Chính phủ Nam Phi cứu hãng hàng không quốc gia SAA

18:49' - 06/11/2018
BNEWS Chính phủ Nam Phi vừa giải ngân 343 triệu USD để "cứu" hãng hàng không quốc gia South African Airways (SAA) hiện đang trong tình trạng thua lỗ nặng nề.

Số tiền trên sẽ được sử dụng để chi trả những khoản nợ quá hạn cũng như để thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa hãng hàng không ngót 100 năm tuổi này. 

Quyết định giải ngân trên được đưa ra trong phiên họp về phân bổ ngân sách quốc gia vừa diễn ra, trong đó Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Tito Mboweni tuyên bố số tiền này sẽ được sử dụng để thanh toán một phần trong khoản nợ 970 triệu USD sẽ đáo hạn vào tháng 2/2019 của SSA.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Tito Mboweni nêu rõ đây là khoản tiền trong cam kết trước đó của chính phủ nước này trong việc bảo lãnh khoản nợ lên tới 1,3 tỷ USD cho SAA.

Hiện Chính phủ Nam Phi vẫn đang nỗ lực thúc đẩy việc đàm phán giữa SAA và các chủ nợ nhằm kéo dài thời gian đáo hạn với mục đích giúp hãng hàng không này có thời gian đủ dài để xoay chuyển tình thế.
Bên cạnh đó, nhằm có thêm hành khách và cải thiện tình hình kinh doanh, SAA hiện đang thúc đẩy đàm phán ký kết các thỏa thuận liên danh chuyến bay với nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới và khu vực như Emirates, Turkish Airways, Qatar Airways, Kenya Airways, Air Mauritius, United Airlines và Singapore Airlines.
Trên thực tế, SAA đã bắt đầu rơi vào cảnh thua lỗ từ năm 2011 do bị mất một số lượng lớn hành khách vào tay các hãng hàng không giá rẻ.

Ngoài ra, chi phí hoạt động ngày càng tăng, đặc biệt là giá nhiên liệu, đã góp phần đẩy một trong những hãng hàng không có bề dày lịch sử nhất châu Phi này vào vòng xoáy thua lỗ.
Theo báo cáo năm tài chính 2017, SAA đã lỗ tới hơn 330 triệu USD, cao gần gấp đôi so với dự báo trước đó. Theo kế hoạch, SAA trước mắt sẽ sa thải khoảng 10.000 nhân viên nhằm cắt giảm chi phí hoạt động.
Hiện toàn châu Phi có 20 hãng hàng không, trong đó Ethiopian Airlines của Ethiopia và South African Airways của Nam Phi được coi là 2 hãng lớn nhất với số máy bay sở hữu lần lượt là 92 chiếc và 58 chiếc.

Hai hãng sở hữu số máy bay ít nhất là Fastjet của Tanzania và LIAM của Mozambique với 4 chiếc mỗi hãng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục