Chính đảng Anh thay đổi lập trường về Brexit

05:30' - 02/03/2019
BNEWS Chỉ khoảng một tháng nữa là đến thời điểm Anh rời EU, cả hai chính đảng lớn nhất nước này là đảng Bảo thủ cầm quyền và Công đảng đối lập hiện đều thay đổi chiến thuật của mình đối với vấn đề Brexit.
Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn. Ảnh: THX/TTXVN

Thủ tướng Anh Theresa May, người từng có câu nói nổi tiếng "thà không có thỏa thuận còn hơn là một thỏa thuận tồi", ngày 26/2 đã xuống thang khi tuyên bố bà sẽ để Hạ viện quyết định cách thức Anh rời EU.

Trong khi lãnh đạo Công đảng đối lập ông Jeremy Corbyn, người từ trước đến giờ vẫn khăng khăng phản đối kêu gọi của các thành viên trong đảng mình về việc ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý Brexit lần 2, cũng thay đổi lập trường khi nói trong một số điều kiện nhất định rằng Công đảng sẽ ủng hộ trưng cầu dân ý lần 2.

*Về khả năng kéo dài thời gian Brexit

Trong phát biểu tại Hạ viện ngày 26/2 Thủ tướng May cho biết các nghị sĩ sẽ bỏ phiếu dự thảo thỏa thuận Brexit lần 2 vào ngày 12/3. Nếu các nghị sĩ bỏ phiếu bác đề xuất này thì ngày 13/3 Thủ tướng sẽ đề xuất khả năng Anh rời EU "không thỏa thuận" để Hạ viện xem xét và nếu đề xuất này bị phản đối, thì ngày 14/3 Chính phủ sẽ đề nghị Hạ viện "gia hạn thêm một thời gian ngắn" cho các cuộc đàm phán Brexit theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon.

Bà May cho biết sự gia hạn này sẽ kéo dài chậm nhất là đến cuối tháng 6/2019, để tránh nước Anh “dính” vào cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sẽ diễn ra vào mùa Xuân. Những kế hoạch của Thủ tướng May do vậy vẫn không loại bỏ khả năng Brexit "không thỏa thuận", mà thay vào đó là để cho các nghị sĩ cơ hội để hoãn ngày Anh rời EU lùi thêm 3 tháng nữa. 

Trong khi đó, Công đảng đối lập cho biết nếu Hạ viện bác kế hoạch Brexit của đảng này đưa ra, thì Công đảng sẽ ủng hộ yêu cầu sửa đổi hay con gọi là " bỏ phiếu chung", điều này có nghĩa sẽ bao gồm cả lựa chọn nước Anh ở lại trong EU.

Nhưng Công đảng đưa ra đề xuất là tiến hành trưng cầu dân ý chỉ diễn ra sau khi Hạ viện thông qua thỏa thuận của Thủ tướng May.

Tờ the Economist cho rằng đề xuất của Công đảng khá là vu vơ vì một trong những lập luận chính để yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý mới là nhằm phá vỡ những bế tắc hiện nay tại Hạ viện. Nếu các nghị sĩ đã đồng ý với thỏa thuận của bà May thì sẽ chẳng ai muốn có cuộc trưng cầu dân ý lần 2 nữa. 

Tờ the Economist nhận định các biện pháp mà hai đảng đưa ra đều không mạnh mẽ quyết liệt như suy nghĩ ban đầu. Bà May đưa ra những bước đi như vậy cốt để làm yên lòng những nghị sĩ nổi loạn trong đảng Bảo thủ, những người phản đối Anh rời EU "không thỏa thuận".

Trong khi đó ông Corbyn thì mềm mỏng hơn trước vấn đề trưng cầu dân ý lần hai cũng bởi muốn giữ những người trong đảng ủng hộ ông và những nghị sĩ Công đảng vẫn đồng hành cùng Công đảng (vì hiện nay đã có tới 9 nghị sĩ Công đảng từ bỏ đảng vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do liên quan đến vấn đề Brexit).

Những nhượng bộ của các lãnh đạo hai đảng nói trên tuy nhỏ, nhưng nó đã mở cánh cửa cho những bước tiếp theo mạnh bạo hơn. Trước đây bà May nhiều lần khẳng định Anh sẽ rời EU đúng ngày 29/3 tới cho dù có đạt được thỏa thuận hay không với EU.

Đến nay Thủ tướng May cho rằng Anh không cần thiết phải rời EU đúng ngày 29/3 và các nghị sĩ phải cho biết ý kiến của họ là liệu việc Anh rời EU không thỏa thuận có chấp nhận được hay không. Vấn đề có thể lùi lại ngày nước Anh rời EU đã được thừa nhận, nhưng tranh luận hiện nay sẽ là lùi lại bao lâu.

Tương tự, việc ông Corbyn thừa nhận các cử tri nên có tiếng nói đối với thỏa thuận cuối cùng về Brexit cũng sẽ mở cửa cho các cuộc tranh luận xem trong những điều kiện nào thì một cuộc trưng cầu dân ý sẽ được thực hiện.

Những thay đổi đối với vấn đề Brexit của hai chính đảng lớn nhất nước Anh diễn ra trong tuần này trên thực tế tuy không lớn, song điều đáng nói là là các đảng đều thể hiện nguyên tắc làm việc của mình là bắt đầu có sự nhượng bộ. Những tháng trước mắt sẽ có nhiều biến động, do vậy cả hai đảng sẽ tiếp tục có những thay đổi trong chiến thuật Brexit của mình, the Economist kết luận.

*Những kịch bản có thể xảy ra

Tờ Financial Times ngày 26/2 đưa ra những kịch bản thời gian lùi ngày Anh rời khỏi EU mà phía EU đang bàn thảo trong nội bộ. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho rằng lùi thời hạn Brexit là lựa chọn "hợp lý" cho Anh. Với những khó khăn mà Thủ tướng May đang đối mặt tại Hạ viện thì hầu hết các quan chức EU đều chung một nhận định Anh cần lùi ngày rời EU sau ngày 29/3.

Tuy nhiên câu hỏi được đặt ra là lùi lại bao lâu? Financial Times đưa ra một số kịch bản lựa chọn có thể sẽ được cân nhắc bàn thảo tại Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra vào 21 và 22/3 tới. Hiện nay thời gian lùi lại là bao lâu được một số nhà ngoại giao EU đưa ra trong khoảng thời gian từ 2 tháng cho tới 21 tháng.

Một số kịch bản đang được các nhà ngoại giao EU bàn thảo.

Thứ nhất, "(Brexit) kéo dài do không đạt được thỏa thuận". Trong trường hợp Hạ viện bác dự thảo thỏa thuận của Thủ tướng May, các nhà đàm phán EU lo ngại Thủ tướng May hay người kế nhiệm bà làm Thủ tướng sẽ yêu cầu cần có thêm thời gian để đàm phán cho một gói thỏa thuận Brexit tốt hơn, và điều này sẽ mở ra một giai đoạn đàm phán khác mà dường như sẽ không có hồi kết.

Tuy nhiên, lùi lại 8 tuần được cho là khó khăn cho EU. Theo một nhà cố vấn cho một lãnh đạo của EU, điều này “khó mà tưởng tượng nổi" vì thời điểm diễn ra quá gần với cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Việc thông qua sẽ trở nên phức tạp hơn tại Quốc hội Anh và một cuộc khủng hoảng Brexit khác có thể sẽ bao phủ lên chiến dịch này.

Nếu như lùi lại đến cuối tháng Sáu như một số nước thành viên EU mong muốn thì thỏa thuận này sau đó cần một khoảng thời gian "kỹ thuật" để được thông qua. Và vì sự việc diễn ra sau khi Nghị viện châu Âu mới họp lần đầu ngày 2/7 thì hiệp ước này của Anh sẽ vẫn gắn với luật EU vì Anh vẫn là thành viên của EU.

Kịch bản thứ hai là "sự kéo dài mang tính chiến lược". Thời hạn này ít nhất là phải 9 tháng, có nghĩa là thời hạn Brexit sẽ được đẩy lùi đến cuối năm 2019, và do vậy Anh sẽ tham gia vào các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, một bước mà đảng Bảo thủ của Thủ tướng May đang rất cố gắng để tránh.

Mục đích của "kéo dài mang tính chiến lược" là để cho phép có một bước thay đổi mang tính quyết định trong chính trường nước Anh, đó là hoặc thay đổi cách tiếp cận của Anh đối với vấn đề Brexit hoặc quay lại Hạ viện để Hạ viện có thể đồng ý với những điều khoản để rời EU.

Kịch bản cuối cùng là "kéo dài không biết chủ đích". Nếu Anh không có được một kế hoạch thuyết phục về việc họ sẽ giải quyết vấn đề Brexit như thế nào, các lãnh đạo EU chắc chắn sẽ đưa ra một số lựa chọn gây tranh cãi, một trong những lựa chọn gây tranh cãi nhất đó là để cho nước Anh thời gian dài hơn nữa để xử lý điều mà một nhân vật cao cấp trong EU gọi tên là "cuộc khủng hoảng xác định bản sắc Brexit".

Một chọn lựa đưa ra là kéo dài thời hạn này đến cuối năm 2020, đúng vào quãng thời gian mà trước đây dự tính cho là thời kỳ chuyển đổi sau Brexit. Điều này sẽ tránh phải xảy ra việc liên tiếp phải gia hạn thời gian rời EU sau mỗi ba tháng. Nhưng đây được cho là một lựa chọn cực đoan không được nhiều nước thành viên EU ủng hộ./.                   

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục