Chủ nghĩa bảo hộ - nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng?

05:30' - 02/11/2021
BNEWS Thời gian gần đây, tình trạng rối loạn chuỗi cung ứng trên thế giới, đặc biệt là ở các nước phương Tây như Anh, Mỹ ngày càng gia tăng.

Thời báo Hoàn cầu mới đây đăng bài viết của Thôi Kiến Quốc (Cui Jian Guo), cựu Viện trưởng Viện nghiên cứu Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết thời gian gần đây, tình trạng rối loạn chuỗi cung ứng trên thế giới, đặc biệt là ở các nước phương Tây như Anh, Mỹ ngày càng gia tăng, các nhà hàng KFC ở Mỹ đã xuất hiện hiện tượng “không có gà rán”, trong các siêu thị ở Anh đã không còn giấy vệ sinh để bán. Dịp lễ Giáng Sinh đang đến gần với nhu cầu hàng hóa rất lớn, song dự kiến trước dịp lễ, các cửa hàng sẽ không có hàng trên kệ.

Điều nghiêm trọng hơn là trong khi thiếu hụt hàng hóa, giá cả tiếp tục tăng cao thì lạm phát ở Mỹ đã duy trì ở mức 5% trong 5 tháng liên tiếp, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải từ bỏ mục tiêu kiểm soát lạm phát 2%.

Đánh giá một cách khách quan, nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng hiện nay là do tác động và sự tàn phá của dịch bệnh COVID-19. Chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, việc sản xuất và cung cấp nguyên vật liệu xuất hiện tình trạng không ổn định.

Giá hàng hóa toàn cầu đã ở mức cao kể từ nửa cuối năm ngoái. Giá dầu mỏ, khí đốt, thép, than, đồng, nhôm và các mặt hàng khác vẫn neo ở mức cao trong thời gian dài, gây khó khăn rất lớn cho khâu sản xuất hạ nguồn.

Dịch bệnh cũng đã kìm hãm nhu cầu trong một số ngành, khi dịch nghiêm trọng, mâu thuẫn cung cầu chưa bộc lộ hết, nhưng khi dịch bệnh thuyên giảm, sản xuất dần phục hồi, cộng thêm sự gia tăng các nhu cầu do phục hồi kinh tế mang lại, giá cả leo thang trở thành lối thoát duy nhất để các công ty đối phó với áp lực chi phí.

Tuy nhiên, sự bùng phát mâu thuẫn của chuỗi cung ứng lần này không thể hoàn toàn đổ lỗi cho dịch bệnh.

Bên cạnh đó, các nguyên nhân khác có thể kể đến như việc Âu-Mỹ hạn chế đối với đầu tư và hợp tác trong các ngành công nghệ cao, tình trạng “thiếu chip” toàn cầu, việc Mỹ áp đặt thuế quan, tình trạng lạm phát cao, giá nguyên liệu thô tăng và mất kiểm soát giá cả vận chuyển đường biển.

Những thay đổi trong các hiện tượng kinh tế này dường như không hoàn toàn là kết quả trực tiếp của vai trò thị trường, mà có thể bắt nguồn từ hướng dẫn chính sách của một số quốc gia nhất định.

Đặc biệt, sự trở lại của chế độ sản xuất, bảo hộ thương mại và chủ nghĩa đơn phương mà Mỹ luôn nhấn mạnh trong những năm gần đây dường như là nguyên nhân sâu xa cho cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng hiện nay.

Để hạn chế sự phát triển và tiến bộ của các ngành khoa học công nghệ cao của Trung Quốc, Mỹ đã liên tục đưa các công ty công nghệ cao của Trung Quốc vào danh sách hạn chế.

Với lý do “an ninh quốc gia”, Mỹ nghiêm cấm các nhà sản xuất công nghệ cao (như sản xuất chip) làm ăn với các công ty Trung Quốc, đồng thời áp dụng biện pháp quản lý giám sát, ràng buộc các công ty Mỹ liên quan ở nước ngoài.

Điều đó khiến việc sản xuất và kinh doanh của một số nhà sản xuất công nghệ cao không được thuận lợi, dẫn tới chuỗi cung ứng cho chuỗi sản xuất gặp phải một loạt mâu thuẫn, ảnh hưởng đến sự phát triển của vô số ngành sản xuất liên quan.

Có thể nói rằng nguyên nhân “thiếu chip” của thế giới có liên quan mật thiết với chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương của Mỹ.

Các mức thuế quan được áp đặt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump là lý do dẫn đến sự rối loạn chuỗi cung ứng lần này.

Sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden nhậm chức, mặc dù đã thực hiện một số biện pháp bổ sung để bãi bỏ thuế quan mang tính trừng phạt đối với thép của Liên minh châu Âu (EU), nhưng Mỹ lại không muốn xóa bỏ mức thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD mà chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã áp đặt.

Kết quả là điều đó không chỉ làm gia tăng áp lực lạm phát ở Mỹ mà còn gây tổn hại lớn đến lợi ích của người tiêu dùng tại Mỹ, tạo ra nút thắt trong chuỗi cung ứng.

Do dịch bệnh ở Mỹ lâu nay không được kiểm soát tốt, các cảng biển và lưu thông hàng hóa bị ảnh hưởng lớn, cầu cảng khó hoạt động bình thường, lượng lớn tàu bè dồn về cảng cũng tạo ra tình trạng căng thẳng trong cung cấp hàng hóa.

Báo cáo "Chỉ số hoạt động của cảng biển và vận chuyển hàng hóa toàn cầu" do Ngân hàng Thế giới và công ty tư vấn của Anh (HIS Markis) công bố gần đây cho thấy 9 trong số mười cảng hiệu quả nhất thế giới nằm ở châu Á.

Điều đáng chú ý là một số cảng nổi tiếng của Mỹ đã bị tụt hạng thảm hại, chẳng hạn như cảng Los Angeles xếp thứ 328, xếp sau Dar es Salaam ở Tanzania, và cảng Long Beach ở California xếp thứ 333, tụt hậu so với cảng Monbasa ở Kenya.

Theo báo cáo, vẫn còn hàng trăm con tàu đang chờ dỡ hàng tại cảng Los Angeles và Long Beach, sự tồn tại của những yếu tố này đã cản trở rất nhiều đến hoạt động bình thường của chuỗi cung ứng. Điều cần nhấn mạnh là toàn cầu hóa kinh tế không chỉ là vấn đề của các luồng sản xuất, thương mại và đầu tư xuyên biên giới.

Hiện nay, toàn cầu hóa đã thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực sản xuất, lưu thông và tiêu dùng. Bất cứ ý tưởng “tách rời” nào cũng đều phi thực tế và chịu ảnh hưởng của các quy luật phát triển kinh tế, và những người đầu tiên chịu gánh nặng nề thường có thể là những người đi ngược lại xu hướng.

Các nhà hoạch định chính sách của tất cả các nước nên nhận thức được xu hướng chung của toàn cầu hóa kinh tế. Các xáo động trong chuỗi cung ứng toàn cầu phải khơi dậy sự quan tâm lớn của tất cả các quốc gia, đặc biệt là các nước thương mại lớn cần có thái độ trách nhiệm hơn, phối hợp với nhau khẩn trương phục hồi chuỗi sản xuất toàn cầu, vận hành ổn định chuỗi cung ứng, bảo đảm kinh tế thế giới phục hồi ổn định.

Trong quá trình quản trị chuỗi cung ứng, cần loại bỏ chủ nghĩa bảo hộ thương mại và chủ nghĩa đơn phương, nhanh chóng sửa chữa các chính sách và biện pháp giả tạo không có lợi cho hoạt động bình thường của chuỗi cung ứng, đồng thời nhận thức rõ rằng mọi người đều cùng chung một con thuyền để khắc phục dịch bệnh. Vì sự thịnh vượng và phát triển của nền kinh tế thế giới, tất cả các quốc gia trên thế giới cần phải tăng cường hợp tác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục