Chính phủ dự kiến trình Quốc hội 25 báo cáo, tờ trình, dự án luật

13:33' - 31/03/2020
BNEWS Văn phòng Chính phủ vừa có báo cáo gửi các thành viên Chính phủ về công tác chuẩn bị phục vụ kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Báo cáo cho thấy, tính đến ngày 31/3, Chính phủ còn nợ đọng 17 nghị định quy định chi tiết thi hành các luật đã có hiệu lực. Trong đó có 4 văn bản chưa trình, 13 văn bản đã trình nhưng chưa được ban hành. Bộ Công an là đơn vị có số văn bản nợ đọng nhiều nhất.

Trong 4 văn bản chưa trình, Bộ Công an nợ 3 văn bản, gồm: Nghị định quy định chế độ ăn ở, sinh hoạt, thăm gặp, khám chữa bệnh đối với người đang chấp hành án phạt trục xuất trong thời gian lưu trú tại cơ sở lưu trú, chi phí mai táng đối với người chấp hành án phạt trục xuất chết tại cơ sở lưu trú; Nghị định quy định thi hành một số điều của Luật An ninh mạng; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

Thanh tra Chính phủ nợ 1 Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập. Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ khẩn trương soạn thảo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong 13 văn bản đã trình nhưng chưa được ban hành, Bộ Công an có 9 văn bản, gồm: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Nghị định về tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân; Nghị định về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại; Nghị định về cơ sở dữ liệu thi hành án hình sự; Nghị định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc; Nghị định về xây dựng công an xã, thị trấn chính quy; Nghị định về phát triển công nghiệp an ninh; Nghị định về biệt phái sỹ quan Công an nhân dân; Nghị định quy định chi tiết thủ tục thi hành án đối với pháp nhân thương mại và chuyển giao nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp pháp nhân thương mại tổ chức lại.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 2 văn bản, gồm Nghị định thay thế Nghị định số 16/2016/NĐ-CP về quản lý, sử dụng vốn ODA và Nghị định quy định thi hành một số điều của Luật Đầu tư công. Bộ Công Thương có 1 Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ủy ban cạnh tranh Quốc gia. Bộ Tư pháp có 01 Nghị định về quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; thủ tục đăng ký hộ tịch trực tuyến.

Văn phòng Chính phủ đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các cơ quan, chỉnh lý theo chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, hoàn thiện dự thảo văn bản trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trước ngày 15/4.

Đối với 57 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, Văn phòng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ 31 nghị định chậm nhất trước ngày 15/4 để hoàn thiện thủ tục ban hành trước ngày 15/5; các bộ chịu trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền đối với 26 thông tư trước ngày 15/5.

Để đảm bảo chất lượng và tiến độ chuẩn bị phục vụ kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Văn phòng Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo các thành viên Chính phủ khẩn trương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 17 văn bản nợ đọng hướng dẫn thi hành các Luật đã có hiệu lực; hoàn thành trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp Quốc hội, trong đó lưu ý không trả lời chung chung, mang tính chất thông tin, trích dẫn nghị quyết của Đảng, quy định pháp luật đã ban hành mà chưa đề ra các giải pháp cụ thể, dẫn đến việc cử tri bức xúc, tiếp tục kiến nghị nhiều lần.

Các thành viên Chính phủ chủ động bố trí kế hoạch hoạt động công tác cho phù hợp với chương trình kỳ họp của Quốc hội, đảm bảo tham dự đầy đủ các phiên thảo luận, giải trình các nội dung thuộc lĩnh vực theo dõi, phụ trách có liên quan. Đề cao trách nhiệm cá nhân, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, trước Quốc hội về công tác chuẩn bị tài liệu theo phân công gửi Quốc hội đúng thời hạn quy định, đặc biệt lưu ý tiến độ chuẩn bị các nội dung cần xin ý kiến của Quốc hội như: liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân trước tác động của dịch COVID-19;dự án đường cao tốc Bắc-Nam; các dự án Luật quan trọng; phê duyệt các hiệp định song phương EVFTA, EVIPA; Chương trình mục tiêu quốc gia cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi…

Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các thành viên Chính phủ chủ động nắm bắt đầy đủ những vấn đề trọng tâm, nổi cộm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành mình để giải trình ngắn gọn, đúng trọng tâm, đúng thời gian quy định tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn (dựa trên các nhóm vấn đề được lựa chọn, dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ định khoảng 4 - 5 Bộ trưởng tham dự Phiên chất vấn và trả lời chất vấn).

Chủ động nắm bắt thông tin, kịp thời gặp gỡ, trao đổi, giải trình, cung cấp hồ sơ, tài liệu cho các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan báo chí về những vấn đề đại biểu Quốc hội và dư luận quan tâm thuộc lĩnh vực mình phụ trách.

Theo báo cáo, tại kỳ họp Quốc hội tới, Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội 25 báo cáo, tờ trình, dự án luật. Đến nay, lãnh đạo Chính phủ và các thành viên Chính phủ nhận được 120 phiếu chất vấn. Trong đó, Thủ tướng nhận được 24 phiếu chất vấn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận được 1 phiếu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận được 1 phiếu.

Đối với chất vấn Thủ tướng, hiện đã có văn bản trả lời 18 phiếu, 6 phiếu đã được Thủ tướng giao các bộ, cơ quan tham mưu để trả lời đại biểu Quốc hội. Các chất vấn dành cho hai Phó Thủ tướng đều đã được trả lời./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục