Chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu: Thích ứng để vượt qua khó khăn

06:00' - 19/05/2020
BNEWS Có quan điểm cho rằng xu hướng toàn cầu hóa sẽ thoái trào, song tương lai này sẽ không sớm xảy ra ít nhất là trong lĩnh vực cung ứng lương thực, thực phẩm.
Người dân mua hàng hóa tại siêu thị ở Canberra, Australia ngày 17/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Sự bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã làm dấy lên nhiều mối lo ngại, xuất phát từ nguy cơ gián đoạn trong hoạt động thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Phép thử” mang tên COVID-19
Khi nhiều quốc gia châu Âu bắt đầu áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và phong tỏa các tỉnh, thành nhằm kiểm soát sự lây lan của đại dịch, nhiều người đã lo sợ rằng những món ăn hàng ngày như bánh mì, bơ và đậu sẽ khan hiếm và gây ra làn sóng tích trữ thực phẩm. Tuy nhiên, nhờ các đội xe tải hoạt động liên tục bổ sung hàng hóa đầy ắp kệ siêu thị, giờ đây mọi người đều có thể mua sắm thoải mái.
Kết quả này có được là bởi chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu trị giá 8.000 tỷ USD đã thích ứng với tình hình mới. Hàng triệu công ty phải đưa ra quyết định bất ngờ để phù hợp với thực tế. Lẽ dĩ nhiên, hệ thống này không hoàn hảo. Nhiều rủi ro nghiêm trọng vẫn có thể xảy ra như thiếu lao động hay mùa màng thất bát. 
Dù vậy, đến thời điểm này có thể thấy mạng lưới thực phẩm toàn cầu đã vượt qua một “phép thử” vô cùng khó khăn. Điều quan trọng là trong và sau đại dịch, các chính phủ không thực hiện những chiến dịch theo kiểu “thân ai nấy lo” nhằm mục tiêu “tự cung tự cấp”.
Chuỗi cung ứng phức tạp đằng sau một chiếc iPhone hay để tạo nên một chiếc xe ô tô được mô tả như kết quả của sự phối hợp thống nhất nhiều ngành công nghiệp. Tương tự, hệ thống cung ứng thực phẩm toàn cầu hiện nay dù ít được chú ý hơn, nhưng đã được kiến tạo một cách hiệu quả và chặt chẽ.
Ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu đóng góp đến 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới và khoảng 1,5 tỷ lao động làm việc trong lĩnh vực này. Nguồn cung thực phẩm toàn cầu đã tăng gần gấp ba lần kể từ năm 1970, với dân số đã tăng gấp đôi lên 7,7 tỷ người. 
Đồng thời, tỷ lệ người nghèo đói đã giảm từ 36% xuống còn 11% và giá một bushel ngô (1 bushel tương đương 25 kg) hoặc một miếng thịt bò ngày nay thấp hơn so với 50 năm trước. Xuất khẩu thực phẩm đã tăng gấp sáu lần trong vòng 30 năm qua với 4/5 dân số sống một phần dựa vào nguồn cung thực phẩm được sản xuất ở một quốc gia khác. 
Đáng chú ý, thực tế này xảy ra bất chấp những nỗ lực hạn chế của các chính phủ. Mặc dù vai trò của nhà nước đang giảm đi, chính quyền đôi khi vẫn đưa ra các chính sách điều chỉnh giá cả và kiểm soát phân phối.

Ví dụ, thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng nông sản của Liên minh châu Âu (EU) cao gấp bốn lần so với thuế đánh lên các mặt hàng phi nông nghiệp.
Sự can thiệp của các chính phủ cùng với diễn biến thất thường của khí hậu và thị trường hàng hóa là những yếu tố tác động lớn đến hệ thống cung ứng thực phẩm. Trong giai đoạn 2007-2008, vụ mùa thu hoạch kém và chi phí năng lượng cao đã đẩy giá lương thực tăng. 
Nhiều quốc gia lo ngại nguy cơ thiếu hụt nguồn cung và ra lệnh cấm xuất khẩu làm khuấy động tâm lý hoang mang và khiến giá lương thực tăng mạnh hơn.

Kết quả là một làn sóng hoảng loạn diễn ra ở nhiều quốc gia mới nổi. Đây cũng được coi là cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất kể từ những năm 1970, khi giá phân bón cao và thời tiết xấu ở Mỹ, Canada và Nga khiến sản lượng lương thực giảm sút.
Khi đối mặt với “sóng thần” COVID-19, hệ thống cung ứng thực phẩm đã dần thích nghi. Các quốc gia duy trì cung cấp ngũ cốc nhờ nguồn cung dồi dào từ các vụ thu hoạch gần đây và dự trữ ở mức cao.

Công ty vận chuyển và cảng hàng hóa tiếp tục hoạt động thường xuyên. Các nhà bán lẻ lớn phải cắt giảm quy mô và sắp xếp tái phân phối. Năng lực thương mại điện tử của “ông lớn” thương mại điện tử Amazon đã tăng 60%.
Điều quan trọng, hầu hết các chính phủ đã học được bài học của năm 2007-2008 và tránh chủ nghĩa bảo hộ. Đến nay, chỉ 5% xuất khẩu thực phẩm phải đối mặt với những biện pháp hạn chế, so với tỷ lệ 19% trước đây. Tính từ đầu năm nay, giá cả có xu hướng đi xuống.
Sẵn sàng cho những khó khăn sắp tới
Mặc dù đại dịch đã được kiểm soát ở một số quốc gia, nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp ở một số khu vực khác. Những khó khăn mà COVID-19 gây ra đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung vẫn chưa chấm dứt. Toàn cầu hóa trong ngành công nghiệp thực phẩm có nghĩa là sự phát triển mang tính tập trung hơn và điều đó chắc chắn đi kèm với các nút thắt.
Dịch COVID-19 bùng phát tại một số cơ sở giết mổ gia súc của Mỹ đã khiến nguồn cung thịt lợn giảm 1/4 và số lượng đơn xin giấy phép săn bắn gà tây hoang dã tăng đột biến 28% ở bang Indiana. Mỹ và châu Âu sẽ cần hơn 1 triệu lao động nhập cư từ Mexico, Bắc Phi và Đông Âu để thu hoạch nông sản.
Khi nền kinh tế bị suy thoái và thu nhập của người lao động giảm sút, số người phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng trên thế giới có thể tăng lên từ 1,7% lên 3,4% tổng dân số toàn cầu, kể cả ở một số nước giàu.

Khi nghèo đói gia tăng và sản xuất ngừng trệ, các chính phủ có thể thực hiện những biện pháp “hoảng loạn” như tăng dự trữ lương thực và hạn chế xuất khẩu. Như trong năm 2007-2008, điều này có thể gây ra phản ứng “ăn miếng trả miếng” và khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Cả trong bối cảnh giữa đại dịch hay hậu COVID-19, các quốc gia cần giữ cho hệ thống cung ứng thực phẩm của thế giới luôn ở trạng thái mở, cho phép sản xuất xuyên biên giới và cung cấp thị thực, kiểm tra sức khỏe cho người lao động nhập cư.

Ngoài ra, các chính phủ cũng cần chống lại sự tập trung, độc quyền trong ngành công nghiệp thực phẩm có thể gia tăng hậu COVID-19, khi các công ty lớn thâu tóm những công ty nhỏ hoặc có nguy cơ phá sản.

Điều đó cũng có nghĩa là làm cho hệ thống trở nên minh bạch hơn, có thể truy xuất nguồn gốc như các chứng nhận và tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa.
Đại dịch COVID-19 đã khẳng định một lần nữa vai trò quan trọng của vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, không nên lấy an ninh lương thực là lý do để thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ và gia tăng can thiệp vào thị trường.

Trước khi đại dịch xảy ra, vấn đề thực phẩm đã trở thành một phần của cuộc chiến thương mại. Mỹ đã tìm cách quản lý xuất khẩu đậu nành và áp thuế đối với phô mai. Tại châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các nước của “lục địa già” xây dựng hệ thống “tự trị chiến lược” trong lĩnh vực nông nghiệp. 
Trong 30 năm tới, nguồn cung lương thực cần tăng khoảng 50% để đáp ứng nhu cầu dân số ngày càng giàu có và gia tăng về số lượng.

Nhu cầu đối với một cuộc cách mạng năng suất mới trong lĩnh vực nông nghiệp là rất lớn, liên quan đến tất cả mọi lĩnh vực, từ các nhà kính công nghệ cao gần thành phố đến các robot hái trái cây. Chính sự phụ thuộc lẫn nhau và đa dạng hóa sẽ giúp đảm bảo sự an toàn của hệ thống cung ứng thực phẩm toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục