Chính sách mở cửa của Việt Nam thu hút doanh nghiệp Đức

14:35' - 12/01/2023
BNEWS Báo Thời đại (die Zeit) của Đức có bài viết ca ngợi sự khởi sắc kinh tế cũng như chính sách mở cửa của Việt Nam đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp Đức đâu tư vào Việt Nam.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, báo Thời đại (die Zeit) của Đức vừa có bài viết ca ngợi sự khởi sắc kinh tế cũng như chính sách mở cửa của Việt Nam đối với các nhà đầu tư, cho rằng chính những điều này đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp Đức tới tìm hiểu đầu tư, kinh doanh và sản xuất ở Việt Nam.

Tác giả bài báo đánh giá cao sự đổi thay về kinh tế và xã hội của Việt Nam trong thời gian qua. Nếu giữa những năm 1990 vẫn còn trên 50% dân số thuộc diện nghèo thì đến năm 2018, con số này chỉ còn chưa tới 7%.

Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy thu nhập bình quân ở Việt Nam 10 năm qua đã tăng gấp đôi và tới năm 2045, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp, có mức thu nhập cao.

Điều này có nghĩa Việt Nam sẽ trở thành một trong 45 nước có mức thu nhập bình quân đầu người hằng năm đạt trên 12.695 USD (ngưỡng chỉ tiêu GDP bình quân đầu người của nhóm các nước có thu nhập cao).

Bài báo dẫn lời ông Torben Minko, Giám đốc điều hành B. Braun Việt Nam - công ty thuộc Tập đoàn B. Braun của Đức chuyên sản xuất thiết bị y tế hàng đầu thế giới, cho biết Việt Nam phát triển kéo theo sự phát triển của chính công ty ông, với số nhân viên hiện đã lên tới 1.600 người.

 

Hiện B. Braun Việt Nam đang xây dựng nhà máy thứ ba ở khu vực Tây Nam Hà Nội, tạo công ăn việc làm cho khoảng 200 người. Theo ông Minko, Chính phủ Việt Nam đã rộng mở cánh cửa đất nước và ngày nay đang ngày càng có nhiều tập đoàn lớn của phương Tây tìm tới Việt Nam so với chỉ một số ít công ty châu Âu trước đây.

Theo bài báo, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Á. Ngay cả trong cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn đạt được thành tựu ấn tượng về kinh tế.

Trong năm 2022, bất chấp các cuộc khủng hoảng và xung đột trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng 8,03%, trong khi giá cả không tăng mạnh như ở nhiều nước khác.

Tác giả bài báo cho rằng không hề cảm nhận được tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu ở quốc gia Đông Nam Á này, trái lại, Việt Nam đang thu hút các công ty từ khắp nơi trên thế giới và các nhà máy mới đang mọc lên ở hầu hết khắp mọi nơi tại Việt Nam.

Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK) tại Việt Nam, ông Marko Walde, cho biết ông nhận được những đề nghị hỗ trợ trong hợp tác và tìm hiểu về Việt Nam nhiều kỷ lục.

Riêng từ Đức đang có hàng trăm doanh nghiệp muốn mở rộng sang Việt Nam, đặc biệt kể từ khi Việt Nam bãi bỏ các hạn chế phòng dịch. Bài báo dẫn lời ông Walde cho rằng có 3 lý do khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Trước hết, Việt Nam ký kết rất nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các nước khác để tạo thuận lợi và đơn giản hoá sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, trong đó có FTA với Liên minh châu Âu (EU) năm 2019.

Thứ hai, Chính phủ Việt Nam cam kết trở thành điểm hấp dẫn với doanh nghiệp nước ngoài, trong đó các doanh nghiệp nước ngoài muốn làm ăn ở Việt Nam không còn phải liên doanh với công ty Việt Nam như trước đây do không được tự mở riêng. Ngoài ra, điểm hấp dẫn nữa là mức lương chi trả cho nhân viên bản địa tương đối thấp và đặc biệt là tình hình chính trị ổn định của đất nước trong nhiều năm qua.

Trong khi đó, ông Till Gartner, Giám đốc công ty công nghệ thông tin mgm của Đức, đánh giá cao độ tin cậy ở Việt Nam, đồng thời cho biết có rất nhiều công ty đang xem xét việc đầu tư vào Việt Nam. Lãnh đạo AHK cũng như các công ty cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển đổi năng lượng cũng như đảm bảo tốt hơn các tiêu chuẩn về một môi trường xanh hơn, chẳng hạn như việc phân loại rác thải./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục