Cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản

15:45' - 23/12/2016
BNEWS Hai lĩnh vực tại Nhật Bản dễ mang lại thành công cho doanh nghiệp Việt Nam đó là nông nghiệp và công nghệ thông tin.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Ngày 23/12, Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức hội thảo “Xúc tiến thương mại sang thị trường Nhật Bản” với chuyên đề “Con đường hội nhập và xúc tiến xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản” nhằm góp phần tăng cường phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản, cũng như cập nhật thông tin về thị trường cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Tại hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Phồn, Giảng viên cao cấp, Chuyên gia Tư vấn Doanh nghiệp cho biết, hai lĩnh vực tại Nhật Bản dễ mang lại thành công cho doanh nghiệp Việt Nam đó là nông nghiệp và công nghệ thông tin.

Về nông nghiệp, Nhật Bản đang thiếu doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này do thiếu lao động nên khi đầu tư tại Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam nên lưu tâm vào lĩnh vực này. Về công nghệ thông tin, đây không chỉ là lĩnh vực Nhật Bản đang có nhu cầu lớn mà còn là thế mạnh của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Mặc dù số lượng dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Nhật chưa nhiều, quy mô đầu tư còn nhỏ, nhưng các dự án hoạt động hiệu quả, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm… đem lại giá trị gia tăng cao và góp phần nâng cao năng lực cho các kỹ sư, cử nhân công nghệ thông tin của Việt Nam.

Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Nhật Bản 40 dự án với tổng vốn đăng ký 7 triệu USD. Các doanh nghiệp đã đạt được những thành công nhất định. Điển hình trong các dự án thành công đó là dự án của Công ty cổ phần FPT vào lĩnh vực công nghệ thông tin.

Hiện FPT Việt Nam hoạt động rất tốt tại thị trường Nhật Bản. Ngoài ra, một số doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại Nhật Bản đang tích cực mở rộng đầu tư.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Quốc Phồn, doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư tại Nhật Bản cũng cần lưu ý, chi phí nhân công sẽ rất cao và cũng không dễ để tuyển lao động.

Để giảm chi phí, các doanh nghiệp Việt Nam thay vì tuyển kỹ sư Nhật Bản làm việc thì nên đào tạo các kỹ sư Việt Nam biết tiếng Nhật sau đó sang làm việc tại nước này. Như vậy, sẽ giảm được chi phí nhân công và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Vũ Cường, Phó Trưởng phòng Đông Á, Vụ KV1 (Bộ Công Thương) cho biết, qua hơn một năm thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), một số mặt hàng của Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi trong hiệp định để đạt tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này, đặc biệt là dệt may, thủy sản, máy móc thiết bị.

Số liệu thống kê mới đây cho thấy, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2016, của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 13,3 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Nhật Bản tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ). Hàng dệt may chiếm 20% tổng kim ngạch của Việt Nam sang Nhật Bản.

Ông Vũ Cường cho biết thêm, thông qua Hiệp định VJEPA, doanh nghiệp có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và nước này không bảo hộ bằng thuế quan đối với hầu hết sản phẩm công nghiệp.

Theo đó, có trên 95% giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghiệp và 95 dòng thuế hàng công nghiệp được giảm về 0% khi Hiệp định VJEPA có hiệu lực. Đặc biệt, Nhật Bản mở cửa thị trường dệt may, may mặc và mặt hàng da, giầy dép./.

>>> Tăng cường kiểm tra chỉ tiêu Sulfadiazine các lô hàng tôm xuất sang Nhật Bản

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục