Chất lượng sản phẩm sẽ quyết định thành công

08:18' - 28/05/2017
BNEWS Hội nhập càng sâu, rộng với các nước trên thế giới và trong khu vực thì sức ép phải tăng năng lực cạnh tranh, đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm càng trở thành bắt buộc đối với ngành cơ khí.
Chất lượng sản phẩm sẽ quyết định thành công. Ảnh minh họa: TTXVN
Ngành cơ khí chế tạo được xem là “bệ đỡ” cho các ngành công nghiệp khác như ô tô, đóng tàu, xây dựng công trình... phát triển. Muốn đẩy nhanh công nghiệp hoá, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá các sản phẩm công nghiệp trong nước..., “bệ đỡ” này phải thật vững chắc.
Nhìn về tổng thể, ngành cơ khí vẫn là một ngành còn non trẻ so với thế giới và yếu kém về công nghệ. Hiện nay, hội nhập càng sâu, rộng với các nước trên thế giới và trong khu vực thì sức ép phải tăng năng lực cạnh tranh, đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm càng trở thành bắt buộc đối với ngành cơ khí.
Sau 15 năm phát triển, ngành cơ khí Việt Nam cũng đã có được những sản phẩm kết cấu thép, lắp máy xây dựng các công trình công nghiệp, đóng tàu và các máy nông nghiệp... có tên tuổi, hợp tác và xuất khẩu đi nước ngoài.
Tuy nhiên, sản xuất cơ khí Việt Nam hiện vẫn chỉ dừng ở mức gia công mà chưa đủ sức chế tạo các sản phẩm công nghệ cao. Đứng trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp cơ khí đã có sự chuyển biến mạnh nhờ tích cực đầu tư ứng dụng công nghệ mới để vươn lên, tạo ra các sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Ông Dương Văn Hồng, Tổng giám đốc Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng (COMA) cho hay, trong nhiều năm qua, các đơn vị thành viên đã cải tạo nâng cấp mở rộng nhà xưởng, mua sắm thêm các trang thiết bị hiện đại phục vụ thi công.
Tuy nhiên, các dự án này mới chỉ đáp ứng được nhu cầu sản xuất trước mắt mà chưa có chiến lược lâu dài để đổi mới quy trình công nghệ, áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất.
Nhận thức được tầm quan trọng của yếu tố công nghệ trong sản xuất, Tổng Công ty luôn chú trọng việc áp dụng các công nghệ mới vào lĩnh vực chế tạo kết cấu thép và thiết bị phi tiêu chuẩn, áp dụng các công nghệ hàn mới như TIG, MIG, MAG, điện xỉ...
Tổng Công ty cũng đã đầu tư mua sắm các thiết bị mới hiện đại như máy cắt CNC, các trung tâm gia công phục vụ chế tạo bi cầu giàn không gian, các loại máy hàn mới hiện đại...
Đến thời điểm hiện tại, Tổng Công ty và các đơn vị thành viên đã đủ năng lực nhà xưởng, thiết bị để tham gia vào các công trình trọng điểm quốc gia; trong đó có cả những công trình có yếu tố nước ngoài như Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 2, Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn – Thanh Hoá, kết cấu mái Bảo tàng Hà Nội, cột cốt cứng và mái Toà nhà Quốc hội. Các đối tác cũng đánh giá rất cao năng lực của COMA.
Việc làm chủ công nghệ, ứng dụng khoa học vào sản xuất, sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực, chiếm lĩnh được thị trường và khẳng định thương hiệu.
Ông Dương Văn Hồng cũng cho rằng, để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, bản thân các doanh nghiệp cần phải quan tâm đổi mới công nghệ, tư vấn thiết kế cùng với việc gia công chế tạo các sản phẩm. Đồng thời, có thể tiếp thu công nghệ mới bằng việc liên doanh liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước về lĩnh vực thiết kế, chế tạo thiết bị cơ khí; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp cơ khí trong nước để tham gia các chương trình chế tạo, tăng tỷ lệ nội địa hoá của sản phẩm.
Một doanh nghiệp khác cũng đã gặp hái được không ít thành công nhờ vào việc đổi mới công nghệ và thiết bị là Tổng Công ty Cơ điện xây dựng (Agrimeco).
Tổng Giám đốc Agrimeco Lê Văn An cho biết, trong những năm qua, nhờ vào công nghệ, Agrimeco đã vươn lên là một trong những công ty hàng đầu trong khu vực và ngang hàng với các công ty lớn trên thế giới. Đơn vị đã chủ động được hoàn toàn công nghệ trong sản xuất chế tạo tất cả các kết cấu thép cho nhà cao tầng, nhà máy nhiệt điện, sân bay, ga tàu điện, các khu công nghiệp, lọc dầu... với chất lượng tiêu chuẩn quốc tế và năng suất cao hơn hẳn trước đây.
Tổng Công ty cũng đang sản xuất, chế tạo và lắp dựng toà nhà Vietinbank Tower hoàn toàn bằng thép với giá thành thấp hơn của Hàn Quốc 3.000 tỷ đồng.
Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, khách hàng cảm nhận sự khác biệt của doanh nghiệp dựa trên cách ứng xử, các nguyên tắc kinh doanh, tính cam kết và tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp. Nhưng trên hết vẫn là chất lượng sản phẩm sẽ quyết định thành công của doanh nghiệp.
Do vậy, bản thân các doanh nghiệp cần phải liên tục nâng cao năng lực thiết kế sản phẩm, hợp tác nghiên cứu chế tạo sản phẩm phù hợp nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Theo ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Narime), Viện sẽ phối hợp mạnh hơn nữa với các doanh nghiệp để nghiên cứu sâu hơn, tiến tới làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo nhà máy nhiệt điện và các ngành khác.
Tuy nhiên, để phát triển được ngành thì vẫn phải có chính sách bảo hộ thị trường từ Nhà nước một cách có điều kiện và có thời hạn. Chẳng hạn như chỉ định thầu từ 3-5 dự án cho các ngành công nghiệp nhiệt điện, đóng giàn khoan, đóng tàu và một số nhà máy khai thác chế biến khoáng sản...
Đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, thì những thiết bị chính để đảm bảo chất lượng cao, công nghệ tiên tiến được đấu thầu quốc tế có chỉ định xuất xứ hàng hoá; còn thiết bị phụ, kết cấu thép... có khả năng chế tạo trong nước thì cần có cơ chế ưu đãi đặc biệt để tạo thuận lợi cho nhà thầu trong nước làm. Đồng thời, góp nhặt kinh nghiệm và công nghệ để tiến tới đấu thầu những dự án lớn hơn, hiện đại hơn ở trong và ngoài nước.
Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho hay, Việt Nam có xuất phát điểm thấp do ngành công nghiệp cơ khí non trẻ đi sau sự phát triển công nghiệp cơ khí thế giới vài thế kỳ. Do đó hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm chưa cao, giá trị đem lại thấp.
Ngoài ra, trong nội bộ ngành cũng có tư tưởng khép kín trong đầu tư, khép kín trong hợp tác, cạnh tranh bằng giá thấp, giành giật khách hàng khiến cho thế và lực vốn đã yếu của cộng đồng doanh nghiệp càng yếu đi.
Ông Đào Phan Long, Phó chủ tịch VAMI cho hay, vì thế Việt Nam cần phải tự lực thực hiện xây dựng công nghiệp cơ khí của đất nước. Trong đó, Nhà nước cần lựa chọn đầu tư, xây dựng, phát triển một số sản phẩm cơ khí trọng điểm đủ sức cạnh tranh quốc tế. Để từ đó, các doanh nghiệp có hướng đầu tư đổi mới sản xuất, bắt kịp khoa học công nghệ và nhu cầu thị trường toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục