Chương trình cho vay học sinh, sinh viên kịp thời giúp những gia đình khó khăn

09:35' - 28/09/2022
BNEWS Tính từ đầu năm đến cuối tháng 8/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Long An đã cho 809 lượt hộ vay chương trình cho vay học sinh, sinh viên, với doanh số cho vay gần 34 tỷ đồng.

Quy định mới triển khai từ ngày 19/5/2022, nâng mức cho vay từ 25 triệu đồng lên 40 triệu đồng/học sinh sinh viên/năm, giúp những hộ khó khăn dễ dàng hơn trong việc chi phí cho con ăn học.

 

Khi bắt đầu có quyết định nâng mức cho vay lên 40 triệu đồng/năm, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Long An triển khai xuống các địa phương, đồng thời làm tờ rơi, qua các kênh truyền thông, qua sinh hoạt của các tổ tiết kiệm vay vốn, tổ trưởng tổ viên sẽ tuyên truyền chia sẻ giúp đông đảo hộ gia đình có con đi học gặp khó khăn về tài chính có thể biết và tiếp cận nguồn vốn.

Do đó, khi bắt đầu triển khai từ ngày 19/5 đông đảo người dân có nhu cầu biết đến và vay cho học sinh sinh viên. Đối tượng cho vay theo chương trình này là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn đột xuất về tài chính.

Gia đình chị Trần Thị Quỳnh Thư ở xã Bình Tâm, Thành phố Tân An có 2 con gái sinh đôi đang học năm 2 trường Đại học Văn Hiến Tp. Hồ Chí Minh. Chồng chị làm thợ xây, chị trồng hơn 100 gốc thanh long trên diện tích khoảng hơn 1 công đất, bên cạnh đó chăn nuôi thêm bò thịt.

Khi hai con học năm nhất gia đình chị vẫn lo được tiền cho con học. Năm vừa qua do dịch COVID-19, khó khăn đột xuất nên năm nay chị phải vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội chương trình cho vay học sinh sinh viên. Chị Thư cho biết, số tiền vay 1 năm học cho 2 con tổng cộng là 80 triệu đồng đủ đóng tiền học phí, nhà trọ, mua sách vở, học thêm… còn tiền tiêu hàng tháng gia đình gom góp từ trồng trọt, tiền công của chồng chị đi làm.

“Năm trước gia đình bán được 2 con bò kịp đủ tiền học cho 2 con, năm nay chưa bán được bò nên rất vui vì có nguồn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, mức vay cũng được cao hơn, gia đình bớt đi khoản lo”, chị Trần Thị Quỳnh Thư cho hay.

Chương trình cho vay học sinh, sinh viên tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, nhanh chóng, lãi suất thấp, bên cạnh trả lãi hàng tháng, nếu có dư mỗi hộ có thể gửi tiết kiện 500.000 - 1 triệu đồng mỗi tháng để dành trả gốc dần.

Gia đình chị Võ Thị Ngọc Thành ở xã Hướng Thọ Phú, thành phố Tân An cũng đang vay cho 2 con trai học đại học. Con lớn đang học năm thứ 5 Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, đứa thứ 2 học năm thứ 4 Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh.

Chị Thành cho biết từ khi con lớn bắt đầu vào Đại học chị đã phải vay chương trình học sinh, sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ năm 2017 khi mức vay mới 15 triệu đồng, sau tăng lên 25 triệu đồng và đến nay là 40 triệu đồng/học sinh sinh viên/năm.

Vợ chồng chị Thành thuê 6 mẫu đất để trồng trọt và chăn nuôi, anh chị nuôi bò và trồng đủ các loại cây hoa màu từ dưa hấu tới ớt, bí đỏ, bí xanh quanh năm… nhưng vì 2 con học gần kề nhau nên khó khăn càng thêm khó.

“Khi cần nhiều tiền để đóng học phí cho con thì không có, vay Ngân hàng Chính sách xã hội lãi suất thấp, thời gian trả nợ được nới rộng khiến gia đình rất yên tâm. Dù mình vay nợ nhiều nhưng con cái học hành chăm ngoan, ra trường đúng hạn gia đình rất vui. Mỗi lần nghe con học điểm cao, không nợ môn mình mừng rớt nước mắt. coi đó là động lực lớn để cha mẹ chăn nuôi trồng trọt cho con ăn học”, chị Võ Thị Ngọc Thành chia sẻ.

Những năm qua chất lượng chương trình cho vay học sinh, sinh viên tại Long An theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 đạt loại tốt, triển khai thuận lợi không gặp khó khăn. Tổng dư nợ cho vay đến 31/08/2022 là 480 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,47%/tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Long An, với gần 12.300 hộ còn dư nợ.

Chương trình đã giúp cho 105 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn đi học, tạo thêm nguồn nhân lực có tri thức, có tay nghề góp phần đồng bộ hóa các giải pháp thực hiện chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội và chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương.

Bà Nguyễn Thị Mộng Liên, Tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn ấp 4, xã Bình Tâm, thành phố Tân An đã làm Tổ trưởng tổ vay vốn từ năm 2015, đến nay tổ của bà Liên có 60 tổ viên vay theo các chương trình học sinh sinh viên, học sinh sinh viên mua máy tính, vay giải quyết việc làm, hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo… Định kỳ hàng tháng tổ vay vốn họp ở nhà văn hóa ấp, thu lãi đúng hạn, đa số tổ viên có tinh thần gửi tiết kiệm hàng tháng để thuận tiện cho trả gốc. Đặc biệt, tổ Tiết kiệm và vay vốn của bà Liên chưa có trường hợp nợ xấu nào.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Long An, bên cạnh chương trình cho vay học sinh sinh viên, hiện địa phương cũng triển khai Chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến khá hiệu quả.

Chương trình được thực hiện từ tháng 4/2022, cho vay 10 triệu đồng/ 1 trường hợp, sau 5 tháng đã có 495 hộ gia đình vay, doanh số cho vay đạt gần 5 tỷ đồng. Đây là chương trình rất hữu ích và kịp thời, đáp ứng yêu cầu học tập cho các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn bắt nhịp được nền giáo dục chuyển đổi số.

Nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ thuận lợi, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Long An đã tổ chức 188 Điểm giao dịch xã trong khuôn viên của UBND 188/188 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Hoạt động của Điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn ngày càng hiệu quả, đáp ứng trên 98% số lượng giao dịch của khách hàng với Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Long An đã thành lập được 2.651 tổ Tiết kiệm và vay vốn tại 100% xóm ấp, tổ dân cư trên toàn tỉnh, nhận ủy thác tổng số gần 115 nghìn thành viên; bình quân mỗi tổ Tiết kiệm và vay vốn có 43 thành viên, quản lý dư nợ gần 1,7 tỷ đồng./.

>>Tín dụng chính sách - đòn bẩy thoát nghèo, đảm bảo an sinh xã hội

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục