh đất cách vị trí cổng sân bay 1km được đẩy từ 200 triệu đồng lên đến 1 tỷ đồng. Chỉ hôm trước, hôm sau, giá đất đã tăng gấp 5 lần.

“Giá đất tại khu vực nhà báo đứng đây, trước Tết khoảng 80 - 100 triệu đồng cho mỗi mét ngang, nhưng có lúc tăng lên 300 triệu đồng mỗi mét. Đa số người mua là "cò", còn thực tế lượng người ta chốt thì không bao nhiêu”, bà Trần Thị Kim Dung, ngụ ấp 5, xã An Khương, huyện Hớn Quản cho biết.

Bình Phước không phải địa phương đầu tiên sốt đất sân bay dù dự án mới chỉ ở giai đoạn lên phương án. Trước đó, cơn sốt đất tương tự cũng xảy ra khi có tin về dự án sân bay ở Ứng Hòa, Hà Nội (trong năm 2020) hay Phan Thiết, Bình Thuận (trong năm 2019). Chỉ sau thời gian ngắn lên cơn sốt, nhiều người đã phải ôm đất khóc ròng…

>> Bài 2: Lửa bỏng tay ai?

>> Bài 3: Chính quyền vào cuộc

>> Bài cuối: Cần sự mạnh tay

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục