Cổ phần hoá Agribank: Chậm để tiến xa

10:42' - 04/08/2018
BNEWS Lộ trình cổ phần hoá Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã được định sẵn. Dòng chảy toàn cầu hóa đang mở ra cơ hội lớn giúp Agribank bắt kịp xu hướng và bứt phá đi lên.

Tuy nhiên đây cũng là thách thức để Agribank phải thực sự có được một “cuộc cách mạng” trong việc tăng năng lực tài chính, góp phần thu hút các nhà đầu tư và thực hiện thành công đề án cổ phần hóa.

Tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Agribank mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Agribank đã thực hiện tốt sứ mệnh cung ứng kịp thời tài chính, hỗ trợ thúc đẩy nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Lộ trình cổ phần hoá Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã được định sẵn. Ảnh: TTXVN

Agribank đã cùng hệ thống ngân hàng cả nước góp phần đưa Việt Nam từ một quốc gia phải nhập khẩu lương thực trở thành một quốc gia đảm bảo an ninh lương thực và là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, góp phần vào việc tạo nên kỳ tích xuất khẩu nông sản trên 36 tỷ USD năm 2017.

Với thành tựu đó, Thủ tướng yêu cầu Agribank cần tiếp tục giữ vững, củng cố và phát huy vai trò chủ đạo trong tín dụng nông nghiệp nông thôn, phải nâng tầm trở thành một trong những ngân hàng thương mại uy tín, quy mô hàng đầu khu vực.

Để đạt được mục tiêu đó, đặc biệt là tiến hành cổ phần hóa thành công, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, Agribank cần có kế hoạch chi tiết, cụ thể hàng năm để triển khai thực hiện.

Thủ tướng giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giám sát Agribank tập trung cổ phần hóa và triển khai cơ cấu lại đảm bảo chặt chẽ, phòng chống tiêu cực và thực hiện theo đúng quy định, mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước và người dân.

Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank chia sẻ, Agribank là ngân hàng 100% vốn nhà nước cuối cùng triển khai cổ phần hóa, nên việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài sẽ khó khăn.

Việc cổ phần hóa chậm lại sẽ giúp cho bệ phóng của ngân hàng được xây dựng vững chắc hơn, tạo được sức bật tốt hơn trong thời gian tới. Trên thực tế, có ngân hàng cổ phần hóa trước Agribank nhiều năm đến nay vẫn chưa tìm được đối tác chiến lược.

Ngoài ra, Agribank là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất, riêng đất đai thuộc quyền quản lý sử dụng của Agribank đã tới gần 3 triệu m2, nguồn gốc hình thành đa dạng nhất; số lượng khách hàng đông nhất với hàng chục triệu khách hàng có quan hệ giao dịch tiền gửi, tiền vay, nên các khoản phải thu, phải trả cũng nhiều nhất. Do vậy, việc xác định giá của Agribank cũng sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian nhất.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cũng nhìn nhận, cơ chế pháp luật về cổ phần hóa đã được hoàn thiện, bổ sung chặt chẽ hơn nhiều so với trước đây, vừa là cơ hội, vừa là thách thức với Agribank. Ở khía cạnh thách thức, chắc chắn thời gian định giá doanh nghiệp sẽ phải kéo dài hơn, hy vọng hưởng lợi từ cơ chế cổ phần hóa của nhà đầu tư giảm đi, đặc biệt là quyền sử dụng đất.

“Còn về cơ hội, Agribank được thừa hưởng các bài học kinh nghiệm của những người đi trước, nên tôi tin, việc cổ phần hóa sẽ hiệu quả hơn. Cổ phần hóa Agribank chắc chắn sẽ được tăng vốn tự có, con đường tăng vốn khả thi nhất hiện nay.

Đồng thời, sau khi cổ phần hóa, Agribank sẽ được tự chủ hơn trong quản trị, điều hành hoạt động kinh doanh, đặc biệt khả năng hợp tác với các đối tác nước ngoài sẽ được mở rộng hơn", ông Trịnh Ngọc Khánh cho hay.

Trong Chiến lược phát triển đến năm 2020, tầm nhìn 2030, hướng đến cổ phần hóa, Agribank xác định tăng cường huy động vốn, cung cấp vốn tín dụng cho nền kinh tế gắn với phát triển, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, tiếp tục giữ vững vai trò chủ lực trong đầu tư, hỗ trợ phát triển và cung cấp các dịch vụ tài chính, tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Trong đó, Agribank chú trọng khâu đột phá chiến lược trong nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực tài chính; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, tiên tiến; phát triển, mở rộng các kênh phân phối sản phẩm dịch vụ tới khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường… qua đó góp phần nâng cao vị thế cạnh tranh của Agribank trên thị trường trong nước và quốc tế.

Từ năm 2017, Agribank đặt trọng tâm đẩy nhanh tốc độ phục hồi, giải quyết các tồn đọng; bắt đầu triển khai kế hoạch cổ phần hóa. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt cùng những thách thức từ môi trường kinh doanh trong và ngoài nước, Agribank đã triển khai nhiều giải pháp có tính đồng bộ trên cơ sở bám sát Nghị quyết của hội đồng thành viên.

Cụ thể, ngân hàng này đã xây dựng kế hoạch, giải pháp kinh doanh phù hợp với định hướng, chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng, tuân thủ Nghị quyết số 01/NQ-HĐTV; giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động VND; điều chỉnh dần tốc độ tăng trưởng nguồn vốn phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Cùng đó, tích cực, quyết liệt trong tiến hành xử lý nợ xấu giai đoạn 2017 - 2022 theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về thí điểm thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cũng khẳng định một trong những nhiệm vụ đối với Agribank trong thời gian tới là cần đẩy nhanh đầu tư công nghệ để có thể phát triển và cung cấp các sản phẩm dịch vụ tiện ích trên nền tảng công nghệ hiện đại như: QR Pay, Samsung Pay, Autobank… kết hợp với nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ.

Với xu thế hiện nay, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trong giai đoạn khởi phát và sẽ nhanh chóng thể hiện sự chiếm lĩnh trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, đồng thời làm thay đổi hoàn toàn hệ thống sản xuất và quản trị, thì việc Việt Nam - một nước nông nghiệp truyền thống - ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp của Việt Nam để có nền sản xuất nông nghiệp thông minh là xu hướng tất yếu và Agribank tất nhiên không thể đứng ngoài làn sóng này.

Agribank xác định năm 2018 là năm then chốt trong lộ trình thực hiện chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu trọng tâm là tiếp tục củng cố, ổn định và nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh, giải quyết dứt điểm các bất cập, tồn tại, tiếp tục giữ vững vai trò chủ lực trên thị trường tiền tệ, tín dụng “tam nông”, khôi phục vị thế hoạt động tại khu vực thành thị.

Cùng với đó là quyết liệt triển khai Kế hoạch cổ phần hóa Agribank theo Quyết định số 58/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong những tháng đầu năm 2018, toàn hệ thống đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, hoạt động kinh doanh tiếp tục tăng trưởng. Tính đến 31/05/2018, vốn huy động đạt 1.101.928 tỷ đồng tăng 3,8% so với đầu năm.

Dư nợ cho vay đạt 911.823 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Thu dịch vụ đạt 2.159 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ và đạt 40% kế hoạch năm 2018. Các tỷ lệ an toàn hoạt động đáp ứng theo quy định./.

Xem thêm:

>>>Agribank hỗ trợ nông dân tiếp cận máy móc nông nghiệp công nghệ cao

>>>Gần 140 nghìn tổ chức, doanh nghiệp đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử tại Agribank

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục