Châu Âu trước nguy cơ tụt hạng so với Mỹ về nghiên cứu và phát triển

06:30' - 24/05/2024
BNEWS Châu Âu ngày càng “lạc nhịp” với Mỹ về công nghệ cũng như nghiên cứu và phát triển, dẫn đến nguy cơ tụt hạng của “Lục địa Già” nếu không có một chương trình đầu tư quy mô lớn.
Khoảng cách giữa châu Âu và Mỹ tiếp tục gia tăng. Vào đầu những năm 2000, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) là 33.500 euro (khoảng 36.300 USD) so với 43.700 euro ở Mỹ. 20 năm sau, thu nhập bình quân đầu người ở “Lục địa Già” chỉ đạt 39.600 euro so với 54.800 euro ở bên kia bờ Đại Tây Dương. Tăng trưởng kinh tế yếu hơn ở Eurozone chắc chắn có thể giải thích phần nào sự chênh lệch giữa châu Âu với cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.

Nhưng chỉ số này không tính đến những tác động lâu dài có sức tàn phá của các cú sốc khác nhau trong hai thập kỷ qua đối với nền kinh tế. Điều mà các nhà kinh tế gọi là “hiệu ứng trễ”. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khủng hoảng nợ công năm 2012, đại dịch COVID-19cú sốc năng lượng đã để lại dấu ấn sâu sắc trong cơ cấu sản xuất ở Eurozone. Tại Mỹ, các cuộc khủng hoảng khác nhau này cũng đã để lại những vết sẹo, nhưng các chính sách ngân sách và tiền tệ được thực hiện đã giúp nền kinh tế nước này có được những động lực mới để khởi động lại một cách nhanh chóng.

Ngoài những yếu tố kể trên, mức tăng năng suất thấp hơn ở Eurozone đã góp phần đáng kể vào khoảng cách gia tăng với Mỹ. Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, tăng trưởng năng suất tăng 1,5% mỗi năm so với mức chỉ 0,8% ở Eurozone từ năm 2000 đến năm 2019.

“Để bù đắp khoảng cách này, các nước thuộc Eurozone cần phải kích thích tăng năng suất theo giờ bằng cách áp dụng chính sách tham vọng hơn về đổi mới, cạnh tranh, linh hoạt và đào tạo chuyên nghiệp. Những chính sách này càng quan trọng hơn vì chúng cần thiết để thành công trong quá trình chuyển đổi công nghệ (tự động hóa, số hóa, AI) và sinh thái của nền kinh tế của chúng ta”, nhà kinh tế Sébastien Bock tại Đài quan sát OFCE của Pháp, nhận định.

Ở châu Âu, sự suy giảm năng suất có thể được giải thích là do thiếu đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, phần mềm và công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Ví dụ về công nghệ thông tin (CNTT), nền kinh tế Mỹ nỗ lực gấp đôi về tỷ lệ giá trị gia tăng so với Eurozone trong lĩnh vực máy tính và thiết bị truyền thông.

Trên thực tế, theo tính toán của OFCE, số tiền đầu tư cho mỗi việc làm trong lĩnh vực CNTT là từ 500-700 euro mỗi năm ở Eurozone so với 2.500 euro ở Mỹ. Đây là điều đặc biệt đáng lo ngại đối với châu Âu. Vào thời điểm mà tất cả các nhà quan sát và chuyên gia đều nhìn thấy tăng trưởng kinh tế trong tương lai phải dựa trên việc tăng cường sử dụng công nghệ kỹ thuật số, đặc biệt thông qua sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và máy tính lượng tử, độ trễ của châu Âu quả thực rất đáng báo động.

Liên quan đến nghiên cứu và phát triển, phải nói rằng các “gã khổng lồ” công nghệ ở Mỹ đang đầu tư những khoản tiền rất lớn. Năm 2022, chỉ riêng tập đoàn Alphabet đã bỏ ra một khoản đầu tư (25 tỷ USD), bằng tất cả các công ty tư nhân ở Pháp cộng lại. Vấn đề đối với “Lục địa Già” là thiếu vắng một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật số và điều này đã hạn chế đầu tư cho nghiên cứu và phát triển cũng như cho lĩnh vực thiết bị kỹ thuật số.

Việc thu hẹp khoảng cách với Mỹ rõ ràng là một thách thức lớn đối với các nước thuộc Eurozone. Theo tính toán của các nhà kinh tế, châu Âu sẽ cần đầu tư 630 tỷ euro (hoặc 5% GDP) mỗi năm cho CNTT, nghiên cứu và phát triển và phần mềm để bắt kịp bờ kia Đại Tây Dương.

Đối với Pháp, điều này có nghĩa là khu vực tư nhân sẽ phải đầu tư thêm 61 tỷ euro và đối với Đức, các công ty cần bơm thêm 57 tỷ euro mỗi năm. Trước nguy cơ “hạ cấp về công nghệ”, Eurozone không còn cách nào khác ngoài việc phải tăng cường nỗ lực.

Ở Pháp, các cuộc tranh luận về tính hiệu quả của đòn bẩy ngân sách được cho là có tác dụng thúc đẩy đổi mới lại thường xuyên nổi lên. “Điều cần thiết là phải tăng hiệu quả chi tiêu bằng cách nhắm mục tiêu tốt hơn vào các chương trình khuyến khích đổi mới”, nhà kinh tế Sébastien Bock khuyến nghị.

Ví dụ, Pháp đã triển khai tín dụng thuế nghiên cứu (CIR), một trong những chương trình hỗ trợ đổi mới hào phóng nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tuy nhiên, tính hiệu quả của nó bị hạn chế do các tiêu chí tiếp cận không tính đến quy mô của các công ty, dẫn đến việc chỉ tạo điều kiện cho những doanh nghiệp lớn. Do đó, các cuộc tranh luận về ngân sách vào mùa Thu liên quan đến vấn đề này sẽ là chủ đề được quan tâm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục