Châu Phi liệu sẽ trở thành thiên đường tiềm năng của các loại tiền điện tử

05:30' - 09/04/2024
BNEWS Châu Phi rất có thể trở thành thiên đường của các loại tiền điện tử khi tiềm năng sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo lớn hơn và chi phí năng lượng rẻ hơn.

“Khai thác bitcoin giống như đổ nước lên mặt đất bằng phẳng. Dù có cố mấy nữa, kết quả cuối cùng cũng vẫn tệ”, doanh nhân công nghệ Erik Hersman ở thủ đô Nairobi của Kenya giải thích về hoạt động tạo ra, hoặc “đào” tiền kỹ thuật số, một quá trình đòi hỏi rất nhiều năng lượng nên thường tập trung tại những địa điểm có chi phí năng lượng thấp.

"Đào" một loại tiền điện tử, đơn giản là cung cấp một dịch vụ cho mạng lưới của loại tiền điện tử đó và nhận được tiền thưởng - thường là tiền điện tử. Phổ biến nhất, đó là việc xác minh một tập hợp các giao dịch trên blockchain của loại tiền điện tử đó.

Cho đến năm 2021, Trung Quốc là nơi tập trung mạnh mẽ của việc khai thác bitcoin và chịu các tác động tiêu cực về môi trường mà việc này gây ra, trước khi bị chính phủ cấm. Hoạt động "đào" bitcoin đã di chuyển sang Mỹ, nơi có nguồn năng lượng rẻ dồi dào và thị trường tài chính phát triển, có quy mô sâu rộng. Lợi nhuận đã tăng vọt. Chỉ trong vài tháng, Mỹ đã chiếm 1/3 sản lượng bitcoin toàn cầu.

* Nỗ lực tìm kiếm các nguồn năng lượng xanh, giá rẻ

Các "thợ đào" tiền điện tử đang tìm kiếm cơ hội mới trước khi sự kiện "halving" diễn ra. Đây là quá trình giảm độ khó của việc đào mỏ tiền điện tử đi một nửa, xảy ra khoảng bốn năm một lần. Khi "halving" xảy ra, phần thưởng cho các nhà khai thác cũng sẽ giảm đi một nửa. Điều này làm cho việc khai thác trở nên ít lợi nhuận hơn và có thể dẫn đến việc tất cả các nhà khai thác, trừ những người đạt hiệu quả nhất, phải đóng cửa cơ sở kinh doanh của họ.

Các cơ quan quản lý cũng ngày càng trở nên cảnh giác hơn. Năm 2022, tiểu bang New York đã trở thành tiểu bang đầu tiên của Mỹ cấm mọi hoạt động khai thác mới mà không dựa hoàn toàn vào các nguồn năng lượng tái tạo. Các quốc gia ít kiểm soát hơn như Kazakhstan và Iran, gần đây từng chào đón ngành công nghiệp này một cách tích cực, bây giờ cũng đã trở nên tiêu cực.

Nhiều chính phủ lo ngại rằng các máy tính tiêu tốn năng lượng của các thợ đào bitcoin sẽ làm tăng sự bất mãn xã hội khi cạnh tranh với các hộ gia đình và doanh nghiệp địa phương để truy cập vào nguồn điện. “Cuộc tìm kiếm trên toàn cầu đối với các nguồn năng lượng giá rẻ đang diễn ra. Nếu không có được năng lượng giá rẻ, bạn sẽ không thể sống sót sau halving”, chuyên gia về bitcoin Troy Cross tại Đại học Reed ở Oregon đã cảnh báo điều này.

* Ethiopia và Kenya, những trung tâm mới

Bây giờ là lúc châu Phi bước vào cuộc chơi, với sự tham gia của các quốc gia đang gặp khó khăn về tài chính, nhưng lại có các nguồn lực năng lượng tái tạo rộng lớn, mặc dù chúng vẫn chưa được khai thác nhiều. Lục địa này có 60% địa điểm tốt nhất trên thế giới để sản xuất năng lượng Mặt Trời (và có 5 trong số 10 quốc gia có giá điện rẻ nhất).

Năm ngoái, các thợ đào tiền điện tử, chủ yếu là người Trung Quốc và Nga, đã đến Ethiopia để tiếp cận nguồn điện từ dự án đập Grand Renaissance, dự án lớn nhất tại châu Phi vừa mới được xây dựng. Trong tháng này, quỹ quốc gia Ethiopia đã ký kết một thỏa thuận với một công ty đến từ Hong Kong (Trung Quốc) để xây dựng một trung tâm dữ liệu trị giá 250 triệu USD nhằm mục đích khai thác dữ liệu và triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Nước láng giềng Kenya cũng muốn tham gia hoạt động này. Ông Hersman cho biết công ty khai thác tiền điện tử của ông là Gridless đã bắt đầu hoạt động tại ba quốc gia châu Phi vào năm ngoái. Mặc dù tổng sản lượng đóng góp của lục địa này vào việc sản xuất bitcoin toàn cầu là không đáng kể, nhưng một số nhà đầu tư tin rằng Ethiopia có thể sánh ngang với công suất của Texas, trung tâm của hoạt động khai thác tiền điện tử ở thời điểm hiện tại.

Theo chuyên gia Adam Swick của Marathon Digital, công ty khai thác tiền điện tử được giao dịch công khai lớn nhất của Mỹ, châu Phi “chắc chắn” là điểm đến tiếp theo của ngành này.

* Động lực thúc đẩy cho năng lượng tái tạo

Châu Phi đang mang đến cho những nhà quảng bá bitcoin cơ hội để thay đổi hoàn toàn hình ảnh mà danh tiếng của nó đã bị ảnh hưởng trong những năm qua, do một loạt các vụ lừa đảo, sụp đổ và lo ngại về ảnh hưởng đối với biến đổi khí hậu. Các thợ đào tiền điện tử khẳng định rằng mô hình mới nổi lên ở châu Phi hoàn toàn trái ngược với việc đốt nhiên liệu hóa thạch một cách đơn thuần. Điều này dường như mâu thuẫn với tình trạng thiếu hụt điện nghiêm trọng ở nhiều quốc gia trong khu vực.

Đồng thời, nhiều dự án năng lượng tái tạo tại châu Phi lại đang bị đình trệ vì không có đủ người tiêu dùng địa phương có thể mua điện, khiến chúng không thể triển khai về mặt tài chính. Bằng cách đề xuất là người mua điện cuối cùng từ các nhà cung cấp kể cả trong trường hợp khi không có người mua khác, các nhà khai thác tiền điện tử có thể giúp ổn định nhu cầu điện và bảo đảm cho các nhà cung cấp năng lượng đạt được lợi nhuận. Trong quá trình đó, họ cũng có thể khuyến khích các khoản đầu tư cần thiết để cung cấp điện cho khoảng 600 triệu người ở châu Phi, tương đương khoảng một nửa dân số, những người không được tiếp cận với lưới điện.

Việc sử dụng và sở hữu tiền điện tử cũng đang thu hút sự quan tâm ngày càng tăng ở một số khu vực của châu Phi. Điều này có thể ít liên quan đến những ưu điểm bản chất của tiền điện tử mà hơn hết là do các đồng tiền quốc gia như đồng naira Nigeria đang trải qua những vấn đề kinh tế và tài chính, là đồng tiền yếu kém đứng thứ hai trên thế giới trong năm nay.

Tuy nhiên, không có gì chứng tỏ rằng tiền điện tử mang lại cho các quốc gia nghèo một lối tắt đến giàu có. Năm 2022, Cộng hòa Trung Phi trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới công nhận bitcoin là phương tiện thanh toán hợp lệ. Nhưng biện pháp này không thành công trong việc kích thích đầu tư vào một đất nước bị tàn phá bởi các xung đột vũ trang.

Khía cạnh khai thác tiền điện tử có lẽ hứa hẹn hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp không có các quy tắc toàn cầu buộc ngành này phải sử dụng năng lượng tái tạo, việc mở rộng ở châu Phi có nguy cơ dẫn đến tình trạng những người khai thác vô đạo đức có hoạt động vượt quá khả năng quản lý của chính phủ, chuyên gia Ben Kincaid của Bridger Solutions, một công ty chuyên về tiền điện tử xanh, giải thích.

Việc Kazakhstan cố gắng trở thành một quốc gia có sức mạnh trong lĩnh vực tiền điện tử là một cảnh báo. Những người khai thác ở quốc gia này nhanh chóng bị đuổi ra ngoài sau khi bị cáo buộc tiêu thụ quá nhiều năng lượng và gây mất điện. Sự bùng nổ ngắn hạn cũng có thể đã làm chậm quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của đất nước bởi vì nó góp phần làm cho việc vận hành các nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch trở nên có lợi nhuận hơn.

* Một giải pháp cho các vấn đề của châu Phi?

Ý tưởng rằng việc sử dụng tiền điện tử có thể giúp các nước châu Phi “vượt qua” những vấn đề cấu trúc lớn mà họ đang đối diện là rất hấp dẫn. Chính phủ Ethiopia coi việc khai thác tiền điện tử là một giải pháp nhanh chóng cho tình trạng thiếu ngoại tệ nghiêm trọng. Nhưng thực tế hầu như không đơn giản như người ta tưởng. Bitcoin có thể tiếp tay cho tham nhũng, tội phạm có tổ chức và khủng bố.

Một nghiên cứu gần đây tại Texas đã chỉ ra rằng việc khai thác tiền điện tử, mặc dù có thể tăng cường khả năng sản xuất năng lượng tái tạo, nhưng cũng dẫn đến sự tăng tổng thể của lượng khí thải carbon. ‘‘Tóm lại, không có Bitcoin thân thiện với môi trường (Bitcoin xanh)’’, ông Peter Howson, tác giả cuốn Let Them Eat Crypto: The Blockchain Scam That's Ruining the World, tuyên bố.

Đối mặt với những bất ổn như vậy, các chính phủ châu Phi có thể muốn kiểm tra kỹ trước khi tiến xa hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục