Châu Âu bất đồng trong hướng giải quyết khủng hoảng di cư (Phần 2)

05:30' - 09/01/2019
BNEWS Nghĩa vụ không mang tính có đi có lại rõ ràng nhất của châu Âu là giúp đỡ người tị nạn có thể sắp có nguy cơ bị tổn hại. Đối với một số người, tị nạn ở châu Âu là cách duy nhất để đảm bảo an toàn.
Châu Âu bất đồng trong hướng giải quyết khủng hoảng di cư. Ảnh: TTXVN phát 

Nghĩa vụ không mang tính có đi có lại rõ ràng nhất của châu Âu là giúp đỡ người tị nạn có thể sắp có nguy cơ bị tổn hại. Đối với một số người, tị nạn ở châu Âu là cách duy nhất để đảm bảo sự an toàn của họ.

Tuy nhiên, hầu hết người tị nạn không ở châu Âu hay nỗ lực đến châu Âu. 85% số người tị nạn của thế giới tìm nơi trú ẩn ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Hiện có gần 3 triệu người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 1 triệu người ở Liban, và trên 650.000 người ở Jordan, so với khoảng 1 triệu người ở toàn bộ châu Âu. 

Người tị nạn không phải người di cư tự nhiên: Họ là những người lựa chọn ở lại quê nhà cho đến khi bị buộc phải di dời do khủng hoảng.

Điều họ cần không phải là sự di cư vĩnh viễn về bản chất mà là sự an toàn và trạng thái bình thường cho đến khi họ có thể về nước hoặc được chấp nhận là các công dân hữu ích ở nơi trú ẩn của họ trong khu vực hoặc ở những nơi khác.

Nếu EU có thể cho người tị nạn đủ sự hỗ trợ và các cơ hội phát triển, họ sẽ hoàn thành các nghĩa vụ đạo đức của mình và khiến hầu hết mọi người gần như không cần phải di chuyển sang châu Âu.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ và các cơ hội phát triển không thể đến dưới dạng viện trợ nhân đạo vô hạn định, mà thể hiện như là một sự bòn rút các nguồn lực của những nước giàu có và hầu như không làm được gì để có thể đưa người tị nạn vào một tình trạng bền vững, có thể tự cung tự cấp.

Thay vào đó, các cơ hội này phải giúp người tị nạn khôi phục một ý thức về quyền tự trị, cộng đồng, và phẩm giá trong các nước không thuộc châu Âu, nơi họ cư trú nhiều nhất. Điều này có nghĩa là những việc làm ở các nước tiếp nhận – một chính sách với lợi ích bổ sung là đem đến cho các nước tiếp nhận một sự khích lệ về kinh tế để duy trì mở cửa biên giới.

Cách tốt nhất để châu Âu hoàn thành các nghĩa vụ của họ đối với đại đa số người tị nạn của thế giới là mang đến cho họ việc làm ở các nước tiếp nhận, từ đó cả người tị nạn lẫn nước tiếp nhận đều có lợi.

Có rất nhiều ví dụ về các chính sách tiến bộ để dung nạp người tị nạn ở các nước đang phát triển vào nền kinh tế. Năm 2016, được hỗ trợ bởi những sự nhượng bộ thương mại từ EU và nguồn tài chính từ Ngân hàng Thế giới (WB), Jordan đã cho người tị nạn quyền làm việc. Gần như kể từ khi độc lập, Uganda cho phép người tị nạn quyền tự do di chuyển tương đối và quyền làm việc.

Năm 2016, Kenya mở Kalobeyei - khu định cư được thiết kế dựa theo thị trường đầu tiên trên thế giới mà ở đó cả người tị nạn lẫn các thành viên của cộng đồng nước tiếp nhận sống kề sát nhau. Cùng năm đó, Ethiopia cam kết chuyển từ chính sách trại tị nạn khép kín sang một chính sách sẽ dần trao cho người tị nạn quyền được làm việc và di chuyển. 

Với sự hỗ trợ của quốc tế, các nước này đang tạo ra những mô hình bền vững vừa bảo vệ người tị nạn vừa đồng thời có lợi cho các cộng đồng nước chủ nhà. Chẳng hạn, các nghiên cứu gần đây của WB và Tập đoàn tài chính quốc tế đem lại bằng chứng rằng các cộng đồng nước chủ nhà ở Kenya đã hưởng lợi từ cách tiếp cận dựa theo thị trường đối với việc hỗ trợ người tị nạn.

Chúng ta đều biết rằng nên sẵn sàng có các kế hoạch tái định cư có tổ chức để tạo điều kiện thuận lợi cho người tị nạn đi tới nước thứ ba khi họ mắc kẹt trong tình trạng bấp bênh trong thời gian dài, không thể trở về quê hương hay hòa nhập với cộng đồng nước chủ nhà.

Nhưng các kế hoạch này nên có các tiêu chuẩn rõ ràng và có sự phối hợp quốc tế nhiều hơn so với hiện nay. Tái định cư có tổ chức cũng có thể trở nên bền vững hơn bằng việc đưa ra các lựa chọn về bảo trợ tư nhân.

Chẳng hạn, Canada đã có một hệ thống thành công cho chương trình bảo trợ của tư nhân cho công tác tái định cư người tị nạn kể từ những năm 1970, tạo điều kiện thuận lợi cho các cộng đồng có các giá trị tiến bộ gánh vác những phí tổn của việc hội nhập người tị nạn, những người cần nơi trú ẩn an toàn ở Canada nhất. Mặc dù hệ thống này không được áp dụng rộng rãi ở châu Âu, nhưng hiện Đức và Anh đang thăm dò việc thực hiện nó./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục