Châu Âu bất đồng trong hướng giải quyết khủng hoảng di cư (Phần 1)

05:30' - 08/01/2019
BNEWS Ba năm kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tị nạn châu Âu, nền chính trị của “Lục địa Già” vẫn chấn động bởi những bất đồng về vấn đề di cư.
Châu Âu bất đồng trong hướng giải quyết khủng hoảng di cư. Ảnh: AFP/TTXVN

Có nhiều ý kiến cho rằng cuộc khủng hoảng này không phải là vấn đề số lượng mà là vấn đề niềm tin. Người dân châu Âu tin rằng vấn đề di cư đang nằm ngoài tầm kiểm soát và các nhà lãnh đạo của họ không có kế hoạch thật sự nào để xử lý.

Trong số những người di cư mới đến, một số là người tị nạn không có lựa chọn nào khác ngoài việc chạy trốn sang châu Âu, trong khi những người tị nạn khác lẽ ra có thể tìm được sự bảo vệ ở gần quê nhà hơn. 

Nhưng nhiều người lại là những người di cư đầy tham vọng, rời bỏ đất nước nghèo khổ nhưng không thật sự nguy hiểm như Morocco và Tunisia để tìm kiếm cơ hội việc làm và các cơ hội tốt hơn ở Liên minh châu Âu (EU).

Vấn đề của châu Âu là hiện họ không có cách thức hiệu quả để phân biệt các nhóm này hoặc buộc các nước thành viên EU phải chia sẻ trách nhiệm đối với những người tị nạn hợp pháp. 

Và với một số nước như Pháp và Anh, đã trả lại gần một nửa số người xin tị nạn bị từ chối, những người di cư không có quyền thực sự xin tị nạn dù sao cũng được khích lệ để nộp đơn, biết rằng họ chắc hẳn sẽ có thể ở lại bất chấp kết quả của bộ máy hành chính.

Việc không có pháp trị trong việc tiếp nhận người tị nạn, kết hợp với các chính sách hội nhập bừa bãi, làm xói mòn niềm tin của người dân, kích động một phản ứng dữ dội mang màu sắc dân túy với những hậu quả gây tổn hại nặng nề cho cả phúc lợi của người di cư lẫn nền dân chủ châu Âu.

Từ Brexit đến sự trỗi dậy của đảng Sự lựa chọn vì nước Đức theo đường lối dân túy, những chia rẽ liên quan đến vấn đề di cư này đã hủy hoại nền chính trị.

Những người theo chủ nghĩa dân túy phóng đại và bóp méo quá mức tác động kinh tế-xã hội của di cư, điều vốn thường có lợi. Nguồn chủ yếu dẫn đến sự lo ngại của người dân là thay đổi về cơ cấu kinh tế, cụ thể là sự sụp đổ của ngành chế tạo cần nhiều nhân công.

Tuy nhiên, cho dù di cư không phải là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến sự bất mãn, các chính sách di cư cũng phải có được tính hợp pháp dân chủ nếu muốn bền vững. 

Tuy nhiên, các chính trị gia châu Âu không có các chính sách hiệu quả cũng như câu chuyện thống nhất cần thiết để giành lại niềm tin của các cử tri. Hệ thống tị nạn chung châu Âu (CEAS) bị phá hủy hoàn toàn. Theo hệ thống này, các nước thành viên EU được cho là sẽ thông qua các tiêu chuẩn chung về việc công nhận và hỗ trợ người xin tị nạn.

Điều này trở thành một sự bất hợp lý: Năm 2017, Pháp công nhận 86% số đơn xin tị nạn từ người Iraq; trong khi Anh chỉ công nhận 19%. Quy chế Dublin, một đạo luật của EU yêu cầu người di cư phải nộp đơn xin tị nạn ở quốc gia thứ nhất nơi họ được tiếp nhận xử lý, cũng tỏ ra sai chức năng, đòi hỏi các nước tuyến đầu như Italy và Hy Lạp phải gánh vác gánh nặng dòng chảy người di cư tràn vào ồ ạt. 

Các biện pháp thay thế tạm thời của Ủy ban châu Âu (EC), như kế hoạch vào tháng 9/2015 nhằm bố trí lại 160.000 người tị nạn trong số các nước thành viên EU, vẫn chưa được thực hiện.

Và hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp gần đây nhất của EU vào ngày 28-29/6/2018, nhằm đưa ra một thỏa thuận nhìn chung là mang tính tượng trưng mà các đề xuất cốt lõi của nó – tự nguyện thành lập các trung tâm xử lý trong châu Âu và thăm dò “các khu tiếp nhận người di cư đặt tại khu vực” ở bên ngoài EU – là không đủ đối với nhiệm vụ cải cách.

Vấn đề khẩn cấp là cần phải có một tầm nhìn thay thế, mà có thể mang đến cho người dân châu Âu một khuôn khổ nhân đạo, hợp lý về kinh tế và hợp pháp dân chủ để đối phó với thách thức di cư. Ngày 21/6, các tác giả cộng tác với Chính phủ Na Uy và Mạng lưới di cư châu Âu của EC, đã khởi động Khuôn khổ di cư bền vững ở Oslo, đề xuất của nhóm tác giả về việc cải cách chính sách tị nạn và nhập cư của EU. 

Để bắt đầu cải cách, các chính trị gia và nhà hoạch định chính sách châu Âu phải đạt được thỏa thuận ở điểm kết thúc mong muốn của họ. Nhóm tác giả đề xuất rằng một sự luận bàn mới về “di cư bền vững” có thể đem lại một ngôn ngữ thống nhất cho cuộc tranh luận.

Một chính sách di cư bền vững sẽ cần phải thỏa mãn 3 điều kiện đơn giản: Nó phải đáp ứng các nguyên tắc đạo đức được chấp nhận rộng rãi, nhận được sự ủng hộ dân chủ rộng lớn, và tránh các quyết định mà người ta (dù là người di cư, các xã hội tiếp nhận hay các xã hội có người di cư) sau đó sẽ hối tiếc. Nếu một chính sách chệch hướng khỏi các tiêu chuẩn này, thì có khả năng nó sẽ thất bại.

Tuy nhiên, chính sách di cư và tị nạn của châu Âu kể từ năm 2015 là điều đối lập với sự bền vững: nó mang tính hỗn loạn, đối phó và đặc biệt. Không ở nơi đâu điều này rõ ràng hơn ở sự thay đổi trong chính sách di cư của Đức từ tháng 9/2015, khi Thủ tướng Angela Merkel mở cánh cửa châu Âu cho người tị nạn, đến tháng 3/2016, khi bà dẫn dắt việc thúc đẩy một thỏa thuận của EU với Thổ Nhĩ Kỳ. 

Phần lớn sự ủng hộ đối với chính sách ban đầu của Merkel đến từ một cảm giác chung được nhiều người chia sẻ rằng các nước châu Âu giàu có có một nghĩa vụ đạo đức là phải chấp nhận người tị nạn và di cư từ các nước nghèo, bất kể họ vào châu Âu bằng cách nào, cho dù họ có đơn xin tị nạn hợp pháp hay không, hay các công dân châu Âu cảm thấy như thế nào về vấn đề này.

Quả thật châu Âu có các nghĩa vụ đạo đức đối với phần còn lại của thế giới. Đồng thời, một chính sách có ý tốt nhưng thiếu cân nhắc có khả năng tạo ra các kết quả như những gì chúng ta đã chứng kiến ở châu Âu trong 3 năm qua: Niềm tin của người dân sụp đổ, phản ứng chính trị dữ dội chống lại di cư, và những tranh chấp đầy cay đắng giữa các thành viên EU.

Do đó, một chính sách di cư bền vững phải phân biệt các nghĩa vụ đạo đức có đi có lại của châu Âu, xuất phát từ mối quan hệ tương giao của thành quả chung, với các nghĩa vụ không mang tính có đi có lại – những nghĩa vụ họ có nhiệm vụ phải hoàn thành bất kể có đạt được bất kỳ điều gì đổi lại hay không.

Các nước giàu có nghĩa vụ không mang tính có đi có lại là giúp đỡ các xã hội nghèo khó phát triển và hỗ trợ người tị nạn chạy trốn từ cuộc xung đột và sự ngược đãi. Họ không có các nghĩa vụ không mang tính có đi có lại – ngoài sự đối xử nhân đạo – đối với những người di cư đầy tham vọng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục